Trên đời này làm gì có thứ gọi là "công ty hoàn hảo", chỉ là bạn có biết thích ứng hay không thôi!
Con đường nghề nghiệp rất khắc nghiệt và sự thật là chẳng có công ty nào, môi trường làm việc nào là hoàn hảo cả. Một khi đã bước chân vào thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình là nhân vật chính, kiểu gì cũng chỉ được hưởng thái bình.
- 22-06-2020Bộ ảnh đáng sợ về cuộc sống của dân công sở Nhật: Say xỉn là "nghĩa vụ", làm việc như máy và thờ ơ với tình dục
- 20-06-2020"Không tiền bạc nào có thể bù đắp cho thiếu hụt nhân cách": Bức thư 9 điều thâm sâu từ người cha thức tỉnh hội công sở ham muốn vật chất hơn nội hàm
- 20-06-2020Nhân viên công sở 28 tuổi thu nhập 10 triệu/tháng: Biết đủ rồi, cuộc sống đâu có kém vui so người giàu là bao?
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, kèm việc thông thạo thêm 2 thứ tiếng và bỏ túi kha khá các kỹ năng mềm, tương lai của T.L được nhiều bạn bè đồng trang lứa dự đoán sẽ vô cùng nổi bật và nhanh chóng thành công.
Ấy thế nhưng, chẳng hiểu vì sao kể từ ngày bắt đầu đi làm, T.L lại sinh ra cái thói than phiền. Cô than phiền trên cả facebook lẫn các cuộc gặp gỡ bạn bè, mà chủ đề chỉ xoay quanh công việc, công ty.
Ở công ty đầu tiên, cô than rằng chính sách không tốt, đãi ngộ chưa phù hợp, lương thưởng không công bằng. Sang đến công ty thứ 2, các vấn đề trên đã được giải quyết nhưng T.L tiếp tục than trời trách đất vì đồng nghiệp khó hòa nhập, giờ giấc làm việc không thoải mái,...
Đến công ty thứ 3, cô lại tiếp tục than thở, T.L lại trách cứ môi trường làm việc bí bách, việc nhàn nhã khiến cô cảm giác mình mất động lực phấn đấu. Cứ thế, T.L tiết lộ với bạn bè rằng mình đang định tìm đến công ty thứ 4. Bí mật chẳng quá bất ngờ này khiến bạn bè T.L chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Quả thật, T.L chính là đại diện cho một số người trẻ vừa mới chập chững bước chân lên con đường sự nghiệp nhưng cứ thích vạch lá tìm sâu cho mình cái cớ được phàn nàn, than thở. Không điểm này thì điểm kia, không vấn đề này thì vấn đề nọ, cứ hễ không vừa mắt là sẽ cảm thấy khó chịu vô cùng.
Về lý do (chỉ mang tính chất tham khảo), rất có thể các bạn bị ảnh hưởng bởi các bộ phim hào nhoáng về đề tài tình yêu công việc, ở đó các nhân vật được xây dựng có sẵn cuộc đời màu hồng đầy tráng lệ, ai xem cũng phát mê.
Hoặc cũng có thể, các bạn vì sự ái mộ đặc biệt của mình dành cho một doanh nhân tiếng tăm nào đó, đáng tiếc, các bạn chỉ thấy điểm kết thúc của họ, trông họ trên cái đỉnh nghề nghiệp mà không tìm hiểu hoặc không muốn tìm hiểu điểm bắt đầu và chuyến hành trình chông gai đầy thực tế mà họ đã trải qua.
Con đường nghề nghiệp rất khắc nghiệt và sự thật là chẳng có công ty nào, môi trường làm việc nào là hoàn hảo cả. Một khi đã bước chân vào thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình là nhân vật chính, kiểu gì cũng chỉ được hưởng thái bình. Nếu không chấn chỉnh lại bản thân, chấp nhận thực tế, bớt sân si than phiền, thành công đừng mong chạm vào.
Sau đây chính là 3 bước giúp dân công sở trẻ mau chóng thích nghi với môi trường làm việc mới:
1. Nhập gia tùy tục
Như đã nói, không có nơi làm việc nào là hoàn hảo cả và các công ty được dựng nên không phải để làm hài lòng tuyệt đối bất cứ một nhân viên nào. Văn hóa nội bộ có thể khác, đồng nghiệp dăm bảy kiểu cũng chẳng ai giống ai, sếp thì “hên xui”,... vì vậy khi đã quyết định đầu quân, hãy nhập gia tùy tục trở thành một phần của nó.
Chỉ khi trở thành một phần của công ty, bạn mới có thể đưa ra so sánh khách quan nhất về những tiêu chuẩn của mình và những điều mà công ty mang đến cho bạn. Viễn cảnh mơ mộng lúc này cũng không còn và bạn cũng trở nên thực tế hơn rất nhiều.
2. Chấp nhận sự khác biệt
Sau khi so sánh và tìm ra được các điểm khác biệt giữa mong cầu của mình và thực tế công ty, hãy chấp nhận nó. Ban đầu có thể hơi khó khăn nhưng cứ nghĩ rằng đây giống như việc bạn yêu một người vậy, ở đối phương sẽ có các tật xấu làm bạn phiền lòng nhưng điều đó không đủ to tát để bạn nói lời chia tay.
Chấp nhận sự khác biệt là một bước quan trọng giúp bạn có thể thích nghi và hòa nhập vào bất kỳ môi trường công sở nào, bất kể cách biệt văn hóa ra sao.
3. Biến thách thức thành cơ hội
Có những sự khác biệt bạn có thể làm quen như văn hóa nội bộ nhưng bên cạnh đó cũng có không ít vấn đề mà bạn cảm thấy "sai quá sai" trong khi ai ai cũng cho rằng nó bình thường. Đối diện với những vấn đề ấy, hãy bình tĩnh, khoan vội “giận quá mất khôn”. Lúc này đây thay vì suy nghĩ theo lối mòn tiêu cực, hãy tích cực nghĩ rằng, những vấn đề này sẽ rất có ích nếu bạn xem nó là cơ hội để thử thách chính mình, hoàn thiện bản thân.
Quy trình không rõ ràng? Hãy tham gia đóng góp ý kiến, tái xây dựng lại hệ thống công ty. Đồng nghiệp quá tệ không thể phối hợp? Mở lòng mình ra, giao tiếp và giúp đỡ họ, sự tin tưởng và yêu quý của họ sẽ rất có giá trị cho sự thăng tiến của chính bạn sau này,...
Nên nhớ, khó khăn nào cũng có cách giải quyết, chỉ cần đủ tinh tế, thông minh, linh hoạt bạn sẽ có cách giải quyết thật đẹp và tận dụng nó để tạo ra giá trị cho riêng mình. Làm được rồi, ngày mai nhỡ có dứt áo ra đi nữa thì ở nơi mới cũng vơi bớt vài phần bỡ ngỡ, nhanh chóng vào việc, bắt nhịp thật nhanh!
Nhịp sống Việt