Trên thị trường đầy may rủi, liệu các cổ phiếu “máu mặt” có phải là những “cái bẫy”?
Kể từ năm 1926, hầu hết sự phục hồi của các thị trường chứng khoán là nhờ một số lượng nhỏ các cổ phiếu.
- 28-06-2018Cổ phiếu Xiaomi sẽ đắt gấp đôi cổ phiếu Apple?
- 25-06-2018Bỏ qua tất cả các bê bối, kêu gọi tẩy chay, cổ phiếu Facebook vẫn đạt mức cao nhất mọi thời đại
- 25-06-2018"Mua cổ phiếu Xiaomi khi IPO không khác gì đánh bạc"
- 30-06-2017Tim Cook mang về 145 triệu USD trong năm ngoái, đứng đầu trong các CEO của S&P 500
Cổ phiếu của nhóm FAANG, bao gồm năm doanh nghiệp công nghệ tên tuổi là Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google, hiện đang trở thành "động cơ" của chỉ số S&P 500. Trừ Apple ra thì tất cả số này đều ghi nhận các mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch 20/6. Và dù ít về số lượng nhưng cổ phiếu của nhóm FAANG lại có tầm ảnh hưởng lớn hơn cổ phiếu của những ngành đang "chết dần chết mòn".
Trong một bài viết của mình, Giáo sư Hendrik Bessembinder của Đại học Arizona State University chỉ ra rằng kể từ năm 1926, hầu hết sự phục hồi của các thị trường chứng khoán là nhờ một số lượng nhỏ các cổ phiếu. Chỉ riêng cổ phiếu của năm công ty, bao gồm Apple, ExxonMobil, Microsoft, GE và IBM cũng đã chiếm đến 10% tổng lợi nhuận mà các cổ đông kiếm được trong giai đoạn từ năm 1926-2016. Bên cạnh đó, 50 cổ phiếu top đầu chiếm đến 40% tổng lợi nhuận. Trong khi đó, hơn một nửa trong số khoảng 25.000 cổ phiếu niêm yết ở Mỹ trong 90 năm qua tỏ ra là những khoản đầu tư kém sinh lời hơn trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Và sức ảnh hưởng mà cổ phiếu của nhóm FAANG nắm giữ gần đây cũng không phải là điều gì bất thường. Một báo cáo của mới đây từ các nhà phân tích của ngân hàng Macquarie còn cho thấy sức mạnh của nhóm cổ phiếu dẫn đầu trong chỉ số S&P 500 đang ngày càng mạnh lên.
Kết quả nghiên cứu của giáo sư Bessembinder củng cố thêm một nghiên cứu khác cho thấy hầu hết lợi nhuận từ cổ phiếu chỉ được thực hiện trong một vài ngày giao dịch. Như vậy để đầu tư thành công thì có 2 điều quan trọng: đừng rời khỏi thị trường trong những ngày này và đừng bỏ lỡ những cổ phiếu chủ chốt.
Để giải thích cho điều này, chúng ta có thể xem đầu tư như một trò chơi may rủi. Hãy tưởng tượng rằng khả năng một cổ phiếu tăng hay giảm 50% trong vòng một năm là ngang nhau. Một cổ phiếu có trị giá 100 USD nếu tăng 50% trong một năm sẽ ghi nhận mức 150 USD, còn nếu sau đó giảm 50% trong năm thứ hai thì chỉ còn 75 USD, thấp hơn mức khởi đầu. Ngược lại, nếu cổ phiếu đó may mắn tăng 50% trong hai năm liên tiếp thì giá trị của nó sẽ lên đến 225 USD. Sau nhiều phiên may rủi như thế, hầu hết các cổ phiếu sẽ đánh mất đi giá trị của mình, trong khi một số ít khác lại ngày càng đắt giá hơn.
Tuy nhiên, cũng không nên dựa vào điều này để chỉ "chăm chăm" đầu tư vào FAANG, khi không có gì đảm bảo rằng người chiến thắng của ngày hôm nay sẽ vẫn là người chiến thắng vào ngày mai. Vậy thì những cổ phiếu mạnh như FAANG có phải là một "cái bẫy"? Có vẻ là vậy, khi "Nifty Fifty", nhóm 50 cổ phiếu có vốn hóa lớn phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán New York vào những năm 1960, cũng là những cái tên lao dốc nhanh nhất trong thị trường giá xuống những năm 1970. Và sau đó, lại một lần nữa, nhiều cổ phiếu trong số này, như GE, IBM, Johnson & Johnson, Coca Cola, lại quay về danh sách 50 cổ phiếu sinh lời nhất do ông Bessembinder đưa ra. Để bán và mua chúng đúng lúc đòi hỏi nhà đầu tư phải có một khả năng nhận định thời điểm thật lão luyện.
Biện pháp phòng vệ tốt nhất là đa dạng hóa hoạt động đầu tư một cách rộng rãi trên các thị trường và tài sản, cũng như chứng khoán, tất nhiên bao gồm cả trái phiếu và tiền mặt. Một cách khác để bù trừ cho sự tập trung của một loại cổ phiếu nhất định là đầu tư vào các thị trường chứng khoán bên ngoài nước Mỹ. Phương pháp đầu tư "nửa chừng" như vậy nghe thì có vẻ thiếu cá tính nhưng đó lại là một phương án đầu tư đúng đắn trong trò chơi chứng khoán đầy may rủi.