Trên phạt dưới kệ: Tập đoàn Mỹ vẫn bơm tiền cho Trung Quốc vì sợ cảnh “trạng chết chúa cũng băng hà”
Lo ngại bản thân sẽ thua trong cuộc đua cạnh tranh toàn cầu, tập đoàn Mỹ vẫn phải tài trợ cho Trung Quốc để tự cứu lấy chính mình.
Bất chấp những biện pháp hạn chế gay gắt từ Washington để ngăn chặn sự trỗi dậy của công nghệ Trung Quốc, một tập đoàn lớn đến từ Mỹ vẫn đầu tư cho chính những công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo của quốc gia tỷ dân, tạo nên tình huống trớ trêu chưa từng có.
Trên phạt dưới kệ
Theo FT, bộ phận đầu tư mạo hiểm của Intel đã nổi lên như một trong những nhà đầu tư nước ngoài tích cực nhất vào các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn của Trung Quốc, giữa lúc nhà sản xuất chip đình đám này nhận được hàng tỷ USD từ Washington để tài trợ cho cuộc chạy đua công nghệ với chính Bắc Kinh.
Intel Capital sở hữu cổ phần tại 43 công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc. Kể từ khi quỹ đầu tư mạo hiểm này được thành lập vào đầu những năm 1990, công ty đã đầu tư vào hơn 120 tập đoàn Trung Quốc, theo nhà cung cấp dữ liệu Crunchbase.
Quỹ cũng tiếp tục hỗ trợ các công ty Trung Quốc mới thành lập trong năm qua, ngay cả khi nhiều công ty Mỹ cùng ngành phải rời khỏi thị trường do áp lực từ chính quyền Washington.
Vào tháng 2, Intel Capital đã đầu tư vào vòng gọi vốn 20 triệu USD của AI-Link có trụ sở tại Thâm Quyến, một nền tảng cơ sở hạ tầng 5G và đám mây, và năm ngoái đã dẫn đầu vòng gọi vốn 91 triệu USD cho North Ocean Photonics có trụ sở tại Thượng Hải, một nhà sản xuất phần cứng quang học vi mô.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh đã dẫn đến sự giám sát chặt chẽ hơn dòng đầu tư tư nhân khi hai cường quốc cạnh tranh để giành ưu thế về công nghệ và quân sự.
Vào tháng 6, chính quyền Biden đã công bố các quy định nhằm hạn chế tài trợ của Mỹ cho công nghệ Trung Quốc có thể phục vụ mục đích quân sự, chẳng hạn như AI, máy tính lượng tử và chất bán dẫn. Các quy định này dự kiến sẽ được hoàn thiện trong năm nay.
Các khoản đầu tư hiện tại của quỹ vào Trung Quốc bao gồm khoảng 16 công ty khởi nghiệp về AI và 15 công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như các công ty phát triển dịch vụ đám mây, xe điện, viễn thông, hệ thống thực tế ảo và pin.
Intel Capital có thể buộc phải thoái vốn khỏi một số công ty khi các quy định của Mỹ có hiệu lực.Theo nhà cung cấp dữ liệu ITjuzi, tập đoàn Mỹ hiện đã chậm lại quá trình thực hiện các giao dịch tại Trung Quốc trong 18 tháng qua, chỉ hoàn tất ba giao dịch kể từ đầu năm 2023.
Intel Capital "hoạt động tích cực hơn nhiều" so với bộ phận đầu tư mạo hiểm của Qualcomm tại Trung Quốc, một người hiểu biết về vấn đề này cho biết. "Intel cứ như thể hoạt động trong mọi lĩnh vực".
Intel Capital hiện từ chối bình luận về thông tin nói trên.
Sợ bị tụt lại phía sau
Vào tháng 3, Intel đã nhận được khoảng 20 tỷ USD tiền tài trợ và cho vay từ Mỹ để hỗ trợ cho việc mở rộng các nhà máy bán dẫn.Hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Intel Capital được điều hành bởi Tianlin Wang, một nhân viên lâu năm của Intel và là người đứng đầu đơn vị kể từ năm 2017.
Theo dữ liệu từ PitchBook, Intel Capital đã tham gia vào các thỏa thuận khởi nghiệp của Trung Quốc với tổng giá trị là 1,4 tỷ USD kể từ năm 2015.
Ngay từ năm 2014, Intel Capital đã công bố đã đầu tư 670 triệu USD vào hơn 110 công ty công nghệ Trung Quốc và chỉ riêng năm 2015, công ty đã trao 67 triệu USD cho tám công ty công nghệ Trung Quốc. Kể từ đó, Intel Capital chưa công khai tiết lộ quy mô đầu tư của mình tại Trung Quốc.
Một báo cáo của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi Mỹ cho biết: "Các khoản đầu tư của Intel Capital vào các công ty AI của Trung Quốc đã dẫn đến sự hình thành các mối quan hệ hợp tác chiến lược có thể mang lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc theo cách bổ sung cho các chiến lược của chính phủ Trung Quốc".
Trong một trường hợp điển hình, Intel Capital còn giúp tài trợ cho việc thành lập một công ty Trung Quốc sau đó bị chính Mỹ trừng phạt.
“Nỗi sợ bị bỏ lỡ trong kỷ nguyên AI đã tạo ra cảm giác cấp bách cho Intel Capital”, người đứng đầu một công ty liên doanh Trung Quốc cho biết.
“Intel đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực AI tại Mỹ, họ không thể để bị tụt hậu, vì vậy họ phải tìm kiếm trên khắp thế giới để đổ tiền vào AI và Trung Quốc là một trong số rất ít lựa chọn”.
Dùng thử Galaxy Z Fold 6: Cảm giác như "ở khách sạn xa hoa" - Ban đầu thì thích, lúc sau chỉ muốn về nhà
Đời sống pháp luật