Treo biển "hết xăng", khi nào bị phạt hành chính, khi nào bị xử lý hình sự?
Vừa qua, nhiều cửa hàng trên cả nước lại tái diễn tình trạng treo biển "hết xăng" hoặc bán nhỏ giọt chờ tăng giá. PV đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Ngọc Lan (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến hành vi này.
- 12-03-2022Ngày này năm ngoái giá xăng mới gần 19.000 đồng/lít
- 12-03-2022Giá xăng tăng kỷ lục, shipper lo lắng "làm không đủ tiền trang trải"
- 11-03-2022Giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng/lít
- Thưa luật sư, chiêu thức treo biển " hết xăng ", áp dụng nhiều cách bán nhỏ giọt của các chủ cửa hàng xăng dầu để chờ tăng giá vi phạm pháp luật như thế nào?
Việc các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cố tình đóng cửa, không bán hàng với lí do “hết xăng” nhưng trên thực tế là muốn găm hàng lại, chờ tăng giá như vừa qua là dấu hiệu của hành vi đầu cơ, vi phạm pháp luật.
Một cửa hàng trưng biển hết xăng hôm 11/3 vừa qua
-Các cơ quan nào phải chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các vi phạm này thưa luật sư?
Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, đầu cơ được hiểu là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc cố tình tạo ra sự khan hiếm giả trong tình hình thiên tai dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế để mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Theo quy định hiện hành, quản lý về mặt hành chính lĩnh vực này thuộc về Bộ Công thương. Cụ thể ở đây, Tổng cục Quản lý Thị trường phải chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh phối hợp với sở Công thương để kiểm tra xử lý.
Ngoài ra, tùy theo thực tế, việc kiểm tra, xử lý cần có sự phối hợp của các lực lượng liên ngành khác như cảnh sát kinh tế, thanh tra khoa học công nghệ, UBND xã, phường...
Hành vi đầu cơ trong lĩnh vực xăng dầu có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự |
- Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có cơ sở đóng cửa không đúng thì các cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể bị xử lý ra sao?
Tuỳ theo tính chất mức độ, các cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể bị phạt vi phạm hành chính hay nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với lĩnh vực hành chính, Điều 30 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng, dầu và khí) đã quy định rõ, phạt tiền từ 500 nghìn tới một triệu đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy.
Mức xử phạt này còn tăng lên tới 40 triệu khi có một trong các hành vi sau: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết, hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lí do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lí do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.
Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015, tổ chức, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục được Nhà nước định giá nhằm mục đích bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp như hàng hoá trị giá từ 500 triệu đồng tới dưới 1,5 tỉ đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng tới dưới 500 triệu đồng thì sẽ bị phạt từ 30 tới 300 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm.
Trong trường hợp đối với hàng hoá trị giá từ 3 tỉ đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 1 tỉ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tiền từ 1,5 tới 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 7 tới 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu tới 9 tỉ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 – 3 năm.
Tiền Phong