MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trẻ nhỏ cũng có thể bị đột quỵ nhưng các dấu hiệu mờ nhạt nên dễ nhầm lẫn: Đề phòng con đột quỵ, cha mẹ cần chú ý 4 việc

06-01-2021 - 22:24 PM | Sống

Trẻ nhỏ cũng có thể bị đột quỵ nhưng các dấu hiệu mờ nhạt nên dễ nhầm lẫn: Đề phòng con đột quỵ, cha mẹ cần chú ý 4 việc

Hầu hết mọi người nghĩ về đột quỵ là bệnh của tuổi già. Nhưng trẻ nhỏ cũng có nguy cơ cao bị đột quỵ như người già.

Trẻ nhỏ bị đột quỵ không phải là hiếm gặp

Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) chia sẻ thông tin trường hợp bé T.N. (3 tuổi, quê Vĩnh Long) bị đột quỵ. Được biết, trước đó, bé N. đang chơi với bạn thì đột ngột bị té xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh. Sau khi đến viện, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu hồi sức và chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Kết quả cho thấy nguyên nhân xuất huyết não là vì bé có túi phình mạch máu não. Đây là bệnh thường gặp và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở người già, lớn tuổi.

Tuy nhiên hiện nay, các bệnh lý túi phình mạch máu não dần xuất hiện ở tuổi trẻ hơn và thậm chí là trẻ em.

Đột quỵ ở trẻ em được ví như "sát thủ giấu mặt" âm thầm cướp đi tuổi thơ của trẻ nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời. Đáng lo ngại, ngày nay, số trẻ bị đột quỵ đang có dấu hiệu tăng lên.

Trẻ nhỏ cũng có thể bị đột quỵ nhưng các dấu hiệu mờ nhạt nên dễ nhầm lẫn: Đề phòng con đột quỵ, cha mẹ cần chú ý 4 việc - Ảnh 1.

Túi phình mạch máu não của bé N.

Vào hồi tháng 12/2019, bệnh viện Nhi đồng TP.HCM điều trị thành công cho trường hợp bé 3 tuổi (quê An Giang) bị đột quỵ. Trước đó bệnh nhi nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người, mặc cho ai gọi bé đều không biết gì và được chẩn đoán nhầm là viêm màng não. Theo kết quả chụp MRI tại bệnh viện Nhi đồng TP. HCM thì phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Ngay sau đó các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng TP cũng tiếp nhận cấp cứu cho một bé trai 5 tuổi (ngụ Long An) trong tình trạng méo miệng, co giật đột ngột do nhồi máu não vùng đỉnh trái. Điều may mắn với bé này là được phát hiện, can thiệp kịp thời nên chỉ bị di chứng nhẹ chức năng ngôn ngữ, vận động.

Các loại đột quỵ ở trẻ nhỏ

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, ngoài phân loại theo xuất huyết, nhồi máu như đột quỵ người lớn, đột quỵ ở trẻ em còn phân loại theo tuổi. Đột quỵ xảy ra từ 28 tuần thai đến 28 ngày sau sinh gọi là đột quỵ chu sinh, từ 28 ngày sau sinh đến 18 tuổi, gọi là đột quỵ trẻ em.

Trẻ nhỏ cũng có thể bị đột quỵ nhưng các dấu hiệu mờ nhạt nên dễ nhầm lẫn: Đề phòng con đột quỵ, cha mẹ cần chú ý 4 việc - Ảnh 2.

Đột quỵ chu sinh có các yếu tố nguy cơ từ con và nguy cơ từ mẹ.

Các yếu tố nguy cơ từ con bao gồm bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, chấn thương khi sinh, ngạt khi sinh.

Nguy cơ từ mẹ gồm con so, tiền căn vô sinh, nhiễm trùng ối, thiểu ối, vỡ ối sớm, phải hỗ trợ hút khi sinh, phải sinh mổ cấp cứu, tiền sản giật, rối loạn đông máu. Càng nhiều yếu tố nguy cơ, nguy cơ đột quỵ chu sinh càng cao.

Ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não gây nguy cơ tử vong rất cao, tuy nhiên bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác làm chậm trễ quá trình điều trị.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ bị đột quỵ là 10%, di chứng thần kinh vĩnh viễn 30 - 40%. Lứa tuổi thường gặp đột quỵ là 5 - 10 tuổi.

Nguyên nhân hay gặp nhất dẫn tới đột quỵ ở trẻ nhỏ

Đột quỵ ở trẻ em không liên quan đến lối sống như người lớn mà chủ yếu là do bệnh. Nếu đột quỵ người lớn thường là xơ vữa thì ở tình trạng đột quỵ ở trẻ em thường có 3 nhóm nguyên nhân chính là

- Bệnh tim bẩm sinh,

- Bệnh Moya Moya (bệnh tắc hẹp mạch não bẩm sinh)

- Bệnh bóc tách động mạch.

Một số nguy cơ khác gồm bệnh trung mô toàn thân như lupus, bệnh hồng cầu hình liềm, tình trạng tăng đông máu, loạn sản sợi cơ của động mạch, u mạch dạng hang trong não...

Trẻ nhỏ cũng có thể bị đột quỵ nhưng các dấu hiệu mờ nhạt nên dễ nhầm lẫn: Đề phòng con đột quỵ, cha mẹ cần chú ý 4 việc - Ảnh 3.

Dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em thường mờ nhạt

Đột quỵ là tình trạng lưu thông máu ở não bị tắc nghẽn, khiến cho những tế bào não ở vùng kế cận không nhận được lượng máu cần thiết nên bị chết đi. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.

Về lý thuyết, đột quỵ ở trẻ em và người lớn bản chất không khác nhau. Đây đều là tình trạng nhồi máu não hoặc xuất huyết não có thể gây khiếm khuyết thần kinh và để lại di chứng, nặng hay nhẹ tùy thuộc vùng tổn thương cụ thể.

Nếu như đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay... thì ở trẻ em dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như: co giật, mất ý thức ngắn, hành động vụng về...

Đột quỵ trẻ em (28 ngày đến 18 tuổi) sẽ có triệu chứng giống đột quỵ của người lớn như yếu chi, động kinh, méo mặt, rối loạn thị lực, rối loạn phối hợp vận động, ở trẻ lớn thì có rối loạn ngôn ngữ…

Đối với nhóm trẻ trên 4 tuổi, triệu chứng đột quỵ giống như người lớn: Khởi đầu bệnh nhi sẽ nhức đầu đột ngột, dữ dội, nôn ói, kèm thiếu sót thần kinh (yếu liệt nửa người, nói đớ, mỗi mắt chỉ nhìn thấy một nửa…). Trường hợp nặng, trẻ có thể bị rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê sâu, giãn đồng tử, thoát vị não (não bị chảy sang vị trí khác).

Trẻ nhỏ cũng có thể bị đột quỵ nhưng các dấu hiệu mờ nhạt nên dễ nhầm lẫn: Đề phòng con đột quỵ, cha mẹ cần chú ý 4 việc - Ảnh 4.

Để nhận diện nhanh những người mắc bệnh đột quỵ, hãy nhớ từ FAST (nhanh):

- Face (khuôn mặt): Yêu cầu người bệnh hãy cười. Xem một bên mặt có bị chảy xệ xuống hay không, nếu có thì tức là có nguy cơ.

- Arm (tay): Hãy yêu cầu người bệnh giơ cùng lúc cả hai tay lên. Xem bên tay có bị rũ xuống hay là không nào thể giơ lên?

- Speech (lời nói): Yêu cầu người bệnh nói những câu đơn giản. Nếu họ cứ nói lắp, hoặc nói không rõ từng lời, hay nói khó hiểu thì tức là có nguy cơ.

- Time (thời gian): Nếu người bệnh có những biểu hiệu trên, thì nhiều khả năng họ đã bị tai biến mạch máu não. Cần gọi xe cấp cứu ngay. Thời gian cấp cứu rất quan trọng, tính bằng giây.

Ngoài các dấu hiệu trên, bệnh tai biến mạch máu não có thể có biểu hiện khác như yếu hoặc tê một nửa người, giảm hoặc mất thị lực, đau đầu đột ngột dữ dội nhưng không có nguyên nhân rõ ràng và kèm theo nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt...

Đề phòng đột quỵ ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ cũng có thể bị đột quỵ nhưng các dấu hiệu mờ nhạt nên dễ nhầm lẫn: Đề phòng con đột quỵ, cha mẹ cần chú ý 4 việc - Ảnh 5.

1. Tránh để trẻ bị béo phì: Béo phì có thể dẫn đến các bệnh về cao huyết áp, hoặc tăng mỡ máu và tiểu đường. Đây là những tác nhân chính gây đột quỵ ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Do đó, việc phòng ngừa béo phì và tăng cân ở trẻ em phải được cha mẹ đặc biệt chú ý.

2. Trẻ cần có chế độ ăn phù hợp: Một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm hoa quả, thịt, cá và rau, ít các chất béo chuyển hóa và đường... là thực sự cần thiết cho trẻ, vì như vậy trẻ mới được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều chất béo hoặc ăn một loại thực phẩm lặp đi lặp lại vì như thế sẽ dẫn tới thiếu dinh dưỡng và tạo tiền đề cho bệnh tật xuất hiện.

3. Tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt tốt: Ngoài ăn uống lành mạnh, đủ chất, trẻ cần thường xuyên vận động phù hợp, có giấc ngủ tốt, có tâm lý thoải mái... Có như vậy trẻ mới có sức khỏe tốt và giảm thiểu áp lực dẫn đến bệnh tật, bao gồm cả đột quỵ.

4. Cho trẻ đi khám sức khỏe định kì: Cũng như người lớn, trẻ nhỏ cũng cần được đi khám định kỳ. Việc khám định kỳ có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và tăng khả năng thành công trong việc chữa trị bệnh.

Việc phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em là rất khó nên khi trẻ có những dấu hiệu đáng nghi ngờ, phụ huynh nên ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt sau này của trẻ.

Theo XT

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên