MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trí tuệ nhân tạo, dừng lại hay bước tiếp?

21-05-2023 - 14:30 PM | Kinh tế số

Việc ông Sam Altman - Giám đốc điều hành của hãng công nghệ OpenAI ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ về việc giám sát trí tuệ nhân tạo (AI) một lần nữa gây chấn động giới công nghệ. Trong khi việc tranh cãi về phát triển AI đang rất gay cấn trên phạm vi toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo, dừng lại hay bước tiếp? - Ảnh 1.

Trí tuệ nhân tạo AI là một đột phá đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Bloomberg.

Điều trần trước  Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, ông Sam Altman nói: "Chúng tôi nghĩ rằng sự can thiệp theo quy định của chính phủ đương nhiên là quan trọng. Ví dụ Chính phủ Mỹ có thể xem xét kết hợp các yêu cầu cấp phép và thử nghiệm để phát triển và phát hành các mô hình AI".

Đây được xem là sự nhượng bộ bước đầu của OpenAI, khi mà giáo sư Gary Marcus (Đại học New York, Mỹ) nói: "Chúng ta đang phải đối mặt với sự vô trách nhiệm của công ty, triển khai tràn lan, thiếu quy định đầy đủ và không đáng tin cậy khi mà AI đang cho thấy là một trong những công nghệ làm thay đổi thế giới nhiều nhất từ trước đến nay".

Nói như bà Christina Montgomery - Giám đốc về Quyền riêng tư (Công ty IBM, Mỹ) thì "kỷ nguyên AI sẽ phát triển rất nhanh và phá vỡ mọi thứ. Điều chúng ta cần vào thời điểm quan trọng này là chính sách rõ ràng và các biện pháp bảo vệ hợp lý".

Công cụ ChatGPT đang phát triển vô cùng nhanh chóng, bất chấp những cảnh báo. Trang CNN cho biết, Nhà Trắng đã liệt kê một loạt các rủi ro từ công cụ AI như: thông tin sai lệch làm suy yếu nền dân chủ, việc mất việc làm do tự động hóa ngày càng tăng, hay mối nguy hại từ nạn tin tặc độc hại do AI cung cấp.

Theo tờ Foxbusiness, Mỹ đưa ra kế hoạch trị giá 140 triệu USD để thành lập 7 viện nghiên cứu AI mới, yêu cầu các cơ quan chính phủ soạn thảo hướng dẫn sử dụng AI an toàn.  Trong khi đó giới chức châu Âu cho biết, trong năm 2023 này sẽ ban hành một đạo luật về AI.

Với các nhà phát triển AI, trong đó có người đồng sáng lập Microsoft - tỷ phú Bill Gates đã lên tiếng "bảo vệ công việc" của họ sau bức thư ngỏ có chữ ký của CEO Tesla - tỷ phú Elon Musk và người đồng sáng lập Apple Steve Wozniak: kêu gọi tạm dừng 6 tháng với hệ thống đào tạo AI OpenAI. Bức thư với hơn 13.500 chữ ký bày tỏ lo ngại rằng "cuộc đua nguy hiểm" để phát triển các chương trình như ChatGPT của OpenAI, chatbot BingAI của Microsoft và Bard của Alphabet có thể gây ra "những hậu quả tiêu cực nếu không được kiểm soát".

Đáp lại, nhiều chuyên gia AI đã đưa ra một vấn đề khác: Việc tạm dừng nghiên cứu có thể kìm hãm sự tiến bộ trong một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh và cho phép các những nhóm độc tài phát triển hệ thống AI của riêng họ và vượt lên. Richard Socher - nhà nghiên cứu về AI và là CEO của công ty khởi nghiệp công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI You.com, cho biết việc làm nổi bật các mối đe dọa tiềm tàng của AI có thể khuyến khích những kẻ xấu sử dụng công nghệ này cho các mục đích bất chính.

Tuy nhiên, Stuart Russell - nhà khoa học máy tính ở Đại học Berkeley và là nhà nghiên cứu AI hàng đầu, người đã đồng ký vào bức thư ngỏ, cho biết dù vấp phải khó khăn nhưng những nỗ lực ngăn chặn cần phải được thực hiện trước khi công nghệ tiến xa hơn nữa. Russell dẫn lại lời của chính tỷ phú Bill Gates (người lên tiếng ủng hộ AI) nói với BBC hồi năm 2015 rằng “một khi bạn bắt đầu tạo ra những cỗ máy cạnh tranh và vượt qua con người về trí thông minh, chúng ta sẽ rất khó tồn tại”.

Dù vẫn có sự giằng co giữa hai bên (ủng hộ hoặc không ủng hộ AI) thì cho đến thời điểm này “phe” không ủng hộ có vẻ đang thắng thế. Điều đó được “bảo đảm” khi nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) Geoffrey Hinton tuyên bố: Trí tuệ nhân tạo có thể gây ra mối đe dọa khẩn cấp hơn cả biến đổi khí hậu. Ông Hinton bày tỏ lo ngại không bao lâu nữa, nhờ vào sự “tạo sinh”, AI sẽ đạt được trí thông minh cao hơn con người và nắm quyền kiểm soát hành tinh.

Nói về những robot thông minh đã và đang tiếp tục xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, Hinton và nhóm các nhà khoa học ủng hộ ông cho rằng chúng không ảnh hưởng gì cả nếu như con người điều khiển chúng chứ không phải là ngược lại. Những nhà khoa học thuộc khuynh hướng phản đối AI còn cho rằng (ví dụ như ChatGPT) có khả năng vô hạn về xử lý thông tin mà bất cần biết đúng sai, vì thế nhiều khả năng con người sẽ “vội vã nhận lấy những thông tin sai lạc mà không cần phải suy nghĩ”.

“Ngay từ bây giờ chúng ta cần phải lo ngại rằng bất cứ điều gì cũng được AI giải đáp, đồng nghĩa với việc triệt tiêu sự phát triển tư duy của chính loài người. Bộ óc không được khai thác do phụ thuộc vào máy móc có nghĩa là chúng ta đã dễ dãi khi phủ nhận sự phát triển trí khôn của loài người để có được một thế giới tiến bộ như ngày nay” - tiến sĩ Lankeff Lee, một chuyên gia công nghệ AI lên tiếng khi ủng hộ ông Geoffrey Hinton.

Ngày 17/5, Tổng giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman nói với một nhóm nghị sĩ Mỹ về nỗi sợ lớn nhất của ông khi công ty OpenAI của ông phát triển các khả năng trí tuệ nhân tạo (AI), rằng khi OpenAI phát triển sẽ phát sinh mặt tiêu cực tiềm ẩn nếu không được quản lý đúng cách. "Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của tôi là chúng tôi gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thế giới. Vì thế, việc kiểm soát lộ trình phát triển của nó là cần thiết”. Tuy nhiên, Altman cũng cho rằng giống như tất cả các cuộc cách mạng công nghệ sẽ có tác động đáng kể đến việc làm, nhưng chính xác tác động đó như thế nào thì rất khó dự đoán.

Theo Thế Tuấn

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên