MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trích quỹ dự phòng vượt nhiều lần nợ xấu: Các ngân hàng đang "toan tính'' gì?

11-01-2022 - 16:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khả năng phòng thủ nợ xấu của Vietcombank, VietinBank và BIDV đều tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Trước đó, nhiều ngân hàng khác cũng tích cực trích lập dự phòng khi nguy cơ bùng phát nợ xấu do dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.

Vietcombank mới đây đã gây chú ý với thị trường khi công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng (LLR) cao kỷ lục ngành ngân hàng ở mức 424%. Điều này đồng nghĩa, mỗi đồng nợ xấu nội bảng của Vietcombank được đảm bảo bằng hơn 4 đồng dự phòng.

Với dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2021 là 963.670 tỷ đồng và 0,63%, quy mô nợ xấu nội bảng và quỹ dự phòng của Vietcombank theo đó ở mức 6.070 tỷ đồng và 25.740 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp sử dụng toàn bộ quỹ dự phòng để đưa nợ xấu về 0, ngân hàng vẫn dư ra hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank đã trích hơn 8.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro trong 9 tháng đầu năm, nâng quỹ dự phòng lên hơn 26.400 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bao phủ 243% .

Tương tự, BIDV cũng tăng cường trích lập dự phòng trong năm 2021, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay đạt 235%. Con số này tại thời điểm 30/9/2021 mới chỉ đạt 140% và cuối năm 2020 là gần 89%.

Khả năng trang trải nợ xấu của BIDV tăng vọt trong quý IV/2021 trong bối cảnh nợ xấu của ngân hàng này được báo cáo giảm rất mạnh. Theo đó, dư nợ xấu vào cuối năm trước ước tính ở mức hơn 10.700 tỷ đồng, giảm "sốc" so với mức hơn 21.400 tỷ đồng hồi cuối tháng 9/2021.

Tại VietinBank, khả năng phòng thủ nợ xấu cũng tăng đáng kể khi tỷ lệ bao phủ đạt 171%, tăng mạnh so với mức 119% vào cuối tháng 9 và 132% của cuối năm 2020.

Ngoài ba ông lớn kể trên, tỷ lệ LLR cũng tăng nhanh tại một loạt ngân hàng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, Techcombank tăng từ 171% vào cuối năm 2020 lên 184%, MB tăng từ 134% lên 233%, ACB tăng từ 160% lên 198%,…

Các ngân hàng đang ''toan tính'' gì?

Tấm đệm phòng thủ rủi ro tiếp tục được các ngân hàng làm dày thêm trong bối cảnh nguy cơ bùng phát nợ xấu do dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống vào cuối năm 2020 chỉ ở mức 1,9%. Tuy nhiên, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu có thể lên tới 7,31%.

Trong khi đó, dù được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các ngân hàng vẫn phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm nay và 100% trong 2 năm tới theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Do đó, áp lực trích dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng là rất lớn.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức đầu tháng 11 vừa qua, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng này sẽ tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ mức 119% vào cuối quý III/2021 lên mức 169% trong những tháng cuối năm, đồng thời tăng chi phí dự phòng rủi ro từ 14.000 tỷ đồng lên khoảng 17.000 tỷ đồng.

Lý giải cho quyết định này, ông Bình cho hay, chi phí dự phòng đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do dịch Covid-19 không chỉ là tăng sự thận trọng, mà còn là bộ đệm dự phòng cho những biến cố có thể xảy ra trong năm 2022.

"Chúng tôi tăng cường sự thận trọng, để nếu năm 2022 có những biến cố thì VietinBank vẫn có bộ đệm dự phòng tốt," ông Bình khẳng định.

Mặt khác, việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng ngoài chịu chi phối của các quy định cụ thể, cũng phụ thuộc vào chính sách quản trị rủi ro của từng nhà băng.

Thực tế, với những ngân hàng có chiến lược thận trọng như Vietcombank, ''kho'' dự phòng rủi ro luôn được duy trì ở mức cao hơn nhiều so với quy định. Với tỷ lệ LLR lên tới 424%, nhà băng này hiện đã trích lập đầy đủ cho các khoản nợ được cơ cấu lại vì Covid-19, sớm hơn 2 năm so với thời hạn quy định.

Nói về chiến lược này, nguyên Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành từng chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2021: Ngân hàng rất thận trọng trong dự phòng, trích lập đầy đủ. Chẳng hạn theo quy định thì với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích 65% nhưng ngân hàng chỉ đưa tỷ lệ loại trừ về 1-2% coi như vẫn trích lập đủ 100%.

"Hay cả những khoản được cơ cấu theo chương trình, chính sách của Nhà nước, ví dụ một số khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 hay Vietnam Airlines sẽ không phải trích lập dự phòng, nhưng ngân hàng vẫn dự phòng''.

''Quy định chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không yêu cầu tối đa, "cơm không ăn gạo còn đó", lại an toàn cho ngân hàng, đúng thông lệ quốc tế’’, người đứng đầu Vietcombank khi ấy chia sẻ.

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, hệ thống ngân hàng đang có sự phân hóa mạnh về chất lượng tín dụng. Rủi ro đối với các ngân hàng yếu kém, có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng. Trong khi những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và trích lập đầy đủ các khoản vay tái cơ cấu (Vietcombank, ACB, MB, VietinBank, Techcombank) sẽ có triển vọng tích cực.

SSI cho rằng dù thông tư 14 về cơ cấu nợ xấu có được gia hạn hay không thì các ngân hàng tốt sẽ vẫn có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu. Bộ đệm tín dụng tốt sẽ giúp ngân hàng tránh được những những cú shock đột ngột trong bảng cân đối kế toán.

Quốc Thụy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên