MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Trí tuệ đời người”: Đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ hóa giải được mọi phiền não trong cuộc sống

06-07-2020 - 12:23 PM | Sống

“Sống trên thế giới này, chúng ta nên có một tâm hồn mạnh mẽ như sắt, nó mặc áo giáp chống lại vận mệnh, tay cầm vũ khí chống lại thói đời. Cuộc sống là một cuộc chiến và mỗi bước đi đều là một thử thách.”

01

Tư tưởng đi trước thời đại thường sẽ rất cô đơn

Trong giới triết học phương Tây ở thế kỉ 19, có một người như vậy: năm 30 tuổi, ông viết ra cuốn sách nổi tiếng, nhưng tới năm 63 tuổi tên tuổi của ông mới được biết đến trên khắp thế giới. Ông cả đời chưa từng đi làm, cũng chưa kết hôn, chỉ dựa vào khối tài sản khổng lồ của mình, ăn uống vô lo vô nghĩ.

Ông chính là nhà triết học người Đức, Arthur Schopenhauer.

Schopenhauer tuy vô cùng cô đơn trong suốt cuộc đời mình, nhưng ông lại nhận được rất nhiều lời khen ngợi sau khi qua đời. Tư tưởng của ông đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như triết học, nghệ thuật và tâm lý học. Những người nổi tiếng chịu ảnh hưởng sâu sắc của ông bao gồm: Nietzsche, Wittgenstein, Freud, Tolstoy, Maupassant, Borges, Einstein…

Friedrich Nietzsche nói: "Sau khi đọc trang đầu tiên của các tác phẩm của Schopenhauer, tôi biết rất rõ rằng tôi sẽ đọc tất cả các cuốn sách của ông và lắng nghe từng lời ông nói". Tolstoy cũng từng nói: "Sự đắm chìm và niềm vui tinh thần trong các tác phẩm của Schopenhauer là điều tôi chưa từng được trải nghiệm qua". Chekhov cũng là một người ngưỡng mộ Schopenhauer, tên của Schopenhauer cũng đã từng xuất hiện trong một trong những kịch bản của ông.

Vậy Schopenhauer là người như nào và triết lý tư tưởng của ông là gì?

Trí tuệ đời người”: Đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ hóa giải được mọi phiền não trong cuộc sống - Ảnh 1.

Chân dung nhà triết học Arthur Schopenhauer

Arthur Schopenhauer (22/2/1788 – 21/9/1860) được sinh ra Danzig, vùng đất mà bây giờ là Gdańsk , Ba Lan . Ông học các trường Đại học Göttingen , Đại học Berlin và Đại học Jena . Sau đó, Schopenhauer định cư tại Frankfurt am Main , nơi ông sống một cuộc đời cô độc. Ở đây, ông luôn nghiên cứu tư tưởng của Phật giáo , Ấn Độ giáo và chủ nghĩa thần bí .

Năm 30 tuổi, ông xuất bản cuốn sách "The World as Will and Representation" (Tạm dịch: "Thế giới như ý chí và đại diện"), cứ ngỡ rằng cuốn sách sẽ là một cú hit cho mình, nhưng không ngờ rằng, sau khi được xuất bản, cuốn sách lại được tiêu thụ rất chậm, bởi lẽ hầu như không ai hiểu được nó.

Tư tưởng đi trước thời đại thường sẽ rất cô đơn, Arthur Schopenhauer, chính là người như vậy.

Cuốn sách ông dốc hết tâm huyết vào viết nhưng cuối cùng lại bị cho vào trong kho, điều này khiến ông chịu đả kích sâu sắc. Nhưng, là vàng thì rồi sẽ phát sáng, vài chục năm sau, "The World as Will and Representation" nhận được sự công nhận của mọi người, và cũng trở thành cuốn sách triết học kinh điển nhất thế giới.

Ở tuổi 63, ông bất ngờ trở nên nổi tiếng với cuốn "Parerga và Paralipomena", và cuốn "The Wisdom of life" (Tạm dịch: "Trí tuệ đời người") là ấn phẩm chọn lọc của cuốn "Parerga và Paralipomena", trong đó trần thuật lại cách nhìn của Arthur Schopenhauer ở nhiều khía cạnh cuộc sống dưới dạng cách ngôn, và trở thành một tác phẩm kinh điển về triết học trong hàng trăm năm qua.

Trí tuệ đời người”: Đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ hóa giải được mọi phiền não trong cuộc sống - Ảnh 2.

02

Suy nghĩ là sự khởi nguồn của hạnh phúc, thế giới tinh thần càng phong phú thì càng vui vẻ

Đời người luôn tồn tại đủ mọi loại ưu phiền.

Theo Schopenhauer, phiền não tới từ hai nguyên nhân, một là đau khổ, hai là nhàm chán. Ông nói, "đời người giống như chiếc đồng hồ quả lắc, lắc qua lắc lại giữa đau khổ và nhàm chán, khi khát khao không được thỏa mãn ta sẽ đau khổ, khi khát vọng được thỏa mãn rồi ta sẽ lại cảm thấy nhàm chán, vô vị."

Vậy làm sao để thoát khỏi buồn bực và nhàm chán? Đáp án của Schopenhauer chính là học cách suy nghĩ, ông cho rằng, suy nghĩ là nguồn gốc của sự vui vẻ.

Ông cho rằng thế giới này có hai kiểu người, một là người giỏi suy nghĩ, hai là người không.

Người không giỏi suy nghĩ, thích "đi ra ngoài tìm sự vui vẻ", chẳng hạn như ăn chơi hưởng lạc, mua sắm dạo phố suốt ngày. Khi những điều kiện bên ngoài này biến mất, họ sẽ cảm thấy vô cùng trống rỗng.

Ngoài ra, những người không thích suy nghĩ thường thích tập trung sự chú ý của họ vào những điều tầm thường trong cuộc sống, điều này dẫn đến những suy nghĩ nông cạn, nhưng tiếc là họ không nhận thức được điều này, vì vậy cuộc sống của họ luôn kiểu rất ngây ngô và dại dột.

Người thích suy nghĩ thì ngược lại, họ có thói quen "tìm sự vui vẻ từ nội tâm bên trong". Bởi lẽ quá trình suy nghĩ được thực hiện trong tâm trí, nó không phải dựa vào bất kỳ đối tượng ngoại lai nào, khi tiền bạc, địa vị và danh tiếng biến mất, hạnh phúc này sẽ không biến mất, vì vậy đây chính là thứ hạnh phúc thuần khiết nhất.

Schopenhauer phát hiện ra rằng những người thích suy nghĩ có ba đặc điểm. Đầu tiên, họ yêu kiến ​​thức, càng là một người thông minh, anh ta càng yêu thích kiến ​​thức, kiến ​​thức có thể mở rộng lãnh thổ của thế giới tâm hồn. Thứ hai, thích ở một mình, ở một mình có thể khiến chúng ta độc lập suy nghĩ, và suy nghĩ lại chính là ngọn nguồn của hạnh phúc. Thứ ba, ít ham muốn, thế giới tâm hồn càng phong phú, sự phụ thuộc vào vật chất càng thấp, khi không còn là nô lệ của vật chất, tâm trí và cả cơ thể của họ đều thoải mái hơn.

Nói tóm lại, thế giới nội tâm của những người thích suy nghĩ rất phong phú, và họ hiếm khi buồn bã hay buồn chán.

Trí tuệ đời người”: Đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ hóa giải được mọi phiền não trong cuộc sống - Ảnh 3.

03

Không để tâm ánh mắt người đời, mới có thể sống là chính mình

Schopenhauer tin rằng hầu hết khổ não của nhân loại đều là do họ quá chú ý đến con mắt của người đời. Hầu hết mọi người đều chăm chăm để ý đến ý kiến ​​của người khác, mà bỏ qua cảm xúc thật của mình.

Còn Schopenhauer cho rằng, phần lớn mọi người đều quá thiển cận, bất kể là mọi người khen ngợi hay chê bai chúng ta, về mặt bản chất thì nó cũng chẳng liên quan tới chúng ta. Nếu chuyện gì cũng nhìn sắc mặt, nhìn ánh mắt của người khác trước, vậy thì chúng ta sẽ rơi xuống cái hố tự ti mãi không thể thoát ra được.

Schopenhauer chủ trương con người, nên sống cho chính mình. Bạn là ai, không phải do người khác định nghĩa, mà nên do chính bạn định nghĩa. Điều đáng buồn nhất trên thế giới là chứng minh giá trị của chính bạn thông qua sự chấp thuận của người khác.

Tuy nhiên, có rất nhiều người không hiểu điều này và họ vẫn bị ám ảnh bởi những danh hiệu, danh dự, sự giàu có, địa vị... họ nghĩ rằng mình càng có nhiều "thứ bên ngoài", thì mình càng thành công và mọi người sẽ càng tôn trọng mình.

Trên thực tế, giá trị của chúng ta không được quyết định bởi các yếu tố bên ngoài, mà nó được quyết định bởi chính chúng ta. Quan tâm đến cái nhìn thế tục, đó chính xác là biểu hiện của sự không tự tin. Nếu muốn hạnh phúc, đừng quan tâm đến ánh nhìn của người khác. Một người không quan tâm đến ánh nhìn của thế giới bên ngoài là một người có trái tim tự do và chín chắn. Và bản chất của hạnh phúc là sự tự do và yên tĩnh của tâm hồn.

Trong "Trí tuệ trong cuộc sống", Schopenhauer đã đưa ra một ví dụ để cho thấy thật đáng buồn khi quá quan tâm tới cái nhìn của thế giới bên ngoài.

Khi một buổi hòa nhạc kết thúc, khán giả đứng dậy và vỗ tay mạnh mẽ, người nhạc sĩ vô cùng hạnh phúc và tự hào. Nhưng sau đó, một người nào đó đã nói với anh rằng những khán giả vỗ tay phía dưới đều là người điếc, họ vỗ tay lớn như vậy là để che đi khuyết điểm thể chất của mình. Lúc này, người nhạc sĩ đột nhiên cảm thấy rất thất vọng và nghi ngờ về khả năng của chính mình

Schopenhauer tin rằng chúng ta ai cũng giống như người nhạc sĩ kia, còn cái nhìn của thế giới bên ngoài chính là tiếng vỗ tay của người điếc, cái sau không thể quyết định cuộc sống của cái trước. Mọi người đều là chủ nhân của chính cuộc đời mình. Nếu anh ta thay đổi bản thân chỉ để làm hài lòng người khác, anh ta sẽ trở thành con rối của cuộc sống. Người như vậy cũng đáng thương giống như người nhạc sĩ kia vậy.

Trí tuệ đời người”: Đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ hóa giải được mọi phiền não trong cuộc sống - Ảnh 4.

04

Tự do tâm trí, và bạn sẽ có một cuộc đời hạnh phúc

Hầu hết mọi người đều định nghĩa hạnh phúc dựa trên những gì họ có được, chẳng hạn như tiền bạc, quyền lực, địa vị…

Còn Schopenhauer tin rằng "sự giàu có giống như nước biển, bạn càng uống nhiều, bạn càng khát. Điều tương tự cũng đúng với quyền lực hay địa vị". Theo quan điểm của Schopenhauer, hạnh phúc là một trải nghiệm chủ quan, nó không liên quan gì đến thế giới vật chất, và nó có một mối quan hệ chặt chẽ với thế giới tâm hồn bên trong. Một người có thể có một cuộc sống hạnh phúc nếu tâm hồn của anh ta được tự do và tinh thần của anh ta là độc lập.

Cuộc sống cạnh tranh danh tiếng và tiền bạc có thể mang lại cho con người hạnh phúc, nhưng hạnh phúc này là nông cạn và ngắn ngủi, sau khi hạnh phúc qua đi, thứ còn lại chỉ là sự trống rỗng vô tận.

Một số người có xu hướng quan tâm đến các hoạt động xã hội khác nhau và cảm thấy rằng càng tham gia nhiều hoạt động xã hội, cuộc sống sẽ càng trở nên viên mãn và hạnh phúc hơn. Schopenhauer cho thấy rằng các hoạt động xã hội sẽ phân tán năng lượng của mọi người, làm gia tăng sự phù phiếm và lo lắng bên trong họ. Để tránh những rắc rối do các hoạt động xã hội gây ra, mọi người nên học cách ở một mình và tận hưởng niềm vui khi ở một mình.

Theo quan điểm của Schopenhauer, hạnh phúc thực sự là giảm ham muốn và một tâm hồn tự do. Nếu bạn muốn có một cuộc sống hạnh phúc, hãy làm ba việc. Đầu tiên, theo đuổi một tâm hồn phong phú. Thứ hai, không ngừng khuyến khích bản thân khẳng định giá trị của mình. Thứ ba, để lại tài sản tinh thần cho thế giới.

Schopenhauer tin rằng một cuộc sống hạnh phúc là khi ai đó có thể sử dụng suy nghĩ và tài năng của mình để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thuộc về nhân loại, dù đó là thư pháp, hội họa, điêu khắc, âm nhạc hay các tác phẩm khác, miễn là họ có thể để lại sự giàu có về mặt tinh thần cho thế giới, đó chính là tài sản vô giá nhất.

Trí tuệ đời người”: Đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ hóa giải được mọi phiền não trong cuộc sống - Ảnh 5.

05

Cuộc sống là một cuộc chiến, mỗi bước đi là một thử thách

Năm 72 tuổi, vào một buổi sáng nọ, sau khi ăn sáng xong, Schopenhauer qua đời một cách rất an nhiên và nhẹ nhàng. Trong di chúc, ông để lại toàn bộ tài sản cho các tổ chức từ thiện.

Schopenhauer nói: "Sống trên thế giới này, chúng ta nên có một tâm hồn mạnh mẽ như sắt, nó mặc áo giáp chống lại vận mệnh, tay cầm vũ khí chống lại thói đời. Cuộc sống là một cuộc chiến và mỗi bước đi đều là một thử thách."

Câu nói đơn giản nhưng chứa đựng nguồn năng lượng tuyệt vời. Đời người chính là quá trình không ngừng vấp ngã rồi không ngừng đứng dậy, chỉ khi không ngừng rèn dũa bản thân, chúng ta mới có thể trở thành chủ nhân của số phận.

Trong "Trí tuệ trong cuộc sống", những gì Schopenhauer muốn truyền tải chính xác là một tinh thần bất khuất như vậy. Cuốn sách này đã tồn tại hàng trăm năm, ngày nay khi đọc lại, bạn vẫn sẽ bị lay động bởi sự thấu đáo và chân thành của nó. Đây cũng chính là sự quyến rũ vĩnh cửu của triết học kinh điển.

Theo Như Quỳnh

Báo Dân sinh

Trở lên trên