Triết lý bán hàng "hạ mình đến tận cùng" của ông Trương Gia Bình giúp FPT "chốt đơn" gần 70 triệu chip
Đến nay, Chủ tịch FPT vẫn không ngừng làm việc để lèo lái con thuyền với hơn 63.000 nhân sự.
- 17-01-2024Ông Trương Gia Bình: Thanh niên Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... 'ngại' làm trong ngành bán dẫn vì vất vả sẽ là cơ hội cho người trẻ Việt Nam
- 12-01-2024Ông Trương Gia Bình lần đầu chia sẻ về những 'đánh đổi' của FPT để vươn tới 1 tỷ USD doanh thu từ nước ngoài, đặt mục tiêu con số này sẽ đạt 5 tỷ USD đến 2030
- 06-01-2024Khi người giàu ‘làm sale': Ông Phạm Nhật Vượng thôi chức Chủ tịch để trực tiếp bán xe, ông Trương Gia Bình, bầu Hiển chia sẻ loạt 'chiêu' bán hàng
Nhà lãnh đạo "lăn xả" trong mọi mặt trận
Trên thương trường, ông Trương Gia Bình nổi tiếng khi từng trở thành ''đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam''. Ngoài sáng lập và ngồi "ghế nóng" FPT, ông Trương Gia Bình còn từng là Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) từ năm 2001, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam (với số lượng thành viên lên tới 2500 doanh nghiệp trên 43 tỉnh thành của Việt Nam) từ năm 1998,..
Ở FPT, ông Trương Gia Bình được mệnh danh là "thuyền trưởng" dẫn dắt tập đoàn này đi từ con số 0 đạt được những thành tựu như hiện tại.
Tại Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã nói: "Thực ra, việc nặng nhất của tôi là đi bán hàng. Đến bây giờ tôi vẫn đi bán hàng." Ông chia sẻ bản thân đã từng bay sang Nhật chỉ để gặp đối tác trong vòng 1 tiếng đồng hồ, sau đó lại ra tàu điện ngầm gặp một công ty khác.
Ông cho rằng "rất ít doanh nghiệp lớn đi bán hàng bởi vì đi bán hàng là mình chiều người ta, hạ mình thấp đến tận cùng thì mới bán được. Tất cả các tập đoàn nổi tiếng là đối tác của FPT (có được) là tôi đi bán hàng." Ông Trương Gia Bình thậm chí đã từng bay qua các thành phố tại Mỹ để thuyết phục họ mua sản phẩm.
Đối với sản phẩm con chip của FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình cũng phải đích thân đi gặp gỡ và thuyết phục các đối tác (các công ty chip của Mỹ). Ông quan niệm bản thân làm tướng thì phải đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió: "Nói làm tướng là hi sinh, phải sẵn sàng thật lòng hi sinh... Chỉ khi đó người ta sẽ theo mình. Không có cách nào khác".
FPT nhận đặt hàng gần 70 triệu chip đến năm 2025
Trên thực tế, chip bán dẫn là một trong những lĩnh vực được tập đoàn đầu tư phát triển gần 10 năm nay. Ngày 15/9/2023, thông tin từ Công ty CP FPT (viết tắt Tập đoàn FPT, mã chứng khoán FPT) xác nhận đã nhận được đơn đặt hàng 67 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử.
Năm 2022, Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch FPT Semiconductor thuộc tập đoàn được công bố thành lập. Tính đến thời điểm tháng 9/2023, sản phẩm của chip nguồn (PMIC - Power Management IC) của FPT Semiconductor đã qua giai đoạn nghiên cứu phát triển (R&D) đến giai đoạn sản xuất hàng loạt (production phase). FPT đặt kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào 2 năm 2024 và 2025.
Trái ngược với thông lệ lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam của nhiều doanh nghiệp công nghệ quốc tế, FPT có chip được thiết kế sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc). Đây được đánh giá là một dạng chuỗi cung ứng đảo ngược so với "gã khổng lồ" điện tử Hàn Quốc Samsung, vốn lắp ráp khoảng một nửa số điện thoại thông minh ở Việt Nam.
Năm 2023. người đứng đầu Tập đoàn cho biết thêm, FPT có thể đưa hoạt động sản xuất chip của mình về Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra tại Đại hội đồng Cổ đông.
Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 6.470 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8%, EPS (Earning Per Share) đạt 4.666 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 21,3% so với năm trước.
Tổng hợp
Đời sống & pháp luật