MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long

Giao thông vận tải (GTVT) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vai trò tăng cường kết nối hệ thống đô thị trong vùng, kết nối khu vực với TP Hồ Chí Minh và quốc tế. Hiện nay, ĐBSCL có 4 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không, trong đó phương thức vận tải chính là đường bộ và đường thủy nội địa.

Thực trạng hạ tầng ĐBSCL

Rà soát của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, chiếm 18% GDP toàn quốc, đóng vai trò “cửa ngõ” quan trọng trong hành lang kinh tế phía Nam của Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, gần các tuyến hàng hải chính, kết nối với khu vực Đông Nam Á và thế giới. ĐBSCL cũng là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, với 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đều thông qua cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh. Khối lượng vận chuyển hàng hoá hiện đạt 168,8 triệu tấn, chiếm 6,43% cả nước; vận chuyển hành khách đạt 744,8 triệu lượt HK chiếm 20,9% cả nước.

Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Tuyến đường Lộ Tẻ-Rạch Sỏi chạy xuyên qua những cánh đồng lúa xanh ngắt vùng Tứ Giác Long Xuyên.

Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã đầu tư cải thiện mạng lưới đường bộ trong vùng, với gần 187 km đường cao tốc, 2.669 km đường quốc lộ và 4.559 km đường tỉnh. Về cơ bản, tất cả các điểm chính trong khu vực đều đã có kết nối đường bộ, nhưng hạ tầng giao thông vẫn chưa mang vai trò chiến lược cho phát triển vùng, chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, chất lượng mặt đường chủ yếu đạt mức trung bình (65,37%), tỷ lệ mặt đường xấu còn cao (18,71%). Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ tại Quyết định 1454/QĐ-TTg, ĐBSCL thời gian tới cần tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là các trục có nhu cầu vận tải cao như trục TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ, trục N2 đoạn từ Cao Lãnh về TP Hồ Chí Minh tạo kết nối thuận lợi vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ...

Về đường thuỷ nội địa, ĐBSCL đã đưa vào quản lý, khai thác là 14.826,4 km, với 57 cảng thủy nội địa và 3.988 bến thủy nội địa, có đến 85% các cảng, bến đều có quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu xếp dỡ hàng rời, thiếu các cảng chuyên dùng cho container. Thị phần vận tải đường thủy nội địa mặc dù cao (đạt khoảng 60%), nhưng các mặt hàng vận chuyển chủ yếu là hàng rời (vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn gia súc, lúa gạo v.v..).

Đối với đường biển, ĐBSCL có 6 luồng hàng hải, với tổng chiều dài 599,69 km: Luồng cửa Tiểu sông Tiền; luồng Định An - Cần Thơ; luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu; luồng Bồ Đề - Năm Căn - Cà Mau; luồng Bình Trị - Kiên Giang; luồng An Thới - Phú Quốc và có 13 cảng biển. Cơ bản các luồng và cảng biển đã được thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt. Khó khăn của hệ thống cảng biển vùng là hạ tầng kết nối với khu bến Cái Cui, chưa hình thành các trung tâm logistics quy mô lớn, thiếu cảng biển có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải lớn (từ 50.000 DWT trở lên).

Về hàng không, ĐBSCL có 4 cảng hàng không đang khai thác gồm 2 cảng hàng không quốc tế (Cần Thơ, Phú Quốc) và 2 cảng hàng không nội địa (Rạch Giá, Cà Mau). Thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không khu vực chủ yếu tập trung tại Cần Thơ (chiếm 51,3% thị phần), Phú Quốc (48% thị phần). Hoạt động kết nối bằng đường hàng không giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL chủ yếu thông qua sân bay Phú Quốc, với tần suất 16 – 17 chuyến/ngày. Hoạt động của 2 sân bay Cà Mau, Rạch Giá hiện hạn chế, với tần suất khai thác chỉ 1 chuyến/ngày.

Riêng đường sắt, vùng chưa có tuyến nào và thiếu hệ thống trung tâm logistics quy mô lớn và hệ thống cảng cạn tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển, cửa khẩu kết nối với Campuachia.

Tại Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng Hạ tầng - Phát triển kinh tế ĐBSCL” ngày 10/6 do Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 10/6 tại Cần Thơ, nhiều diễn giả, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đều đưa ra nhiều ý kiến về ưu, nhược điểm hạ tầng ĐBSSCL.

ĐBSCL có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, với khoảng 340 km đường biên giới với Campuchia; 6 cửa khẩu quốc tế và 12 cửa khẩu phụ; đường bờ biển dài xấp xỉ 740 km và vùng biển rộng lớn tiếp giáp với các nước ASEAN; các tuyến cao tốc, quốc lộ theo quy hoạch có thể tăng cường khả năng kết nối trên hành lang vận tải xuyên Á và kết nối các nước tiểu vùng sông Mê Kong mở rộng. Tuy nhiên, các trục dọc kết nối và các cầu lớn nội vùng chưa đầu tư hoàn chỉnh; các trục ngang kết nối nội vùng chưa đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch; các tuyến trục dọc thường xuyên quá tải và đặc biệt là tình trạng ùn tắc kéo dài trong các dịp lễ, Tết.

Bên cạnh đó, các tuyến hỗ trợ QL1 chưa hoàn thiện; hệ thống cảng, bến thủy nội địa quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, phân tán, chưa có các bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn, thiếu hệ thống báo hiệu hay công nghệ định vị hỗ trợ vận tải thủy vào ban đêm; sự không đồng bộ giữa quy mô cầu bến cảng và luồng vào cảng là tồn tại lớn nhất đối với nhóm cảng biển ĐBSCL; sân bay Cần Thơ hiệu quả khai thác còn thấp so với công suất thiết kế, các sân bay khác khai thác hạn chế; tính liên thông kết nối về dịch vụ vận tải giữa các phương thức vận tải còn chưa phát triển; chưa có các trung tâm trung chuyển hàng hoá, các ICD tại khu vực các cửa khẩu quốc tế; chưa hình thành được các trung tâm logistics...

Giải pháp nào phát triển hạ tầng ĐBSCL?

Theo TS. Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, trước thực tế trên, các bộ, ngành, địa phương hiện nay cần rà soát các quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch tỉnh, thành phố, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với Luật Quy hoạch; tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong vùng, giữa các ngành trong việc nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất các chính sách phù hợp với đặc thù của các địa phương trong triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và đạt hiệu quả. Từ đó, đề xuất mô hình quản lý và phát triển hạ tầng ĐBSCL.

Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Hệ thống đường dẫn kết nối vào tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tạo thành cánh hạc bay nhìn từ trên cao.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cần tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài trong dự án tài trợ của 6 ngân hàng phát triển (ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB) thuộc chương trình phát triển chính sách (DPO) và các dự án liên kết vùng của ĐBSCL để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí đủ nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách, đặc biệt hệ thống cầu yếu và các công trình gia cố bền vững chống sạt lở, biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Mặt khác, ĐBSCL cần đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án như: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cảng biển Trần Đề...; cải tạo nâng cấp các tuyến đường kết nối vào các cảng biển, cảng thủy nội; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vùng theo đúng quy hoạch đã đề ra, tập trung cho các dự án ưu tiên.

Trong cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương tại TP Cần Thơ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc phát triển giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL là yêu cầu khách quan và được Đảng, Nhà nước quyết định đúng đắn. Do đó, không chần chừ, do dự, mà phải bắt tay vào làm, với kết quả phải nhìn thấy, đo, đếm được...; cao tốc có sớm ngày nào, ĐBSCL hưởng lợi ngày đó.

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ này đến nay, Chính phủ đã bố trí khoảng 480.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông. ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò quan trọng, chiến lược, chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Những đột phá về hạ tầng giao thông và nhân lực, sẽ giúp ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông cũng giúp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, một trong những động lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2021, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc, với tổng chiều dài khoảng 1.166 km (gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575 km và 3 tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591 km.

Đến nay, ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn I (4 làn xe), với tổng chiều dài 171 km (trong đó có 80 km đang được tiếp tục đầu tư để đạt tiêu chuẩn đường bộ cao tốc). Hiện, có 8 dự án đang thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai bảo đảm cơ bản hoàn thành trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến đến năm 2026, ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Theo Sơn Vân

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên