Triển vọng giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá USD/VND
Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, trong điều kiện rủi ro biến động tỷ giá USD/VND giảm thiểu và triển vọng tiếp tục có điều kiện để giảm thiểu.
- 29-01-2019Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng xuyên thủng “ngưỡng chặn”
- 07-01-2019Tỷ giá USD/VND, “ngưỡng chặn” và cung ngoại tệ tiềm năng
- 28-12-2018Liên tiếp rơi sâu, tỷ giá USD/VND khép lại một năm trong tầm kiểm soát
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến 20/3/2019 thu hút 785 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.821,4 triệu USD, tăng 27% về số dự án và tăng tới 80,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Ở nguồn đầu tư gián tiếp, trong 3 tháng đầu năm 2019 có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,69 tỷ USD, gấp tới 3 lần cùng kỳ năm 2018.
Chưa đầy một năm trước, Việt Nam đối diện với loạt cảnh báo vốn ngoại đảo chiều. Áp lực này thực tế đã tạo biến động đáng kể đối với tỷ giá USD/VND nửa cuối 2018, mà Ngân hàng Nhà nước phải có các đợt bán ra can thiệp.
Nhưng với diễn biến trên, dòng vốn đầu tư nước ngoài không những không đảo chiều mà tiếp tục gia tăng mạnh đầu 2019. Trong nhiều yếu tố thu hút, sự ổn định tỷ giá - giảm thiểu rủi ro đang là một hỗ trợ cho dòng chảy này.
Nói cách khác, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã bớt bị “móc túi” vì rủi ro biến động tỷ giá lớn như nhiều năm trước.
Gió sắp đổi chiều?
Năm 2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có tới 4 lần nâng lãi suất. Lượng đổi đến độ khiến chất đổi. Chênh lệch lãi suất USD với VND nhanh chóng thu hẹp trên thị trường liên ngân hàng, có những thời điểm điểm hoán đổi âm và gây áp lực lên tỷ giá.
Năm 2018, tỷ giá USD/VND cũng đứng trước sức ép lớn của những đợt rớt giá kỷ lục của đồng Nhân dân tệ; nhiều đồng tiền trong khu vực cũng mất giá mạnh.
Bên cạnh các cân đối vĩ mô và cung - cầu trên thị trường, hai biến động trên có tác động chính yếu đến tỷ giá USD/VND, cộng hưởng với yếu tố tâm lý.
Nhưng, bối cảnh và diễn tiến những yếu tố trên đã và đang có triển vọng có thể thay đổi căn bản.
Tại cuộc họp gần nhất cuối tháng 3 vừa qua, FED đã mở ra thông điệp mới: tạm ngưng xem xét việc tăng lãi suất trong phần còn lại của năm 2019, mà trước đó họ từng dự kiến sẽ có 2 lần tăng.
Không những thế, trước khả năng kinh tế Mỹ và toàn cầu giảm tốc, cuối tuần qua tình huống FED cần giảm lãi suất được đặt ra, trong khuyến nghị của cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow trên kênh CNBC. Và cái tên FED vẫn xuất hiện trong những tuyên bố không hài lòng gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Về phía đồng Nhân dân tệ, sau năm chao đảo 2018, quãng ổn định đã được thiết lập từ đầu năm đến nay. Quan trọng hơn, diễn biến của đồng tiền này trong tương lai còn gắn với tiến trình các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc.
Trong tiến trình đó, Mỹ yêu cầu Trung Quốc giữ giá trị đồng Nhân dân tệ ổn định, như một phần cấu thành kỳ vọng hai bên đạt được thỏa thuận chung.
Song song với những chuyển động thuận lợi từ hai yếu tố lớn trên, tỷ giá USD/VND đã có quãng rất ổn định trong quý 1/2019.
Lựa chọn của lợi ích
Theo dõi biểu niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), điểm nhận thấy khoảng hai tháng qua chênh lệch giữa giá mua vào với bán ra USD được nới lên 100 VND, thay vì mức chênh quen thuộc 80 - 90 VND tại các thời điểm ổn định giữ trong nhiều năm.
Chênh lệch nới thêm, cùng giá yết nằm sâu dưới mức trần cho phép, phản ánh nhất định cân đối cung - cầu thuận lợi.
Trên thị trường liên ngân hàng từ đầu năm đến nay, cung thuận lợi cũng phản ánh tại nhiều thời điểm giá USD giao dịch giữa các thành viên xuyên thủng mốc xem xét mua vào 23.200 VND của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Và thực tế, theo tính toán của một số thành viên lớn tham gia thị trường liên ngân hàng, ước tính trong quý 1/2019 Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng tới khoảng 6,5 tỷ USD, nâng cao kỷ lục dự trữ ngoại hối quốc gia.
Như thể hiện trong vài năm qua, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng vượt trội so với mức thặng dư thương mại đạt được, cũng như cao hơn thặng dư cán cân tổng thể tính theo năm… Kết quả này phản ánh quyết định và lựa chọn chuyển đổi ngoại tệ trong dân cư và doanh nghiệp; Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kích thích được nguồn lực thường ở trạng thái găm giữ giai đoạn trước đây.
Chuyển đổi gắn với lựa chọn lợi ích.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 vừa qua chỉ tăng 0,05%, thậm chí còn giảm 0,44% so với tháng 12/2018. Lãi suất huy động USD vẫn áp trần 0%/năm. Trong khi đó, lãi suất VND vẫn giữ ở mức cao, thậm chí gia tăng lợi ích cho người lựa chọn ở các kỳ hạn dài.
Việc lựa chọn và nắm giữ VND trở nên có lợi hơn nhiều so với USD trong so sánh trên.
Và với thay đổi không lớn đó, trong quý 1/2019, rủi ro biến động tỷ giá USD/VND đã được giảm thiểu, cho những doanh nghiệp, nhà đầu tư có cùng chiều lợi ích, cũng như cho cả ngân sách với những khoản nợ nước ngoài bằng ngoại tệ…
Khi giảm thiểu rủi ro, các chủ thể giảm thiểu được các chi phí liên quan, có sự ổn định cần thiết để tập trung tốt hơn, chủ động hơn trong kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Nhưng triển vọng ổn định tỷ giá USD/VND xuyên năm 2019 thì sao?
Tại buổi họp báo kết thúc quý 1/2019 vừa qua, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh đến triển vọng thuận lợi từ định hướng FED ngừng tăng lãi suất.
Và như trên, một yếu tố khác thường được nhìn đến là đồng Nhân dân tệ cũng có triển vọng sẽ ổn định hơn so với năm 2018.
Dù chưa lớn, nhưng qua quý đầu năm Việt Nam tiếp tục thặng dư thương mại, cùng với hoạt động chuyển đổi ngoại tệ đã và đang thể hiện rõ ở hoạt động mua ròng của Ngân hàng Nhà nước. Lượng tiền gửi ngoại tệ (phản ánh nhất định mức độ găm giữ) trong hệ thống ngân hàng cũng liên tục giảm mạnh từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần lưu ý ở diễn biến giảm tốc của kinh tế thế giới biểu hiện gần đây. Điều này có thể hạn chế đến triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nói chung. Và xuất khẩu vẫn là một kênh tạo nguồn ngoại tệ chính yếu.
Dù vậy, với nguồn lực và các công cụ chủ động hơn, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục bám sát thị trường, thực hiện mục tiêu giữ ổn định tỷ giá trong năm nay.
Rủi ro biến động tỷ giá theo đó được kỳ vọng tiếp tục được giảm thiểu, dù thế giới bên ngoài vẫn không loại trừ những xáo trộn khó lường, những bất ổn tiềm ẩn có thể tác động bất lợi đến việc thực hiện mục tiêu đó.
BizLive