MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trend ‘sống ít ham muốn’ của giới trẻ: Tiêu vài chục nghìn/ngày, sống chen chúc trong căn phòng chưa đến 20m2, tinh thần xuống dốc không phanh!

26-02-2024 - 11:55 AM | Sống

Ở góc độ tâm lý học, việc người trẻ lựa chọn ham muốn vật chất thấp hay lối sống tối giản không hoàn toàn là lựa chọn chủ động mà hơn thế nữa là một hành động bất lực.

Khi được hỏi phần lớn thanh niên có muốn nghỉ hưu không, câu trả lời thường là có. Nhiều bạn trẻ thậm chí còn cho biết, nếu được lựa chọn, họ thà nghỉ hưu ngay và không bao giờ làm việc nữa.

Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, ý tưởng này vẫn chỉ ở giai đoạn mộng tưởng. Một khi thức dậy, họ phải quay trở lại với công việc kiếm sống hàng ngày. Nhưng tại Thượng Hải (Trung Quốc), một cặp vợ chồng trẻ đã có cuộc sống hưu trí mà nhiều bạn trẻ ao ước.

Cặp vợ chồng trẻ sở hữu 2 bất động sản, họ cho thuê căn hộ, kiếm được 10.000 NDT/tháng (khoảng 34,2 triệu đồng). Trong ngân hàng, họ tiết kiệm được 1,3 triệu NDT (khoảng 4,4 tỷ đồng). Vì vậy ngay cả khi họ quyết định không đi làm và ở nhà, họ vẫn đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng tháng. 

Trend ‘sống ít ham muốn’ của giới trẻ: Tiêu vài chục nghìn/ngày, sống chen chúc trong căn phòng chưa đến 20m2, tinh thần xuống dốc không phanh!- Ảnh 1.

Một gia đình sống chen chúc trong căn phòng chưa đến 20m2. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, để kéo dài cuộc sống, cặp vợ chồng trẻ chọn thuê căn phòng vỏn vẹn 18m2. Họ sống với bố mẹ già, 2 con mèo với mức chi phí sinh hoạt cố định là 7000 NDT/tháng (khoảng 23,9 triệu đồng), đã bao gồm tiền thuê nhà. Chi phí hàng tháng có thể cao hơn nếu có người trong gia đình bị ốm hay phát sinh việc khác. 

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu khoản tiết kiệm 4,4 tỷ đồng cùng 2 BĐS có đủ để gia đình 4 người sống đến hết đời? 

Cặp đôi từng lo lắng về điều này. Nhưng đối với họ, thay vì làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, điều quan trọng hơn là họ dành thời gian cho gia đình và tận hưởng cuộc sống chậm rãi. Dần dần, họ mất khả năng kiếm tiền. Họ dự kiến kéo dài cuộc sống này đến khoảng 20 năm nữa.

Những áp lực đến nghẹt thở... 

Cách sống của cặp vợ chồng trên đang trở nên thịnh hành trong giới trẻ, đặc biệt là ở Trung Quốc. Người ta gọi đó là lối "sống tối giản", hay "sống ít ham muốn vật chất". Họ đơn giản hóa cuộc sống hết mức có thể, giảm tiêu dùng không cần thiết và tận hưởng cuộc sống với chi phí thấp nhất.

Họ có thể chọn ăn một bữa trưa đơn giản với giá không quá 10 NDT (khoảng 34 nghìn đồng), hoặc không mua quần áo mới trong một năm, nhưng họ sẵn sàng chi vài chục triệu đồng để đi du lịch nhằm tìm kiếm sự thỏa mãn và thư giãn về mặt tinh thần.

Đồng thời, Internet tràn ngập các video về thử thách sống với ngân sách cực thấp, chẳng hạn như thử thách cuộc sống "chỉ tiêu 50 nghìn đồng/ngày" và số lượng bạn trẻ chọn cách sống như cặp vợ chồng trẻ ở Thượng Hải ngày càng nhiều. Họ rời bỏ sự hối hả và nhộn nhịp của các thành phố lớn để trở về cuộc sống yên tĩnh hơn ở thị trấn nhỏ, từ bỏ công việc lương cao nhưng căng thẳng để chọn lối sống bình lặng hơn.

Trend ‘sống ít ham muốn’ của giới trẻ: Tiêu vài chục nghìn/ngày, sống chen chúc trong căn phòng chưa đến 20m2, tinh thần xuống dốc không phanh!- Ảnh 2.

Nhiều người từ bỏ công việc lương cao nhưng áp lực để làm việc thoải mái tinh thần. (Ảnh minh hoạ)

Thái độ này thường thể hiện ở 2 thái cực: một là làm việc cật lực để kiếm tiền, tiết kiệm đủ tiền mua nhà hoặc nghỉ hưu; hai là không làm gì hoàn toàn, giảm bớt nhu cầu vật chất. Trên thực tế, mặc dù 2 lối sống này có vẻ hoàn toàn khác nhau nhưng chúng có chung mục tiêu là khiến cuộc sống thoải mái hơn. Có người chọn con đường cay đắng trước rồi đến ngọt ngào, trong khi có người lại chọn con đường tận hưởng khoảnh khắc.

Ở Nhật Bản, lối sống ít ham muốn vật chất xuất hiện sớm hơn ở Trung Quốc. Quan niệm sống này không chỉ được thể hiện trong nền kinh tế mà còn trong mọi mặt của đời sống con người.

Năm 2019, một cuộc khảo sát giới trẻ do cơ quan chính phủ Nhật Bản thực hiện cho thấy 41,2% nam giới và 31,1% nữ giới trong độ tuổi từ 15 - 39 bày tỏ họ không có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống. 

Ngoài ra, giới trẻ Nhật Bản ít quan tâm đến tình yêu, hôn nhân và thậm chí cả sinh con. Điều này càng làm trầm trọng thêm tỷ lệ sinh thấp và vấn đề già hóa dân số của Nhật Bản, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Ở góc độ tâm lý học, việc người trẻ lựa chọn ham muốn vật chất thấp hay lối sống tối giản không hoàn toàn là lựa chọn chủ động mà hơn thế nữa là một hành động bất lực.

Thậm chí cách đây vài năm, quan niệm tiêu dùng của người Trung Quốc tăng rất cao. Chính điều này là nền tảng cho các kênh mua sắm online, thương mại điện tử và các hình thức khác đã trở nên phổ biến. Ngoài chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến giá cả và thích lựa chọn những sản phẩm có giá thấp hơn là mua số lượng lớn.

Khi khả năng chi tiêu không thể thỏa mãn được mong muốn tiêu dùng, một số người chọn cách thanh toán qua thẻ tín dụng và trả góp. Nhưng khi áp lực trả nợ hàng tháng ập đến khiến họ mệt mỏi, loay hoay. 

Trend ‘sống ít ham muốn’ của giới trẻ: Tiêu vài chục nghìn/ngày, sống chen chúc trong căn phòng chưa đến 20m2, tinh thần xuống dốc không phanh!- Ảnh 3.

Ở góc độ tâm lý học, việc người trẻ lựa chọn ham muốn vật chất thấp hay lối sống tối giản không hoàn toàn là lựa chọn chủ động mà hơn thế nữa là một hành động bất lực. (Ảnh minh hoạ)

Vì vậy, để cân bằng giữa ham muốn tiêu dùng và khả năng tiêu dùng thực tế, ngày càng nhiều người trẻ bắt đầu có xu hướng áp dụng lối sống ít ham muốn vật chất. Xu hướng này dần dần phát triển thành một nhóm nổi bật trong xã hội. Ở góc độ tâm lý học, người trẻ phải thực hiện để đạt được sự cân bằng nội tâm.

Họ chọn cách chủ động giảm bớt nhu cầu vật chất thay vì thụ động kìm nén ham muốn của mình. Khi nhóm này tiếp tục phát triển, ngày càng có nhiều người học hỏi theo. Họ không còn thấy đơn độc mà tìm được những người bạn cùng chí hướng, điều này khiến họ có khả năng chống lại áp lực tốt hơn. 

Triết gia Hàn Quốc Han Byung-cheol tin rằng, sở dĩ xã hội đương đại đầy rẫy những con người chán nản, chán đời vì đặt kỳ vọng quá lớn, trong khi thực tế nhiều thách thức. 

"Sống ít ham muốn vật chất", "sống chậm", "sống tối giản",... thực ra là cách mà nhiều người trẻ muốn chống lại "nhịp độ nhanh", "ham muốn mở rộng" của xã hội. Con người ở thời đại nào cũng có những nỗi khổ riêng, xã hội nên hiểu và hỗ trợ nhiều hơn cho những lựa chọn trong cuộc sống của họ, thay vì chỉ chỉ trích, đổ lỗi.



Theo Ứng Hà Chi

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên