Triển khai nhiều giải pháp giải toả ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu
Từ năm 2020 đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản trái cây tươi qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 bùng phát.
- 18-12-2021Tắc nghẽn tuyến vận tải Âu-Mỹ kéo dài, doanh nghiệp Việt sẽ mất liên kết
- 18-12-2021Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ ký kết 12 thoả thuận hợp tác, một dự án có tổng mức đầu tư lên đến 4 tỷ USD
- 18-12-2021Doanh nghiệp Việt bị o ép “phí container rỗng”
Liên quan tới việc nhiều ngày qua truyền thông liên tục đăng tải thông tin hàng nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 18/12, đại diện Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2020 đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản trái cây tươi qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 bùng phát nên các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như Trung Quốc siết chặt quản lý đối với hoạt động qua lại biên giới nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Cửa khẩu quốc tế Kim Thành - Lào Cai vắng lặng do phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Thậm chí, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 phía Trung Quốc đã đóng các cửa khẩu phụ, lối mở cũng chỉ cho thông quan qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Điều này khiến năng lực thông quan tại các cửa khẩu vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn; chưa đáp ứng được lưu lượng hàng hóa thông quan đang tăng cao, nhất là khi vào chính vụ thu hoạch một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam để xuất khẩu. Lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc ngày càng nhiều. Vào một số thời điểm đã phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện cục bộ tại các cửa khẩu biên giới.
Theo đại diện Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc tăng cao. Một số hàng nông sản phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu ở địa phương khác nên lượng hàng hóa tập trung về các cửa khẩu Lạng Sơn nhiều. Thế nhưng, từ thời điểm tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo thuận lợi hơn cho hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, lượng hàng hóa xuất khẩu đưa lên cửa khẩu ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nước ta. Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã có động thái tăng cường hơn các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới giữa 2 nước. Đồng thời, siết chặt quy trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu dẫn tới tình trạng ùn ứ hàng hóa nghiêm trọng, nhất là tại khu vực các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Những khó khăn trên đã được Bộ Công Thương dự báo từ sớm và đã tích cực vào cuộc và triển khai kịp thời phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa, khơi thông hoạt động giao thương qua các cửa khẩu biên giới đất liền. Từ đó, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông sản, trái cây tươi qua biên giới khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ và thời điểm vào các dịp Lễ, Tết.
Nhằm khôi phục hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo, kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tiếp tục mở lại hoạt động các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc để khôi phục lại hoạt động giao thương khi Việt Nam và các nước có chung đường biên giới đã kiểm soát được tốt được dịch COVID-19.
Cùng với đó, Bộ cũng đã trao đổi, đề nghị các tỉnh biên giới chủ động, trao đổi với Chính quyền địa phương tỉnh bạn về thời gian, địa điểm khôi phục một phần trao đổi cư dân. Điều này nhằm khơi thông giao thương hàng hóa khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt và phía các nước chung đường biên giới mở dần trở lại hoạt động của các cửa khẩu phụ, lối mở.
Không những thế, Bộ Công Thương chủ động đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy trình kiểm soát, phòng chống dịch thống nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc và trên toàn quốc. Điều này để vừa triển khai thống nhất, đồng bộ các biện pháp quản lý, phòng chống dịch, vừa tránh những tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa.
Bộ chú trọng xây dựng quy trình vận chuyển, lưu thông, hướng dẫn thiết lập luồng vận tải ưu tiên cho nông sản xuất khẩu, đề xuất với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và trao đổi với Bộ Y tế để chỉ đạo thực hiện.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ đã trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt –Trung cũng như trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương.
Bộ trưởng Công Thương đã có 3 cuộc điện đàm/hội đàm trực tuyến với các đối tác phía Trung Quốc như Bộ trưởng Thương mại, Bí thư Quảng Tây, Tổng cục trưởng Hải quan và 10 cuộc làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để trao đổi các nội dung nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại song phương.
Đồng thời, gửi 14 công thư của Bộ trưởng và nhiều công hàm của Bộ Công Thương tới Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và cơ quan phía của Trung Quốc thúc đẩy giải quyết những vướng mắc, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước; trong đó, có thương mại biên giới.
Đầu tháng 12, Bộ trưởng Công Thương một lần nữa có thư gửi tới các đối tác phía Trung Quốc (Bộ trưởng Thương mại, Tổng cục trưởng hải quan, Bí thư Quảng Tây) đề nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung nhằm tìm kiếm các giải pháp tạo thuận lợi cho thương mại song phương; trong đó, có giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và Tham tán thương mại, đại diện thương vụ, đại diện các Văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, nhất là khi Chính quyền phía Trung Quốc có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cơ quan thương vụ tại Trung Quốc phối hợp, hỗ trợ các địa phương biên giới phía Bắc cùng trao đổi với chính quyền địa phương phía bạn và các cơ quan chức năng có liên quan trong quá trình trao đổi, hội đàm.
Đặc biệt, phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bộ Công Thương đã tổ chức các Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh, thành phố và Hiệp hội, doanh nghiệp để phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp và địa phương triển khai các Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc; đăng tải trên trang web của bộ và gửi thông tin tới các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan thông tin báo chí để cùng phối hợp tuyên truyền, định hướng sản xuất, đưa hàng hóa lên khu vực cửa khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ đã trao đổi với Chính quyền phía Bạn để tạo điều kiện thuận lợi và tăng thời gian thông quan đối với các loại nông sản đến thời điểm thu hoạch, đặc biệt là đối với các loại nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ; đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan; kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý.
Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ thêm: Bộ Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu trong thời gian qua đã thường xuyên thông tin, nhiều lần có văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp cũng như đề nghị các địa phương có vùng trồng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân và doanh nghiệp. Cụ thể, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu.
Cùng đó, chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Bộ Công Thương cũng lưu ý việc đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.
Trao đổi với đối tác phía Trung Quốc để chuyển sang đi qua các khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai để giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; chuyển phương thức vận tải đi bằng đường biển đến các cảng của Trung Quốc như đối với mặt hàng thuỷ sản.
Đặc biệt, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng internet và mạng viễn thông để thúc đẩy xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và sang các thị trường tiềm năng khác.
Ngoài ra, Bộ còn chủ động tham gia, các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước như: Chương trình Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia năm 2021 để thực hiện kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Bộ cũng lưu ý các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn cần tăng cường các hoạt động kết nối với hệ thống phân phối trong nước như Sai Gon Coopmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart, tập đoàn T&T, Post mart, Aeon, Mega Market… và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước cũng như tăng cường sản xuất, chế biến sâu nâng cao giá trị nông sản Việt. Cùng đó, kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.
Báo Tin Tức