Triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn
Các doanh nghiệp thép nhận định, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn và hoạt động ổn định hơn năm 2021.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép thô của Việt Nam trong cả năm 2021 đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2020. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16%.
Đồng thời, xuất khẩu sản phẩm thép năm 2021 cũng có được những kết quả tích cực, đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với hơn 12,7 tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.
SẢN LƯỢNG THÉP VIỆT NAM LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á
Hội thảo Thị trường Thép Việt Nam và Công tác hoạt động Hiệp hội Thép Việt Nam năm 2021 - Triển vọng năm 2022
Đánh giá về năm vừa qua, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA cho rằng, năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép trên toàn thế giới. Mặc dù có những khó khăn nhất định như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay Covid-19 làm thay đổi chuỗi cung ứng, nhưng đối với Việt Nam thì lại là cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bản cập nhật về triển vọng ngắn hạn cho năm 2021 và 2022 của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép sẽ tăng 4,5% trong năm 2021 và đạt 1.855,4 triệu tấn sau khi tăng trưởng 0,1% vào năm 2020. Năm 2022, nhu cầu thép sẽ tăng thêm 2,2% lên 1.896,4 triệu tấn.
Đồng quan điểm, ông Trần Tuấn Dương- Phó Chủ tịch VSA, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát cũng cho rằng, trong khi đại dịch COVD-19 kéo dài suốt 2 năm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam song ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực.
Thị trường trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á.
Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát, riêng tháng 12/2021, Tập đoàn Hòa Phát đã đạt sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 799.000 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm là 353.000 tấn, tăng 10%. Xuất khẩu thép xây dựng trong tháng 12 tiếp tục đạt sản lượng cao với gần 94.000 tấn, tăng 59% so với cùng kỳ. HRC đạt 217.000 tấn, còn lại là phôi thép, ống thép và tôn mạ.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch COVID-19, các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất - Quảng Ngãi, Hưng Yên vẫn hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là lần đầu tiên Hòa Phát cán mốc sản lượng bán hàng trên 1 triệu tấn thép trong một tháng.
Hoạt động xuất khẩu là nhân tố đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021. Lần đầu tiên xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng ghi nhận 2,3 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu chính là Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc …Sản phẩm tôn mạ cũng có một năm xuất khẩu rực rỡ khi đạt 297.000 tấn, đóng góp 69% tổng lượng tôn Hòa Phát cung cấp cho thị trường. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid 19, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
Theo ông Dương, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành thép trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trong ngành cũng như Hiệp hội Thép Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là thành quả của sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại.
QUAN NGẠI VỀ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành thép vẫn bày tỏ một số lo ngại liên quan đến các vấn đề về phòng vệ thương mại.
Như với Indonesia, một thị trường xuất khẩu thép tiềm năng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, khi các mặt hàng tôn lạnh xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế tự vệ thương mại toàn cầu, bị kiện ra WTO và đến 2019 bị kiện chống bán phá giá, ông Vũ Văn Thanh - Phó Chủ tịch VSA, Phó TGĐ Tập đoàn Hoa Sen nêu ra.
Ông Vũ Văn Thanh - Phó Chủ tịch VSA, Phó TGĐ Tập đoàn Hoa Sen
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu thép của Việt Nam cùng Hiệp hội dưới sự hỗ trợ của các Cơ quan Nhà nước, đặc biệt Cục Phòng vệ Thương mại- Bộ Công Thương đã đệ trình thư đề nghị xem xét lại, gửi cho các bên liên quan kết quả là Chính phủ Indonesia đã rút lại kết luận điều tra.
Đây là một trong những thắng lợi rất lớn của ngành thép Việt Nam trong suốt 3 năm 2019 - 2021, ông Thanh nhìn nhận.
Ngoài ra, ngành thép Việt Nam trong tương lai cần hướng tới phát triển thép "xanh", đáp ứng các tiêu chuẩn của EU khi thị trường này áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu. Nếu làm tốt theo hướng này, Việt Nam sẽ giữ vững và thậm chí tăng thị phần xuất khẩu.
Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung cũng nhận định, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 xuyên suốt.
Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022. Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
BizLive