"Treo" chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp dự án BOT
Việc chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án BOT giao thông kết thúc giai đoạn xây dựng đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, gây khó khăn trong việc luân chuyển dòng vốn của nhà đầu tư.
Sự lúng túng là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 7773/BGTVT - ĐTCT vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Bộ Tư pháp vào cuối tuần trước về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 38, đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 theo hình thức Hợp đồng BOT, đồng thời cũng là việc chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38.
Cụ thể, tại Công văn số 7773, Bộ GTVT muốn Bộ Tư pháp xác nhận đánh giá về phân tích của bộ này trong việc cho phép Công ty cổ phần Xây dựng số 2 (VINA2) - một trong 3 nhà đầu tư tại Dự án BOT đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 38, đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5, được chuyển nhượng phần vốn góp cho 1 pháp nhân và 1 cá nhân bên ngoài liên danh.
Đây cũng là lần đầu tiên việc chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp dự án BOT được tiến hành giữa 1 pháp nhân và 1 thể nhân.
Sự việc khá hy hữu này xuất phát từ tháng 8/2021, khi doanh nghiệp dự án đề xuất Bộ GTVT với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép Công ty VINA2 chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (31%) tại Dự án BOT đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 38, đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 cho ông Võ Phi Hải (nhận chuyển nhượng 28%) và Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng - IMPORT (nhận chuyển nhượng 3%).
Dự án BOT đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 38, đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 được Bộ GTVT phê duyệt phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 6/2014 với liên danh nhà đầu tư được lựa chọn là Công ty IMPORT - Công ty cổ phần Licogi 16, với tỷ lệ tham gia góp vốn là VINA2 (31%); IMPORT (40%); Licogi 16 (29%). Với quy mô vốn của doanh nghiệp dự án là 250 tỷ đồng thì giá trị cổ phần tính theo mệnh giá của VINA2 là 77,5 tỷ đồng.
Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 90/BKHĐT-GCNĐTTN ngày 18/12/2014. Trên cơ sở Hợp đồng số 64/2014/HĐ. BOT. BGTVT, các thành viên liên danh đã đóng góp đủ vốn chủ sở hữu theo quy định.
Tính đến cuối tháng 11/2017, Dự án đã hoàn thành và được Bộ GTVT nghiệm thu đưa vào khai thác; tổ chức triển khai thu phí, vận hành khai thác, bảo trì công trình từ năm 2018.
Liệt kê những cơ sở pháp lý nói trên để thấy, về cơ bản, Dự án BOT đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 38, đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 đã được phép chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BOT, Hợp đồng BT; Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT hướng dẫn Nghị định số 108, cũng như quy định của Hợp đồng số 64/2014/HĐ. BOT. BGTVT.
Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP), nhà đầu tư được phép chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư khác và phần vốn góp cho nhau; đồng thời, theo điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP, hợp đồng dự án đã ký trước đây tiếp tục thực hiện theo quy định. Do đó, việc xem xét chuyển nhượng được đánh giá trên cơ sở quy định của hợp đồng dự án và quy định có liên quan tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Tại Văn bản số 353/2021/VC - BOT38, ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38 khẳng định là toàn bộ thành viên liên danh nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn cho Dự án đều đồng thuận với vụ chuyển nhượng này.
"Việc chuyển nhượng của VINA2, hay sự tham gia của cá nhân ông Võ Phi Hải sau khi nhận chuyển nhượng không làm thay đổi năng lực của bộ máy quản lý, vận hành khai thác Dự án", ông Lãm cam kết.
Tại Công văn số 7773, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã giao cơ quan chuyên môn (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) rà soát, đánh giá các nội dung theo quy định.
Qua rà soát, các nội dung, yêu cầu của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (Công ty IMPORT) đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của Hợp đồng dự án và quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ- CP, Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT.
Đối với trường hợp ông Võ Phi Hải, một trong hai đối tác nhận chuyển nhượng từ VINA2, cá nhân này được Bộ GTVT xác nhận là đã đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính theo quy định. Tuy nhiên, theo điểm a, khoản 54.3, Điều 54 của Hợp đồng dự án thì bên nhận chuyển nhượng phải "có đầy đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và quản lý để thực hiện hợp đồng này và các hợp đồng có liên quan".
Mặc dù đưa quy định nói trên vào Hợp đồng, nhưng theo Bộ GTVT, năng lực kỹ thuật, quản lý của cá nhân ông Võ Phi Hải hiện chưa được hiểu rõ khi đánh giá năng lực đối với bên nhận chuyển nhượng.
Nguy cơ kẹt vốn
Lúng túng trước vấn đề này, vào tháng 3/2022, Bộ GTVT đã phải phát Công văn số 3035/BGTVT - ĐTCT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin tham vấn.
Ngày 28/4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 2803/BKHĐT - QLĐT trả lời Bộ GTVT về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Dự án BOT đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 38, đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5.
Tại Công văn số 2803, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hợp đồng Dự án này được ký kết trong thời gian Nghị định số 108/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, trước thời điểm có hiệu lực của Luật PPP.
Theo quy định tại khoản 7, Điều 2, Nghị định 108, nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Đầu tư. Song theo quy định tại khoản 18, Điều 3, Luật PPP, nhà đầu tư PPP là một pháp nhân độc lập, được thành lập theo quy định của pháp luật hoặc liên danh giữa nhiều pháp nhân tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, không bao gồm cá nhân như quy định trước đây của Nghị định 108.
Nhưng khoản 4, Điều 101, Luật PPP quy định: Hợp đồng dự án được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của Hợp đồng dự án.
Vì vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để có cơ sở xem xét việc chuyển nhượng phần vốn góp theo hợp đồng BOT cho cá nhân đối với Dự án nêu trên, đề nghị Bộ GTVT rà soát toàn diện nội dung Hợp đồng dự án đã ký kết để làm rõ: Hợp đồng có nội dung quy định cụ thể nhà đầu tư hoặc bên nhận chuyển nhượng bao gồm cả cá nhân hay không. Trường hợp Hợp đồng dự án quy định cụ thể nội dung này, đề nghị nghiên cứu, áp dụng quy định chuyển tiếp tại khoản 4, Điều 101, Luật PPP để tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp Hợp đồng dự án không quy định cụ thể, đề nghị thực hiện theo quy định tại Luật PPP, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 1, Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.
Đối với trường hợp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT trao đổi với Bộ Tư pháp để được hướng dẫn chi tiết việc áp dụng luật.
Tại Công văn số 7773, Bộ GTVT cho rằng, việc chuyển nhượng vốn góp sang cá nhân ông Võ Phi Hải chỉ là điều chỉnh cơ cấu vốn góp trong doanh nghiệp dự án. Sau khi Công ty VINA2 chuyển nhượng, trong liên danh trước đây còn 2 nhà đầu tư vẫn đảm bảo năng lực tài chính, kỹ thuật và quản lý để thực hiện Hợp đồng dự án đã ký.
Đồng thời, theo cam kết của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, việc chuyển nhượng này không làm thay đổi bộ máy cũng như nhân sự đang đảm nhận quản lý, vận hành dự án, đảm bảo theo đúng quy định Hợp đồng.
"Do đó, bản chất việc chuyển nhượng này, Bên nhận chuyển nhượng vẫn đảm bảo năng lực tài chính, kỹ thuật và quản lý để thực hiện Hợp đồng này và các Hợp đồng có liên quan", lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.
Đây chính là điều mà Bộ GTVT cần Bộ Tư pháp "xác tín" trước khi bật đèn xanh cho vụ chuyển nhượng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền mất đúng 1 năm để xử lý một vấn đề tương đối rõ là điều rất đáng tiếc.
"Việc tham gia góp vốn, thoái vốn, hay nhận chuyển nhượng của các nhà đầu tư phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của họ trong từng giai đoạn. Quan điểm về chuyển nhượng cổ phần của một nhà đầu tư tại một dự án BOT đang trong giai đoạn khai thác cho cá nhân hay tổ chức cần xử lý nhanh gọn, tránh tình trạng khi được chấp thuận thì cơ hội chuyển nhượng đã qua mất", ông Chủng nêu quan điểm.
Điều đáng nói là, nếu không được thoái vốn, nhà đầu tư sẽ bị mắc kẹt tại các dự án BOT trong trường hợp họ muốn thoái vốn để dồn lực đầu tư cho dự án hạ tầng khác có khả năng sinh lời cao hơn.
"Cần tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng của các nhà đầu tư BOT, nhất là khi chúng ta muốn hình thành một thị trường tài chính thực sự để gọi vốn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông", ông Trần Chủng kiến nghị.
BizLive