MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ cơ cấu thời hạn trả nợ?

28-04-2023 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Triển vọng ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ cơ cấu thời hạn trả nợ?

Thông tư mới ban hành về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ ngân hàng cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh cũng như đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.

Tháo gỡ áp lực

Thông tư 02/2023/TT-NHNN (TT 02) có hiệu lực từ 24/4/2023 tới 30/6/2024 cung cấp công cụ giúp các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng trong thời hạn tối đa 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được khấu hao trong 2 năm.

Trong bối cảnh thị trường thiếu hụt thanh khoản và rủi ro tín dụng tăng cao, chính sách này một mặt sẽ giúp người đi vay có thêm thời gian thực hiện các nghĩa vụ nợ đối với ngân hàng khi chờ đợi nền kinh tế phục hồi. Trong khi đó, các ngân hàng có thể phần nào tháo gỡ được các áp lực đang đè nặng lên bảng cân đối kế toán và tình hình hoạt động, khi rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong các quý sắp tới sẽ được hoãn tới quý 2/2024.

Theo đánh giá của CTCK SSI, tỷ lệ nợ xấu năm 2023 trong ngành ngân hàng có thể không tăng cao như dự báo ban đầu, khi giờ đây các ngân hàng có thêm lựa chọn gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

"Điều này đặc biệt có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (NPL) gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có nhiều nguồn lực hơn để giữ nợ xấu dưới mức 3%," SSI viết trong báo cáo phát hành hôm 25/4 vừa qua.

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng 35% so với thời điểm đầu năm. Cá biệt có ngân hàng ghi nhận tỷ lệ NPL tăng từ 3% lên 17.93% trong năm 2022.

Trong khi đó, gánh nặng chi phí cho vay của các ngân hàng sẽ được giảm nhẹ ít nhất trong năm 2023 cho tới hết quý 2/2024. Tuy nhiên, dự phòng bao phủ sẽ tăng cao khi các ngân hàng trích lập dự phòng cho các khoản vay được cơ cấu lại.

"TT 02 sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản (BĐS)/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB; vì các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh "an toàn" (ít cho vay BĐS, không bao gồm TPDN) trong thời điểm này," CTCK VNDirect nhận định.

Theo Công ty quản lý quỹ VinaCapital, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 1 đã chậm lại do cầu tiêu dùng giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới và tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản trong nước. Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp để cải thiện tình hình tăng trưởng – nổi bật nhất là cắt giảm thuế giá trị gia tăng và hạ mặt bằng lãi suất.

Tuy nhiên, các can thiệp quyết liệt hơn trong nỗ lực giải cứu thị trường BĐS và các dự án cơ sở hạ tầng từ phía cơ quan nhà nước, theo VinaCapital, sẽ mang tới những tác động lớn hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Triển vọng nào cho ngành ngân hàng?

Ngay từ đầu năm, trước viễn cảnh nền kinh tế tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, các ngân hàng có phần thận trọng đặt ra các mục tiêu kinh doanh trong năm 2023 khi cầu tín dụng tăng thấp, chi phí tín dụng cao đi đôi với nợ xấu leo thang. Các thông tư mang tính hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường mới ban hành được dự báo sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế và hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng.

Trong năm 2023, nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank và BIDV khá dè dặt khi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng từ 10-13% trong khi nhóm ngân hàng thương mại đề ra các mục tiêu tham vọng hơn như VPBank (33%), VIB (25%) và HDBank (24%).

Song song với đó, tính tới các yếu tố nhu cầu tín dụng thấp hơn, chi phí tín dụng cao hơn và nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 thấp hơn năm trước. Trong đó nhóm ngân hàng quốc doanh đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10-15% dù năm trước đó ghi nhận mức tăng lên tới 40%.

Còn đối với nhóm ngân hàng thương mại, dù nhiều ngân hàng hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023, vẫn có những ngân hàng lạc quan vào triển vọng tăng trưởng kinh tế như VPBank, khi đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tới 13% so với năm 2022, tương ứng đạt 24 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch này ngay từ đầu được giới chuyên môn đánh giá là khá tham vọng trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu và tỷ trọng tín dụng nhóm BĐS và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của ngân hàng ở mức cao.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ TT 02 nói trên, và Thông tư 03 (TT 03) – tập trung tháo gỡ khó khăn của thị trường TPDN ban hành cùng thời điểm, VPBank, cũng như các ngân hàng khác, sẽ có cơ hội cải thiện hoạt động cho vay cũng như hoàn thành các mục tiêu kinh doanh trong năm 2023.

TT03 khi được áp dụng, theo phân tích của VNDirect, sẽ cho phép các ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua TPDN, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (~2% tại cuối quý 1) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa. Ngoài ra, chính sách này cũng sẽ giúp tăng cầu trái phiếu và có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường TPDN như TCB, MBB, VPB.

Đối với trường hợp của VPBank, VNDirect cho biết những chính sách hỗ trợ gần đây và việc phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho SMBC (kỳ vọng hoàn thành Q2/Q3 năm nay) sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Ánh Dương

Tổ Quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên