Triết lý của bầu Hiển & bí mật bên trong lò đào tạo giúp bóng đá Việt Nam vươn tầm châu Á
Kỳ thi sát hạch diễn ra hai lần mỗi năm, chỉ ai đủ xuất sắc mới được giữ lại. Đó là cách trung tâm đào tạo trẻ CLB Hà Nội vận hành. Và từ đó, những ngôi sao của bóng đá Việt Nam xuất hiện.
- 29-06-2022Đổ xăng chớ hô "Đầy bình", làm cách này vừa tiết kiệm vừa tránh gian lận
- 29-06-2022Cặp vợ chồng sao Trung Quốc cầm đầu đường dây đa cấp bị đóng băng tổng cộng gần 5.400 tỷ tài sản vì 2 vụ kiện
"Đường chuyền bất ngờ... Sút bóng… Vàooooooo! Đó là một khoảnh khắc khó tin của Nguyễn Văn Tùng. Cú vô lê đó… đẹp quá!", BLV Biên Cương khựng lại trong tích tắc, như thể chưa tin được rằng U23 Việt Nam lại có thể tạo nên một siêu phẩm như vậy. "Bàn thắng này chúng ta có thể xem đi xem lại cả ngàn lần không chán. […] Cú ra chân của Văn Tùng thực sự được chấm điểm 10".
Đêm hôm ấy, U23 Việt Nam đã khiến hàng triệu trái tim phải thổn thức. Dù đánh rơi chiến thắng ở những phút bù giờ một cách đáng tiếc, tuy nhiên trận hòa 2-2 với U23 Thái Lan đã mang đến những tín hiệu đầy tích cực với người hâm mộ Việt Nam.
Không còn thầy Park, không còn 3 cầu thủ trên 23 tuổi như ở SEA Games 31, U23 Việt Nam bước vào vòng chung kết U23 châu Á 2022 với không ít hoài nghi. Nhưng rồi trên đất Uzbekistan, thầy trò HLV Gong Oh-kyun đã có một giải đấu tuyệt vời.
Khiến U23 Thái Lan "chết" hụt, cầm hòa U23 Hàn Quốc, thắng dễ U23 Malaysia và chỉ chịu dừng bước trước một U23 Ả Rập Xê Út quá mạnh tại tứ kết (đội bóng này sau đó lên ngôi vô địch với kỷ lục không lọt lưới bàn nào trong cả giải đấu), dấu ấn mà U23 Việt Nam tạo ra không chỉ nằm ở thành tích, mà hơn hết, đó còn là niềm tin vào một thế hệ cầu thủ mới đầy hứa hẹn.
Văn Tùng chỉ là 1 trong số 6 cái tên thuộc biên chế CLB Hà Nội góp mặt ở đội hình U23 Việt Nam tại giải đấu này. Đội bóng Thủ đô cũng chính là CLB đóng góp nhiều cầu thủ nhất, gồm: Bùi Hoàng Việt Anh, Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long, Nguyễn Hai Long, Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Văn Trường.
Thậm chí nếu tính rộng hơn, U23 Việt Nam còn 2 cầu thủ khác cũng trường thành từ lứa trẻ Hà Nội, đó là Trần Văn Công (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) và Lý Công Hoàng Anh (CLB Bình Định).
Đây không phải lần đầu tiên CLB Hà Nội đóng góp nhiều quân số trong những chiến tích của U23 Việt Nam và ĐTQG. Vị trí Á quân châu Á tại Thường Châu, hai chức vô địch SEA Games 30 và 31, ngôi vương AFF Cup 2018, hạng tư ASIAD 18, rồi đến tấm vé lọt vào vòng loại cuối World Cup 2022, tất cả đều có dấu ấn đậm nét của những cầu thủ từ lò đào tạo CLB Hà Nội.
Hùng Dũng, Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu… đều đã khẳng định được tên tuổi, và giờ đây thế hệ kế cận họ đang tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của mình trong màu áo đội tuyển. Bí quyết nào giúp CLB Hà Nội có thể tạo ra sự kế thừa đáng mơ ước như vậy?
“Với CLB Hà Nội, không vô địch là thất bại”, ông Nguyễn Giang Đông, Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ CLB Hà Nội nói với chúng tôi. “Triết lý xuyên suốt từ cấp lãnh đạo xuống dưới là chơi bóng nhiệt huyết, có chuyên môn cao, đẹp mắt, cống hiến và vô địch. Kể cả đội một lẫn các đội trẻ của CLB Hà Nội, về nhì là thất bại rồi”.
Tháng 5/2021, nhận lời mời từ bầu Hiển, sau hơn 3 năm vắng mặt trong làng bóng đá Việt Nam kể từ ngày thôi giữ chức Chủ tịch Sài Gòn FC, ông Nguyễn Giang Đông bất ngờ trở lại và đảm nhận nhiệm vụ mới tại Trung tâm đào tạo trẻ CLB Hà Nội.
"Chúng tôi không nói chuyện chỉ tiêu, mà làm việc với anh Hiển thì luôn phải đứng đầu. Thành ra mình sẽ phải tìm cách, đã nhận lời làm thì thực sự quyết tâm", ông Giang Đông kể lại.
"Tất nhiên không phải lúc nào đội mình cũng có thể vô địch, nhưng làm việc phải có khát vọng mới đạt được mục tiêu, còn nếu dửng dưng thì không bao giờ thành công. Cúp thì chỉ có một, trong khi cuộc chơi có đến hàng chục đội nên không phải muốn là được. Nhưng triết lý đó tạo động lực cho tất cả các cầu thủ, từ bé đến lớn sống và làm việc luôn mang trong mình khát khao vô địch.
Cả thầy và trò đều phải quyết tâm, phương pháp tập luyện ra sao, giáo trình thế nào để phù hợp với thời đại và vô địch. Triết lý của CLB Hà Nội chỉ đơn giản thế thôi, nhưng để làm được thì phải lao tâm khổ tứ, bạc hết cả tóc (cười)".
Kể từ năm 2018, U21 Hà Nội đã có 3 lần vào chung kết giải U21 Quốc gia, trong đó 2 lần lên ngôi vô địch. Ở các cấp độ U19, thành tích của đội cũng rất ấn tượng khi có 5 lần giành cúp, 2 lần Á quân và 1 lần về hạng ba trong 10 năm qua.
Càng lên cao, tuyến trẻ Hà Nội càng tạo ra nhiều dấu ấn, qua đó sản sinh ra nhiều cầu thủ tài năng cho đội một cũng như các cấp độ ĐTQG. Triết lý "không vô địch là thất bại" từ bầu Hiển là áp lực, nhưng đồng thời cũng trở thành động lực để thầy trò cùng nhau phấn đấu.
Sẽ không có một Văn Hậu 19 tuổi đã là trụ cột ở đội tuyển Việt Nam nếu như không có những chỉ dạy mềm mỏng nhưng cứng rắn của HLV Vũ Hồng Việt, rồi sau đó là quyết định kéo cầu thủ này thoát hẳn khỏi vị trí tiền vệ trung tâm của HLV Phạm Minh Đức.
Sẽ không có một Thành Chung đá chưa đầy 20 tuổi đã thi đấu đầy chững chạc ở V.League nếu như HLV Phạm Minh Đức không kéo học trò từ hậu vệ phải vào đá trung vệ.
Và cũng sẽ không có một Hùng Dũng bứt phá mạnh mẽ ở tuổi 25, từ "vô danh" vươn lên trở thành trụ cột của đội tuyển Việt Nam nếu như không có những ngày tháng "điên cuồng" tập luyện và phấn đấu ở CLB Hà Nội.
Nói "No pressure, no diamonds", không có áp lực thì không có kim cương cũng bởi vậy!
"Trước khi vào giải, chúng tôi luôn nói với cầu thủ rằng các bạn đang đứng trong hàng ngũ CLB Hà Nội, một đội mạnh trên cả nước và dù là giải trẻ hay V.League đều luôn hướng tới ngôi vô địch.
Sự mong muốn và đầu tư của lãnh đạo luôn rất lớn, vì thế chúng ta sẽ có áp lực. Nhưng để đạt được thành công, tất cả phải cùng nhau vượt qua được áp lực đó", HLV Lê Đức Tuấn của U19 Hà Nội chia sẻ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Ở giải U19 Quốc gia diễn ra vào tháng Tư vừa qua, thầy trò HLV Lê Đức Tuấn đã lên ngôi vô địch với một kịch bản không thể điên rồ hơn. Trong trận chung kết, U19 Hà Nội bị U19 Viettel dẫn trước 1-0 tới gần cuối trận, nhưng rồi 2 bàn thắng của Long Nhật (87’) và Văn Trường (89’) đã giúp đội nhà lội ngược dòng thắng lại 2-1.
Siêu phẩm từ khoảng cách 60m của Văn Trường không chỉ đưa U19 Hà Nội lên ngôi vô địch, mà nó còn giúp tiền vệ tấn công này lọt vào mắt xanh của HLV Gong Oh-kyun, để rồi sau đó có một hành trình đáng nhớ cùng U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á.
Mọi thứ càng ly kỳ hơn nếu ta biết được rằng, U19 Hà Nội từng đứng trước nguy cơ phải sớm rời giải từ vòng loại. Ông Nguyễn Giang Đông tiết lộ ngay trước ngày khai mạc giải, toàn bộ ban huấn luyện và cầu thủ U19 Hà Nội đều bị nhiễm Covid-19.
Tình thế đó khiến đội phải hoãn trận đầu, rồi hoãn tiếp trận thứ hai. Tới trận thứ ba, ban tổ chức cho biết không thể hoãn thêm được nữa. Nếu không thể thi đấu, U19 Hà Nội sẽ phải rời giải.
May mắn thay, việc điều trị đã mang lại hiệu quả. 14 thành viên của đội (gồm cả HLV trưởng) đã cho kết quả âm tính trước lượt trận thứ ba. "Thấy vậy tôi cũng động viên cả đội, nếu đủ điều kiện thì đội cố gắng chơi cho giải về đích. May sao dần dần các cầu thủ đều âm tính và U19 Hà Nội bắt đầu vào guồng, vượt qua vòng loại để tiến vào vòng chung kết và thắng rất giòn giã", vị Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ CLB Hà Nội nhớ lại.
"Các đội bóng của Việt Nam đã không còn "dễ ăn" như trước đây, thời điểm mà Hàn Quốc không gặp nhiều khó khăn để giành chiến thắng.
Trước đó, U23 Hàn Quốc toàn thắng khi gặp U23 Việt Nam. Còn hôm nay, đối thủ đã gây ra vô vàn khó khăn cho U23 Hàn Quốc và chứng tỏ được sự lớn mạnh của mình. U23 Việt Nam do HLV Park Hang-seo tạo dựng đã trở nên mạnh mẽ, và nay dưới tài cầm quân của HLV Gong Oh-kyun, họ càng cứng cáp hơn".
Đó là những nhận xét trên trang tin STN Sports (Hàn Quốc), sau khi đội U23 nước này để U23 Việt Nam cầm hòa 1-1 ở VCK U23 châu Á 2022. Thầy trò HLV Gong Oh-kyun đã chơi một trận đấu quả cảm, hợp lý và khoa học để khiến ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch phải nếm "trái đắng".
Cú ra chân ở phút 83 của Vũ Tiến Long không chỉ mang về 1 điểm cho đội nhà, mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ U23 Việt Nam đã chơi một trận sòng phẳng, nỗ lực đến tận những phút cuối cùng và có được thành quả xứng đáng.
"Trong bóng đá, cầu thủ thi đấu trên sân chỉ mấy chục phút thôi, nhưng quá trình để có được điều đó diễn ra trong cả chục năm trời. Cầu thủ phải nỗ lực tập luyện, vượt qua những khó khăn để có được thành quả.
Nắng mưa, giá rét tất cả cũng phải tập luyện, rồi chưa kể những khi chấn thương, bệnh tật. Tới lúc ra sân, khán giả xem thấy hay thì vỗ tay, không hay thì chửi, nhưng người ta không thấy được rằng một đứa trẻ có năng khiếu cũng cần phải được đào tạo từ khi 9-10 tuổi, rồi tới 10 năm sau mới ra sân thi đấu chuyên nghiệp được", ông Giang Đông trải lòng.
Tiến Long, Văn Tùng hay Văn Trường nằm trong số rất nhiều cầu thủ trẻ mà lò đào tạo của CLB Hà Nội đã rèn giũa ra trong những năm qua. CLB Hà Nội được thành lập vào năm 2006, bề dày lịch sử không thể so sánh với nhiều CLB tên tuổi khác, nhưng giờ đây xét về thành tích ở các giải trẻ và V.League, đội bóng này không thua kém bất kỳ đối thủ nào.
Đặt câu hỏi với Giám đốc trung tâm đào tạo trẻ của CLB về bí quyết đội thành công, chúng tôi nhận được câu trả lời:
"Công lao là của các thầy (HLV) đó chứ. Phải có những người thầy giỏi thì mới đào tạo được trò giỏi, chứ không phải công của ông Giám đốc.
Tôi mới về đây có hơn 1 năm thôi. Vai trò của ông Giám đốc là xây dựng triết lý của cấp trên, đưa xuống, giao nhiệm vụ, vận hành, quản trị cho bộ máy trơn tru. Còn để đào tạo ra được nhiều cầu thủ giỏi, đóng góp cho đội một CLB Hà Nội, cho các cấp độ ĐTQG, đó là công lao của các ông thầy giỏi".
Ông Giang Đông nói tiếp: "Với bóng đá chuyên nghiệp, gốc của các CLB phải từ đào tạo trẻ. Triết lý đấy tôi và anh Hiển thường xuyên trao đổi và trăn trở.
Tôi mới về trung tâm được hơn 1 năm thôi, nhưng từ 5-7 năm trước tôi đã từng góp ý với anh Hiển và VFF rằng hàng năm nên tổ chức cho các HLV đào tạo trẻ được đi tập huấn, học hỏi ở nước ngoài.
Đầu tiên ta phải đào tạo thầy trước, xong rồi từ đó thầy mới truyền đạt lại cho trò. Phải làm được như thế thì bóng đá Việt Nam mới phát triển một cách bền vững được, chứ không phải làm theo kiểu cầu may.
Các thầy trước khi vào trung tâm của CLB Hà Nội có bằng B, bằng C thôi, nhưng sau đó được tạo điều kiện đi học bằng A, bằng Pro. Trung tâm vận hành với triết lý muốn vô địch thì cần phải có thầy giỏi, thầy có giỏi thì mới đào tạo được trò giỏi.
Triết lý đó được truyền từ lớp này qua lớp khác. Có rất nhiều HLV thành danh đã từng làm việc ở trung tâm đào tạo trẻ CLB Hà Nội, ví dụ như Đinh Thế Nam, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Đức Thắng, Vũ Hồng Việt, Phạm Minh Đức, Trương Việt Hoàng…
Ngoài ra, trung tâm luôn luôn phải tìm tòi những giáo trình huấn luyện của các nước tiên tiến, đem về biên soạn, dịch lại để các thầy áp dụng. Đó là điều luôn cần phải làm. Kể cả có là thầy giỏi thì cũng phải luôn cập nhật sự tiến bộ của bóng đá thế giới, bắt kịp với thời đại, chứ không thể nghĩ trước đây mình giỏi thì cứ giỏi mãi được.
Nhưng sự khác biệt nằm ở con người là chính. Cần phải có thầy giỏi, chứ không phải nằm hoàn toàn ở giáo án. Anh có thể mua được giáo án của Arsenal, Bayern, Dortmund… nhưng con người vận hành giáo án đó là quan trọng nhất, chứ không phải chỉ có tiền là được. Nhưng ngược lại, trung tâm muốn có thầy giỏi làm việc thì cũng phải có tiền, người ta trình độ giỏi thì cũng phải được trả đãi ngộ cao, đảm bảo thu nhập cho họ".
Trong khi đó, HLV U19 Hà Nội - Lê Đức Tuấn lại nhắc đến một chi tiết quan trọng mà anh và cộng sự luôn hướng tới trong công tác huấn luyện:
"Tất cả các lứa trẻ ở trung tâm đều hướng tới mục tiêu được lên đội một Hà Nội, rồi sau đó cống hiến cho các đội tuyển trẻ và ĐTQG. Thực ra bọn tôi huấn luyện gián tiếp là chính. Đối với các cầu thủ trẻ, tôi để cho các bạn ấy tự đưa ra phán đoán, suy xét về chuyên môn, thậm chí là cả sinh hoạt bên ngoài.
Chúng tôi luôn hướng tới việc để cầu thủ tự đưa ra quyết định ở trên sân, còn khi họ không thể đáp ứng được thì HLV mới bắt đầu giúp cởi bỏ, gỡ dần khó khăn, góp ý cho các bạn. HLV thường đặt ra câu hỏi với hướng gợi mở để cầu thủ tự đưa ra cách xử lý. Chính vì thế, các cầu thủ ở CLB Hà Nội có sự nỗ lực, phán đoán, đưa ra quyết định rất tốt so với nơi khác.
Chúng tôi cũng không quá bao bọc cầu thủ như các trung tâm khác. Tất nhiên các thầy vẫn chăm lo, nhưng hướng tới khía cạnh để các bạn ấy tự suy nghĩ nhiều hơn, phải biết cần làm gì để tốt cho bản thân mình, nâng cao phẩm chất chuyên môn lên. Và tất nhiên, các HLV luôn ở bên để sẵn sàng hỗ trợ các con".
Trên thực tế, so với những trung tâm đào tạo trẻ danh tiếng như Viettel, PVF hay HAGL, cơ sở vật chất của CLB Hà Nội khó lòng sánh kịp. Bản thân Giám đốc Nguyễn Giang Đông cũng thừa nhận kinh phí chi cho đào tạo trẻ của CLB Hà Nội chỉ bằng một phần so với những đội bóng khác.
Bù lại, không chỉ có thầy giỏi, đội bóng Thủ đô còn đang sở hữu những lứa đàn anh đã thành danh ở ĐTQG. Và đó được xem là yếu tố quan trọng để CLB Hà Nội liên tục sản sinh ra những thế hệ kế cận nhiều triển vọng.
"Khi có các anh đã thành danh, cống hiến cho ĐTQG ở các giải đấu khu vực và châu lục, có trình độ chuyên môn rất cao thì việc được sớm lên đội một cũng là lợi thế để các cầu thủ trẻ có thể học hỏi. Đó là điều CLB Hà Nội đang có được.
Đội bóng được xây dựng dựa trên một triết lý chung, xuyên suốt từ các lứa U lên đến đội một. Vì thế khi các cầu thủ trẻ lên đội một, được các anh lớn chỉ dạy sẽ giúp ích cho họ rất nhiều. Ở đội trước có anh Văn Quyết, Thành Lương, rồi sau đến các anh Hùng Dũng, Duy Mạnh, Thành Chung… để hỗ trợ các em.
Minh chứng cho câu chuyện này chính là những trường hợp của Việt Anh, Văn Xuân, Xuân Tú, rồi gần đây nhất là Tiến Long, Văn Tùng… Đó là lứa kế cận tiếp theo của CLB Hà Nội. Họ được đẩy lên sớm để cọ sát với các anh, rồi trong vòng 2, 3 năm nữa sẽ sẵn sàng cùng các anh gánh vác trọng trách ở V.League", HLV Lê Đức Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, Giám đốc trung tâm Nguyễn Giang Đông nói: "Mục tiêu chính của CLB cũng là giúp bóng đá Việt Nam vươn tầm ra châu lục. Chính vì thế CLB Hà Nội không bao giờ gây khó khăn trong việc tập trung đội tuyển, kể cả các VĐV cũng như HLV. Chỉ cần VFF và đội tuyển thông báo là tập trung đầy đủ.
Chính điều ấy tạo động lực rất lớn cho cầu thủ. Cuộc đời cầu thủ ai chẳng muốn phấn đấu, trước tiên đạt thành tích ở các giải U, rồi được lên đội một, có cơ hội thi đấu ở V.League, rồi cống hiến cho các cấp độ ĐTQG, khát khao cống hiến để mang lại vinh quang cho tổ quốc bằng những chiến thắng.
Cách đây 5 năm, bóng đá Việt Nam thường chỉ ở top 130 - 140 thôi, nhưng giờ đã vươn lên để lọt vào top 100 thế giới. Đó là niềm tự hào của Việt Nam, và CLB Hà Nội cũng có phần đóng góp không nhỏ. Điều này thực sự khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Được lên phục vụ ĐTQG là niềm vinh dự và khát khao của cả tập thể CLB. Và đó cũng là bước đà thuận lợi cho công tác đào tạo trẻ của chúng tôi".
Trong cuộc trò chuyện với HLV Phạm Minh Đức cách đây chưa lâu, người viết từng đặt câu hỏi tại sao một HLV đã khẳng định được tên tuổi ở V.League như ông, sau khi chia tay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh lại quay về nhận công tác đào tạo trẻ tại CLB Hà Nội, thay vì tìm kiếm một đội bóng chuyên nghiệp khác để thử sức.
"Ở Việt Nam cũng đâu có mấy chỗ tốt được như đội Hà Nội, từ ông bầu yêu bóng đá, rồi điều kiện tốt. Không làm ở đây thì làm ở đâu?", HLV Phạm Minh Đức trả lời.
Nhiều năm gắn bó với trái bóng, thi đấu qua nhiều CLB, làm việc với không ít ông bầu, HLV Phạm Minh Đức hiểu rõ những gì đang diễn ra với bóng đá Việt Nam. "Và vấn đề là chưa chắc mình đã tồn tại được. Ở Việt Nam tính cục bộ rất cao. Mình cục bộ thì mình cống hiến cho CLB Hà Nội", ông Đức bày tỏ.
HLV từng đào tạo ra Văn Hậu, Thành Chung, Việt Anh… nói thêm: "Phải nói rằng bóng đá Việt Nam mà không có những người như bầu Hiển thì khó phát triển, khó bền vững. Bởi vì lúc này làm bóng đá chỉ có mất tiền thôi.
Muốn đội tuyển mạnh thì CLB phải mạnh. Mà ai là người đầu tư cho đội bóng? Bầu Đức đã phải đầu tư rất nhiều tiền mới có lứa Công Phượng, rồi bầu Hiển cũng phải thế thì mới có lứa cầu thủ bây giờ. Rồi 5 năm nữa những trung tâm phải làm tốt thì từ tuyến U đến các đội tuyển mới có người để kế thừa. Chứ nếu chỉ làm một chu kỳ rồi bỏ thì bóng đá Việt Nam sẽ lên chỉ như bong bóng thôi".
Tổ quốc