MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triệt đầu cơ vàng miếng SJC

31-07-2024 - 10:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Những giải pháp quyết liệt được triển khai kỳ vọng sẽ triệt tiêu đầu cơ, thao túng và trục lợi vàng miếng...

UBND TP HCM vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác bảo đảm an ninh thị trường vàng trên địa bàn (gọi tắt Tổ công tác). Nhiệm vụ của Tổ công tác là tổ chức thu thập, phân tích thông tin, số liệu, tình hình về khách hàng mua bán vàng miếng trên địa bàn. Kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nghi vấn đầu cơ, trục lợi, gây bất ổn thị trường vàng trên địa bàn.

Thu thập thông tin người mua vàng

Tổ công tác còn có nhiệm vụ triển khai công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh vàng của các cơ sở mua bán vàng miếng và sản xuất, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ.

Cũng theo quyết định của UBND TP HCM, đại diện Công an thành phố là tổ trưởng Tổ công tác, có nhiệm vụ tập hợp tình hình, tham mưu UBND thành phố các giải pháp góp phần ổn định tình hình thị trường vàng. Chỉ đạo các đơn vị công an triển khai công tác nắm tình hình, phát hiện các cá nhân, tổ chức nghi vấn buôn lậu vàng, hoạt động mua gom vàng để đầu cơ trục lợi. 

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh, điều tra làm rõ nghi vấn, đấu tranh, xử lý theo quy định pháp luật hình sự (trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm) hoặc chuyển giao thông tin cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính.

Triệt đầu cơ vàng miếng SJC- Ảnh 1.

Việc mua vàng miếng SJC ở TP HCM sẽ được kiểm soát chặt để chống đầu cơ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM làm tổ phó Tổ công tác, có nhiệm vụ thu thập và chuyển giao Công an TP HCM thông tin, tài liệu, danh sách cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng miếng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và 4 NH thương mại quốc doanh gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank (thực hiện mỗi ngày). Nghiên cứu các giải pháp và tham mưu chỉ đạo Công ty SJC và 4 NH thương mại quốc doanh chủ động phát hiện các cá nhân nghi vấn được thuê mua vàng, thu gom vàng; cung cấp kịp thời cho lực lượng Công an để triển khai các biện pháp nghiệp vụ.

Các bộ phận khác trong Tổ công tác, như Cục Thuế TP HCM, Cục Quản lý thị trường thành phố… có nhiệm vụ xác minh nhanh dòng tiền, nguồn tiền mua vàng và hỗ trợ thu thập các tài liệu tại các NH (hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, chứng từ giao dịch…) để làm rõ nghi vấn mua gom vàng, thuê mua vàng. Tăng cường kiểm tra các cơ sở mua bán vàng trên địa bàn để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền, nhất là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu…

Về phía NH thương mại, mới đây, NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo chỉ nhận đăng ký mua vàng miếng SJC với các khách hàng cá nhân có tài khoản thanh toán mở tại NH này và đang hoạt động.

Vietcombank giải thích việc đổi điều kiện đăng ký mua vàng miếng SJC online nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý thông tin khách hàng; bảo đảm công tác vận chuyển vàng miếng được thuận lợi, an toàn...

Trước đó, BIDV cũng đã triển khai đăng ký mua vàng miếng SJC đối với các khách hàng đáp ứng điều kiện là có tài khoản VNĐ tại BIDV và phải có đủ tiền trong tài khoản tại thời điểm đăng ký mua vàng.

NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng dự kiến áp dụng hình thức này. Theo lãnh đạo Agribank, việc bán vàng cho khách hàng có tài khoản mở tại chính NH sẽ giúp giảm bớt thời gian thực hiện quy trình nhận biết khách hàng và góp phần phòng chống rửa tiền.

Cần giải pháp dài hơi

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định những giải pháp của UBND TP HCM vừa triển khai, cũng như giải pháp của Chính phủ và NHNN thời gian qua sẽ góp phần làm giá vàng miếng SJC thu hẹp chênh lệch với thế giới. Đặc biệt, quyết định mới của UBND thành phố liên quan thu thập thông tin người mua vàng miếng SJC sẽ góp phần ngăn chặn nạn đầu cơ, làm giá, trục lợi trên thị trường vàng. "Khi đó, chỉ những người có nhu cầu thật sự, nắm giữ vàng lâu dài mới mua. Tâm lý đổ xô mua vàng miếng SJC sẽ giảm bớt" - ông Trần Duy Phương nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), thời gian qua khi NHNN triển khai bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân qua hệ thống 4 NH thương mại quốc doanh và Công ty SJC đã xuất hiện tình trạng vàng "2 giá", tức giá bán chính thức và giá trên thị trường tự do. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường vẫn lớn nhưng lượng người mua được vàng miếng không nhiều nên những người này đã mang vàng ra ngoài bán kiếm chênh lệch. Do đó, về lâu dài cần thêm những giải pháp để thị trường vàng bền vững hơn.

Tại họp báo thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhận định cơ chế bán vàng trực tiếp thông qua các NH thương mại nhà nước bước đầu đã phát huy hiệu quả. Mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được. Tuy nhiên, đây chỉ là chính sách trước mắt, còn lâu dài làm sao để phù hợp là vấn đề khó.

Thực tế, các chuyên gia nhiều lần góp ý muốn thị trường vàng phát triển bền vững cần nghiên cứu sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC và xóa bỏ độc quyền vàng miếng, bỏ độc quyền nhập khẩu vàng của NHNN... PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng giải pháp có thể áp dụng sớm là nghiên cứu đánh thuế tài sản đối với vàng để giảm sức hút của kênh đầu tư này. 

"Vàng hóa" gây ra tác hại rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế, chính phủ các quốc gia đều muốn loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông, bởi nếu người dân nắm giữ nhiều vàng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đồng nội tệ. Như Mỹ, trong giai đoạn 1933 - 1971, nước này cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất 99,99%, chỉ cho phép sử dụng vàng trang sức, đồng thời quy định rõ tỉ lệ vàng trang sức. Thông thường, các nước quy định tỉ lệ vàng trang sức khoảng 60% - 70%, tùy quốc gia, Việt Nam có thể quy định vàng trang sức dưới 75% để tránh bị trục lợi" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Một giải pháp khác được PGS-TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất là nghiên cứu thí điểm chứng chỉ vàng. Mỹ từng có giai đoạn cấm sở hữu vàng vật chất mà chuyển sang bán chứng chỉ vàng cho người dân, khi đồng nội tệ mất giá mạnh. 

Theo đó, NHNN có thể phát hành chứng chỉ vàng qua hệ thống NH thương mại quốc doanh và vẫn nắm giữ lượng vàng vì đây là dự trữ ngoại hối quan trọng. Người dân có thể mua bán chứng chỉ vàng qua hệ thống NH thương mại quốc doanh, khi cần vốn có thể mang đến NH để đổi lấy VNĐ hoặc thế chấp để vay vốn. Giá vàng do NHNN ấn định. 

"Việc phát hành chứng chỉ vàng sẽ giúp giảm tính hấp dẫn của thị trường vàng, vì người dân cầm tờ giấy sẽ khác với cầm vàng vật chất. Cần có các biện pháp để hạn chế tâm lý của người dân khi sở hữu vàng vật chất, hướng người dân sang các thị trường khác để hỗ trợ phát triển kinh tế tốt hơn" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất. 

DN phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc vàng

NHNN Chi nhánh TP HCM cũng vừa có công văn gửi các doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là lĩnh vực có mối liên quan và tác động trực tiếp đến thị trường vàng, đến hiệu quả điều hành vĩ mô và ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, đòi hỏi các DN hoạt động trong lĩnh vực này cần chấp hành nghiêm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ... Các DN cũng phải chấp hành quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ.


Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên