Triết lý kinh doanh năm 17 tuổi giúp ông chủ IKEA lôi kéo được hàng triệu người đến mua hàng mỗi năm
Trong suốt hơn 75 năm hoạt động, IKEA vẫn luôn duy trì triết lý kinh doanh được tỷ phú Ingvar Kamprad đề ra ngay từ ngày đầu thành lập.
- 17-01-2019IKEA sẽ đầu tư 450 triệu Euro vào Hà Nội, xây dựng hệ thống cung ứng hàng cho toàn thị trường Đông Nam Á
- 25-11-2018Tác động của chiến tranh thương mại đến tương lai ngành nhựa Việt: Thành nhà cung cấp cho Walmart, IKEA hay tràn ngập hàng nhựa Trung Quốc dán nhãn "made in Vietnam"?
- 22-11-2018Ikea triển khai mô hình cửa hàng nhỏ, sa thải 7.500 nhân viên
Ngày 28/1/2018, nhà sáng lập tập đoàn nội thất lớn nhất thế giới IKEA, ông Ingvar Kamprad đã ra đi trong thanh thản ở tuổi 91. Ông sinh năm 1926 tại một tỉnh ở miền nam Thụy Điển. Đến năm 1943, khi mới 17 tuổi, ông thành lập IKEA và từ đó trở đi, công ty của ông đã cách mạng hóa ngành công nghiệp trang trí nội thất trên toàn thế giới và trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực này.
Triết lý kinh doanh từ những ngày đầu thành lập IKEA của Ingvar Kamprad là "tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người và cung cấp các loại sản phẩm trang trí nội thất chất lượng với mức giá hợp lý nhất để càng nhiều người có khả năng mua được càng tốt".
Bằng cách cải thiện thiết kế, sản xuất và phân phối đồ nội thất và phụ kiện nhà ở, IKEA đã giúp hàng triệu gia đình được sống trong những căn nhà tiện lợi được trang bị thông minh, đơn giản nhưng cũng không kém phần thẩm mỹ.
Sản phẩm của IKEA đem lại cảm giác gần gũi như ở nhà.
Ban đầu, IKEA là một dịch vụ đặt hàng qua thư chuyên bán những đồ lặt vặt như thiệp Giáng Sinh, hạt giống, khung tranh, đồng hồ và bút máy… Sau đó, chính các nhà sản xuất địa phương đã thúc đẩy Kamprad tham gia vào lĩnh vực nội thất đầy tiềm năng. Vào ngày khai trương cửa hàng đầu tiên của IKEA, đã có hơn một nghìn người xếp hàng để lựa chọn và mua sản phẩm của hãng. Hiện gã khổng lồ nội thất này có hơn 400 cửa hàng tại 50 thị trường với hơn 200.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Trong những năm qua, IKEA đã cải tiến thiết kế và mô hình kinh doanh để trở nên thân thiện với môi trường, bền vững hơn và tập trung vào yếu tố con người nhiều hơn. Hãng đã thích ứng rất tốt với việc diện tích nhà cửa đang có xu hướng thu hẹp dần đòi hỏi đồ đạc phải "thông minh", tiết kiệm không gian nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.
Trái tim và khối óc thiên tài của Kamprad không chỉ thiết kế ra những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ, hợp với túi tiền mà còn tạo ra trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng.
Trước khi Jeff Bezos thay đổi thói quen mua hàng truyền thống bằng một cú nhấp chuột trên trang thương mại điện tử Amazon, Ingvad Kamprad đã biến việc đến IKEA mua sắm thành niềm vui và một cuộc phiêu lưu thú vị cho mọi người chứ không phải một nhiệm vụ đơn thuần.
Những ngày đầu thành lập IKEA của ông Ingvar Kamprad.
Để tiết kiệm chi phí, các cửa hàng đều được đặt cách xa trung tâm thành phố. Vậy nên, IKEA cần tạo ra động lực để khách hàng của mình chấp nhận bỏ thời gian và công sức để đến tận nơi tham quan.
Công ty của Kamprad là một trong những đơn vị đầu tiên trưng bày đồ nội thất trong những căn phòng mô phỏng giúp khách hàng dễ tưởng tượng và coi đó như nhà của mình. Ở IKEA còn có những quán cà phê bán kèm thịt viên Thụy Điển để thu hút khách đến cửa hàng, kéo dài thời gian tham quan và cũng là nơi để người tiêu dùng (đa số là các cặp đôi) thảo luận và quyết định mua hàng.
Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể mang đồ về nhà ngay sau khi thanh toán thay vì phải chờ giao hàng như thông thường. Việc để người mua tự lắp ráp đồ nội thất khi đem về nhà là một tính năng thú vị của IKEA giúp họ cảm thấy chúng thực sự là của riêng mình, do mình mua và tự tay hoàn thiện.
Bạn có thể tự tay lắp ráp một số đồ nội thất đơn giản của IKEA.
Triết lý kinh doanh đơn giản nhưng xuyên suốt của ông chủ IKEA chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp hãng duy trì được vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ đồ nội thất trong suốt quá trình hoạt động hơn 75 năm qua và tương lai sắp tới.
Trí Thức Trẻ/Tổng hợp