MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triết lý giáo dục được Hiệu trưởng Yale, Harvard và Stanford đồng tình: "Dạy người" khó hơn dạy kiến thức!

10-12-2023 - 20:55 PM | Sống

Câu hỏi quan trọng mà ai cũng cần trả lời: "Rốt cuộc thì bạn muốn bản thân trở thành người như thế nào?".

Chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ thay đổi cuộc sống với tốc độ chưa từng có. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng 50% công việc sẽ được thay thế bằng robot thông minh trong 15 năm tới.

Trong thời đại này, các khái niệm và mô hình giáo dục truyền thống có cần được cập nhật không?

Nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy của trường hiện tại có phải là nội dung và cách thức tốt nhất để ươm mầm tài năng cho sự phát triển của người trẻ trong tương lai?

Điều gì cần thay đổi với sự phát triển của thời đại, và những yếu tố nào không cần thay đổi?

Với những câu hỏi này, tác giả bài viết đã đến gặp mặt hiệu trưởng của các trường tinh hoa trên khắp thế giới, phỏng vấn nhiều nhà giáo dục và doanh nhân giàu kinh nghiệm trên thương trường. Thật thú vị, có một sự đồng thuận rằng không có tương lai cho một hệ thống giáo dục dựa trên tri thức và các bài kiểm tra trong một thế giới biến động.

Triết lý giáo dục được Hiệu trưởng Yale, Harvard và Stanford đồng tình:  "Dạy người" khó hơn dạy kiến thức! - Ảnh 1.

Về cơ bản, giáo dục hôm nay là cho ngày mai, và giáo dục xuất sắc nên nhìn về tương lai và thích nghi với thế giới đang dần thay đổi. Nuôi dưỡng các giá trị suốt đời và sự kiên trì bên trong mỗi học sinh nên là một mục đích khác của giáo dục. Nhưng giáo dục nhân cách thường bị bỏ qua trong thời buổi ngày nay dẫu đó chính là chìa khóa để học sinh tiến xa hơn trong cuộc sống. Các giá trị và tính cách tốt đẹp có tác động sâu sắc đến cuộc sống hơn nhiều so với điểm số học tập tốt và có lẽ, "dạy người" quan trọng và khó khăn hơn bội phần so với dạy kiến thức.

Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong 10 năm nữa, chứ đừng nói đến 30 năm sau. Những gì chúng ta có thể làm bây giờ là đào tạo thế hệ trẻ đạt được những giá trị đúng đắn. Chẳng hạn, khi phải rời xa vòng tay của cha mẹ và thầy cô, họ có thể tự mình đưa ra những lựa chọn phù hợp cho tương lai của mình, đối mặt với những khó khăn bằng một thái độ lạc quan, khiêm nhường. Đặc biệt, chúng ta phải dạy làm sao họ có thể đứng dậy sau những thất bại và vấp ngã.

Sự kết hợp giữa khoa học và nhân văn

Một nghiên cứu của edX, nền tảng giáo dục trực tuyến lớn nhất thế giới, cho thấy 29% người Mỹ trong độ tuổi 25 - 44 đã thay đổi công việc kể từ khi họ bước chân vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp đại học. Theo McKinsey, hơn 375 triệu người trên toàn thế giới có thể buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp khi những tiến bộ trong số hóa, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đã, đang và sẽ làm gián đoạn các công việc hiện có của họ. Có thể thấy, "nhảy việc" liên lĩnh vực và liên ngành đã trở thành đặc điểm chung của lực lượng lao động hiện đại. Do đó, giáo dục suốt đời được tất cả các nhà lãnh đạo công nhận là sự thay đổi lớn nhất trong giáo dục hiện nay.

John Hannes, người đã làm chủ tịch Đại học Stanford trong suốt 16 năm, chia sẻ rằng sự nghiệp của những người trẻ tuổi có thể không còn như xưa và các bạn trẻ cần học hỏi không ngừng, nắm vững kiến thức mới và kỹ năng chuyên môn bất cứ lúc nào.

Nhiều công ty và nhà tuyển dụng nói rằng có kỹ năng cứng hoặc kỹ năng mềm trải rộng trên bất kỳ lĩnh vực nào quan trọng hơn nhiều so với kết quả học tập của ứng viên hoặc kinh nghiệm làm việc có liên quan khi tham gia phỏng vấn. Một số kỹ năng bạn nên trau dồi càng sớm càng tốt: sáng tạo, khả năng ăn nói rõ ràng, tư duy phản biện, lý luận khoa học, giải quyết vấn đề và khả năng giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc, quản lý thời gian, quản lý các cá nhân trong một đội nhóm, làm việc nhóm…

Tại Stanford, chương trình giảng dạy được thiết kế xoay quanh việc cho phép đào tạo cho sinh viên khả năng tư duy và những kỹ năng mềm cần thiết. Ủy ban của trường chịu trách nhiệm thiết kế chương trình giảng dạy của từng chuyên ngành, kiểm tra chương trình giảng dạy để xác định xem nó có hiệu quả không. Ví dụ, các chuyên ngành khoa học phải chọn học thêm các môn liên quan đến sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp và sinh viên học về lĩnh vực nhân văn cũng phải tham gia các khóa học như lý luận khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học....

Nhiều đột phá khoa học và công nghệ lớn đến từ sự giao thoa của các ngành khác nhau. Hiệu trưởng Đại học Stanford - Mark Terscher-Lewin tin tưởng chắc chắn rằng xu thế của thế kỷ 21 là sự kết hợp giữa kiến thức khoa học và công nghệ với những hiểu biết sâu sắc từ nhân văn, nghệ thuật và khoa học xã hội, các công trình nghiên cứu luôn lấy con người làm trung tâm, có ý nghĩa và sự hoàn thiện tốt hơn. Học sinh cần giao tiếp, va chạm và hợp tác với mọi người từ các ngành nghề khác nhau để phát triển hơn.

Triết lý giáo dục được Hiệu trưởng Yale, Harvard và Stanford đồng tình:  "Dạy người" khó hơn dạy kiến thức! - Ảnh 2.

Sự va chạm liên kiến thức

Đa dạng là một khái niệm mà các nhà giáo dục nhắc đến rất nhiều. Trong quá trình nuôi dưỡng thế hệ trẻ, chúng ta không nhất thiết cần các em đạt điểm cao trong mọi môn học, mà chúng ta cần giúp các em tìm thấy sự độc đáo và sở thích của riêng mình, trong một lĩnh vực cụ thể. Trong tương lai, các nhà lãnh đạo trong mọi tầng lớp xã hội cần phải có những đặc điểm độc đáo mang dấu triện cá nhân, để đột phá và tiên phong hơn nữa.

Sự đa dạng cũng rất quan trọng đối với sự phát triển tính cách của trẻ. Đi hàng ngàn dặm xa tốt hơn ở nhà đọc hàng ngàn cuốn sách. Trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta cần ngày càng nhiều nguồn nhân lực có thể di chuyển tự do giữa các nền văn hóa.

Chúng ta thường nghe nhiều sinh viên phàn nàn rằng sau nhiều năm học tập chăm chỉ ở trường, "chữ thầy lại trả thầy". Lý do chính cho điều này là kiến thức học được ở trường là "kiến thức chết" chứ không phải "kiến thức sống". Nhiều sinh viên chỉ học thuộc lòng kiến thức trong sách giáo trình mà không biết cách sử dụng nó như thế nào. Nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đại học cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm vì không tìm thấy sự hứng thú giữa những gì họ học ở trường và các kỹ năng họ cần trong công việc và cuộc sống.

Nhiều nhà lãnh đạo giáo dục đã đề xuất rằng, giáo dục học đường không chỉ là giáo dục trong một tháp ngà, mà còn phải được tích hợp với nhu cầu xã hội, để học sinh có thể khám phá những vấn đề mà mọi người trong các cộng đồng khác nhau phải đối mặt trong cuộc sống thực và trả lại cho xã hội trong khi giải quyết vấn đề.

Để đạt được mục tiêu này, các trường có thể triển khai thêm các khóa học tập trải nghiệm dựa trên dự án để áp dụng kiến thức sách vở vào thực tế cuộc sống, để sinh viên không chỉ có thể ngồi thụ động trong lớp học để tiếp nhận kiến thức mà chủ động học hỏi những nguồn kiến thức sống động ngoài kia.

Khi họ hiểu được sự hữu ích của việc học và có thể áp dụng và sử dụng những gì họ đã học, kiến thức sẽ được tiếp thu một cách đầy tự nhiên, nó nằm gọn trong não mà không cần phải cố gắng ghi nhớ. Để đạt được điều này, chúng ta có thể dạy học sinh làm nghiên cứu, thu thập thông tin, tìm hiểu vấn đề, đặt câu hỏi, phân tích vấn đề, và cuối cùng là giải quyết vấn đề và rút ra kết luận.

Trong thời đại mà kiến thức rất dễ tiếp thu như hiện nay, việc ghi nhớ các công thức và cách cách làm bài máy móc không còn là trọng tâm nữa, chìa khóa cho vấn đề này là có thể sử dụng toàn diện kiến thức và kỹ năng của các ngành khác nhau đã học để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề trong thực tế. Hiện nay, ngày càng có nhiều trường tiên tiến đã mở ra nhiều khóa học có tính sáng tạo cao để sinh viên theo học.

Triết lý giáo dục được Hiệu trưởng Yale, Harvard và Stanford đồng tình:  "Dạy người" khó hơn dạy kiến thức! - Ảnh 3.

Để trẻ tự phát triển

Nhiều phụ huynh vẫn đang theo đuổi cách giáo dục con bằng cách "ép chín". Ngoài lịch học dày đặc trên lớp, họ cũng sẽ cố gắng sắp xếp rất nhiều hoạt động sau giờ học để lấp đầy thời gian của con cái mình.

Trên thực tế, cách giáo dục này sẽ gây ra hai vấn đề lớn, một là trẻ em sẽ mất không gian và thời gian để tự khám phá, và sẽ không thể khám phá sở thích thực sự của chúng. Thứ hai, trẻ có thể mất động lực và sự tò mò để học Tập. Tám mươi hoặc chín mươi phần trăm những gì chúng được ép học, rồi sẽ rơi vào quên lãng.

Từ năm 1995 đến năm 2000, Khoa Kỹ thuật Điện tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đã tiến hành một cuộc khảo sát theo dõi toàn diện và có hệ thống đối với các sinh viên từng tốt nghiệp của trường. Sau nghiên cứu, họ phát hiện ra sinh viên càng tham gia nhiều vào các khóa học chuyên nghiệp càng ít đạt được thành công sau khi bước vào xã hội. Do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, rất nhiều kiến thức trên lớp đã lỗi thời chỉ sau một vài năm. Nhiều trường hàng đầu khác cũng có kết quả nghiên cứu tương tự, vì vậy nhiều trường đang bắt đầu giảm số lượng các khóa học được giảng dạy trong trường để tăng thời gian trải nghiệm bên ngoài xã hội cho sinh viên.

William Kirby, cựu hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Harvard, chỉ ra rằng các trường đại học tốt nhất là những trường đảm bảo rằng sinh viên có cơ hội khám phá những lĩnh vực họ không biết hoặc thậm chí có thể không quan tâm và điều đó giúp sinh viên chuyển đổi ngành nghề một cách dễ dàng hơn.

Thất bại không có gì quá đáng sợ

Trong suy nghĩ của nhiều người, thất bại là một điều không nên, nhưng trong thế giới mới, thất bại lại được "bình thường hóa", đây là cách để xây dựng khả năng chịu đựng và phục hồi của một người.

Trên thực tế, việc cho học sinh tự do khám phá đồng nghĩa với việc học sinh có thể có nguy cơ thất bại, điều này khiến nhiều bậc phụ huynh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các nhà lãnh đạo giáo dục đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trải qua những thất bại  trên con đường phát triển của trẻ, và càng sớm càng tốt, để các em có thể dần thích nghi với những rủi ro ngay từ nhỏ để có thể "miễn dịch" tốt. Rèn luyện tính cách mạnh mẽ và học cách kiên trì, đây cũng là một "khóa học bắt buộc" đối với giới tinh hoa từ mọi tầng lớp xã hội.

Đối với phụ huynh, Hiệu trưởng Đại học Yale Sulpit đưa ra lời khuyên thẳng thắn:

"Nếu bạn muốn con học được sự kiên trì, nếu bạn muốn con có thể đưa ra quyết định đúng đắn trong cuộc sống, nếu bạn muốn con có thể đối phó với thất bại trong tương lai, nếu bạn muốn con đứng dậy được sau những thất bại, bạn phải học cách buông bỏ. Cha mẹ không thể kiểm soát 100% con không sử dụng thiết bị điện tử, cha mẹ sẽ không thể nhắn tin quan tâm con mỗi giờ, cha mẹ không thể xóa bỏ tất cả những trở ngại trong cuộc sống của con".

Là cha mẹ, chúng ta không cần phải cố tình tạo ra nhiều "cơ hội" cho con cái. Điều cha mẹ cần làm chỉ là buông bỏ một cách thích hợp, để con có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn, từ những việc đơn giản như làm việc nhà, dọn dẹp phòng ốc đến tự mình chịu trách nhiệm về mọi thứ mình được giao phó, cho con không gian tự giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn, có cơ hội lựa chọn con đường riêng, có cơ hội đưa ra quyết định và phải tự mình gánh chịu hậu quả, điều này cũng sẽ khiến chúng chủ động hơn trong việc theo đuổi cuộc sống mà bản thân mong muốn.

Triết lý giáo dục được Hiệu trưởng Yale, Harvard và Stanford đồng tình:  "Dạy người" khó hơn dạy kiến thức! - Ảnh 4.

Mục tiêu cuối cùng trong cuộc sống là gì?

Trong xã hội hiện đại, cuộc chạy đua vũ trang giữa những đứa trẻ bắt đầu gần như khi chúng còn trong bụng mẹ. Từ việc lo cho con vào một trường mẫu giáo tốt, rồi học lớp 1, lớp 2 đến tuổi vị thành niên, thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi. Ôn thi vất vả ngày đêm để được vào một trường đại học tốt, có công việc ổn định rồi sinh con đẻ cái…

Trên thực tế, con đường đến với giáo dục đại học chỉ bằng 1/4 và 1/5 chặng đường dài của cuộc đời. Nếu đốt cháy nhiên liệu sẵn có từ sớm, áp lực đi học, thi cử khiến trẻ mất đi nhiệt huyết học tập. Nếu như từ nhỏ đến lớn, mọi việc vì con cái đều do cha mẹ "an bài" thì khi cha mẹ dần già đi thì con cái phải làm sao?

Khi chúng ta nghĩ về việc nuôi dưỡng con cái, mục tiêu cuối cùng là gì? Thành công có nghĩa là gì? Nhiều chuyên gia giáo dục đã nhấn mạnh giá trị của "con người" và sự quan tâm đến bản thân học sinh từ nhiều góc độ khác nhau, và họ hy vọng rằng học sinh có thể thiết lập mối quan hệ tích cực suốt đời với giáo viên và bạn học ở trường, tìm thấy sở thích của riêng mình, khám phá bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình và sống một cuộc sống có ý nghĩa, điều này quan trọng hơn một công việc tốt, thu nhập tốt và địa vị xã hội trong mắt nhiều người.

Cuối cùng thì chúng ta muốn trở thành người như thế nào? Bạn muốn cuộc sống như thế nào? Sau khi suy nghĩ về những câu hỏi này một cách rõ ràng, chúng ta có thể quyết định loại thái độ nào chúng ta nên sử dụng để đối mặt với cuộc sống ngày nay. Bạn nên đặt mục tiêu dài hạn để nhìn vào những gì bạn đang làm ngày hôm nay, để có được một cái nhìn mới về cuộc sống.

Nguồn Sohu

Theo Đông

Phụ nữ mới

Trở lên trên