Triệu phú đô la Vương Phạm tiết lộ danh tính "trùm cuối" đứng tên mọi tài sản triệu đô của mình tại Mỹ và bài học bố dạy để dù có tiền cũng quyết chọn sự giản dị
Vương Phạm - Triệu phú đô la từng xuất hiện trong các video của Khoa Pug cùng "ông trùm" kim cương Johnny Đặng tại Mỹ.
- 28-09-2021Triệu phú Mỹ nhập hội ‘phũ với con’: Không để lại tài sản thừa kế, chỉ chu cấp đến khi con học hết đại học
- 23-09-2021Bài học của triệu phú từng không lắp điều hòa vì sợ tốn điện: Đôi khi tiêu tiền đem lại giá trị hơn việc dè sẻn từng đồng
- 18-09-2021Thu nhập gần về 0 vì đại dịch, nam tiếp viên 27 tuổi vẫn mở nhà hàng, đặt mục tiêu thành triệu phú trong vài năm tới
Nổi tiếng tại Việt Nam từ đầu năm 2021, Phạm Đình Quốc Vương (sinh năm 1991) được người Việt và cộng đồng người Việt trên khắp thế giới biết tới và ưu ái đặt biệt danh là "Triệu phú đô la" với đầy sự tự hào và thán phục.
Triệu phú Đô la Mỹ - Vương Phạm
Tên đầy đủ: Phạm Đình Quốc Vương
Sinh năm: 1991, tại Huyện Củ Chi, TP.HCM
Quốc tịch: Việt Nam, Mỹ
Nơi sống: Texas, Mỹ
Quê quán gốc: Huyện Củ Chi , TP.HCM
Hiện tại Vương Phạm đang là chủ của một doanh nghiệp nằm trong top các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ với doanh thu hàng triệu đô la mỗi năm. Công ty này có chi nhánh tại Mỹ, Việt Nam, Úc, Canada.
Lĩnh vực hoạt động: Marketing, Developer, Infrastructure,...
Rời Việt Nam sang Mỹ du học vào năm 16 tuổi, chỉ sau 5 năm Vương Phạm quyết định thành lập công ty tại xứ cờ hoa này. Anh hiện tại đang là Chief Executive Officer (Giám đốc điều hành) của hơn 3 công ty lớn nhỏ tại Mỹ. Trong đó nổi bật nhất là Fastboy Marketing - được các tổ chức thống kê doanh nghiệp ở Mỹ xếp hạng 834 trong 5.000 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ với doanh thu lên đến 10 triệu USD/năm.
Trong cuộc gọi với Vương Phạm vào thời điểm 1h sáng giờ Mỹ, Vương vẫn còn đang lái xe từ công ty về nhà, tôi ngoài được nghe câu chuyện về cách một người Việt gây dựng một đế chế ở Mỹ. Còn là từng chút nhỏ về gia đình, đời sống, quan điểm nhân sinh của Vương Phạm. Bởi đại đa số người Việt đều ấn tượng về Vương bởi phong thái thoải mái, đơn giản dù anh sở hữu khối tài sản trị giá lên tới hàng chục triệu USD. Và sẽ không còn gì hợp lý hơn khi đó sẽ là tất cả những gì mà Vương Phạm sẽ chia sẻ trong cuộc trò chuyện này.
CÁCH DẠY CON CỦA BỐ "TRIỆU PHÚ SỐNG ĐƠN GIẢN NHẤT NƯỚC MỸ": GIÀU THÌ CŨNG ĂN MỘT NGÀY 3 BỮA NGỦ TRÊN CÁI GIƯỜNG KHÔNG QUÁ 2 MÉT
Vương nghĩ sao về cái tên "Triệu phú Mỹ" mà mọi người đang dùng để gọi Vương?
*Cười* Vương không nghĩ mình là người của công chúng. Vương thích sống trong rừng và ít người tiếp xúc, lâu lâu đi gặp khách hàng, lo làm việc thôi. Có những bạn ở Việt Nam cũng lập Fanpage và các Group cho Vương nhưng Vương không theo dõi nhiều. Chủ yếu Vương đăng video clip trên YouTube để chia sẻ những gì trải nghiệm được ở Mỹ.
Gia đình nhỏ của Vương ở thời điểm hiện tại.
Vương nổi tiếng là một doanh nhân giản dị người Việt ở Mỹ, đó có phải là một nguyên tắc sống của những người muốn thành công?
Đó là di truyền từ 3 đời rồi, Vương muốn hòa nhập với mọi người chứ không muốn mình tách biệt. Xe sang, áo đẹp, nhà đẹp Vương muốn là có ngay, rất đơn giản, nhưng điều đó mình không muốn. Vương cũng không chú ý ăn mặc lắm, sao cho vừa đủ là được, lớn lên con Vương cũng vậy, tía Vương trước đó cũng vậy.
Ngày nhỏ, Vương cầm 2 cục đá đập đập vào nhau tía nói: "Hồi nữa bị dập tay đó con", mình nghe nhưng vẫn đập, một lát sau dập tay, tía nói: "Thấy chưa?". Hoặc là khi cầm dao chơi, tía nói: "Chơi dao hồi đứt tay đó con", tía biết đứt tay nhưng vẫn cho mình chơi, chơi xíu đứt tay thì tía cũng nói thế: "Thấy chưa?".
Tía dạy kiểu cho Vương trải nghiệm. Thấy cái này cái kia không được thì nói nhưng vẫn để cho mình trải nghiệm. Không phải tính Vương đặc biệt, nhưng Vương cũng không thích những người se sua. Một cái áo vài đô đôi khi còn êm hơn cái áo hiệu vào chục nghìn đô, cũng là áo thôi thì sao mình phải mặc một cái áo vài chục nghìn đô?
Cuộc sống như thế nào thì được cho là đơn giản nhất theo Vương?
Vương cùng với vợ con và tía đang sống trong một căn nhà di động nằm sát nông trại, được dựng lên từ những nguyên vật liệu rẻ nhất với tổng trị giá chỉ 65.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng). Đồ dùng trong nhà Vương đều chọn cái rẻ nhất để mua, không phải mình tự sống khổ nhưng những thứ mình mua công dụng nó chẳng khác gì một thứ đắt tiền cả.
Tiền nhiều cỡ nào đi chăng nữa thì một ngày cũng chỉ ăn 3 bữa, ngủ cái giường không quá 2 mét, có mái che trên đầu là Vương thấy đủ rồi. Chỉ cần mình thấy hạnh phúc với cuộc sống, không cần thiết phải có nhiều tiền đâu.
1 NGÀY LÀM KIẾM ĐƯỢC TIỀN BẰNG LƯƠNG THÁNG CỦA 2 ÔNG BÁC SĨ CỘNG LẠI, XÂY DỰNG “ĐẾ CHẾ" TẠI MỸ SAU KHI SUÝT ĐI TÙ… VÌ KIẾM ĐƯỢC QUÁ NHIỀU TIỀN
Hiện tại Vương đang đầu tư vào những lĩnh vực nào Vương nhỉ?
Vương làm Developer (kỹ sư phần mềm), Infrastructure (Cơ sở hạ tầng), những năm gần đây cũng có thêm bất động sản.
Chủ yếu, Vương mua đất rồi làm đường xá, cầu cống, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cung cấp nước sạch, bơm khoan giếng, đưa Điện - Nước - Internet vào làm thành khu dân cư xong Vương bán lô đất cho các công ty xây dựng xây nhà.
Tính từ thời điểm Vương sang Mỹ đến nay là được khoảng 16 năm, nhìn lại trước quãng thời gian Vương thành lập công ty, Vương đã thử sức với lĩnh vực nào?
Ngày xưa trước khi bán hàng online Vương có đi làm nhà hàng một thời gian khoảng 2 tháng - 3 tháng, cuối năm 2008 bán hàng online nó là một khái niệm mới mẻ với người Mỹ. Trong những mối quan hệ của Vương gần như Vương thấy rất hiếm người mua hàng online, người bán cũng hiếm thấy. Vương đi làm nên có dịp gặp một ông khách, ông khách này rất đặc biệt, sinh hoạt giờ giấc tự do, đi lại gần như trái ngược hoàn toàn với giờ giấc của một người bình thường ở Mỹ. Có một lần ngay lúc Vương đang làm, ông khách này thanh toán bằng thẻ Amazon, lúc đấy Vương chỉ biết Amazon là một sàn thương mại điện tử, không phổ biến như bây giờ. Thấy lạ nên Vương hỏi, ông ấy nói ông ấy kiếm tiền bằng cách bán hàng trên Amazon. Lúc đấy, Vương mới biết đến một cái giới gọi là giới bán hàng online. Bẵng đi vài tháng đến khi vừa đủ 18 tuổi, Vương mới thử mở tài khoản và bắt đầu bán hàng online trên Amazon.
Đầu tiên, người em của Vương đưa Vương bán những cái băng game Pokemon. Vương bỏ vốn 5$ bán ra với giá 36$, trong vòng 2 tuần Vương bán hết những cái băng game ấy được khoảng 5000$.
Vì không còn gì để bán, Vương nghỉ một thời gian đến khi một người chú nhờ bán 2 chai mỹ phẩm ông ấy không bán được, 2 sản phẩm đó có giá 60$, Vương bán 120$. Thấy mình có duyên với bán hàng online lại có nguồn hàng mỹ phẩm từ chú nên Vương chuyển hẳn qua bán hàng online trên Amazon.
Công việc kinh doanh diễn ra khá thuận lợi cho thấy Vương có duyên với kinh doanh đó chứ, vậy Vương bắt đầu với việc làm Developer (hạ tầng) như thế nào?
Thất bại của Vương cũng nhiều, sai nhất là khi mình nghĩ "liều ăn nhiều", Vương nhớ lúc đấy bỏ ra 5.000 - 6.000$ nhập hàng Trung Quốc. Vì thời gian vận chuyển lâu, khi hàng chuyển đến thì thị hiếu thị trường không còn, Vương không bán được hàng phải ôm hàng, cũng từng bị lừa 50.000$ - 60.000$. Vương thấy tiền ít mình mất mình đỡ phải mất tinh thần, có làm ăn thì làm nhỏ thôi. Mình nhanh nhạy thì kiểu gì mình cũng kiếm được tiền.
Một trong những sự kiện nhớ đời của Vương là năm 21 tuổi bị cảnh sát mời lên đồn và xém ở tù. Vương bị cảnh sát Mỹ ghép tội rửa tiền, với hàng loạt tội danh khác liên quan đến việc trốn thuế. Họ truy thu số tiền thuế từ số tiền mà Vương kiếm được trong 2 năm bán hàng online lên đến con số triệu đô, tài khoản ngân hàng Vương sau đó cũng bị đóng băng trong 1 năm. Vương phải thuê luật sư mất khoảng 500.000$ và sau đó thì được tuyên bố vô tội. Đó cũng là thời gian Vương tìm hiểu, nghiên cứu làm website và mở công ty và bắt đầu với Developer.
Fastboy Marketing vượt hàng triệu doanh nghiệp, đứng thứ hàng 834 trong 5.000 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ thu về khoảng 1 triệu USD/năm, có phải là một hành trình dài đặc biệt là với một người Việt?
Có một tổ chức về doanh nghiệp không biết vì sao họ liên hệ đề nghị Vương gửi submit cho họ để họ hoàn tất xếp hạng. Sau đó, làm theo hướng dẫn của họ Vương mới biết được thứ hạng doanh nghiệp của mình.
Công ty của Vương đầu tiên là ở Minnesota nơi Vương sống từ khi qua Mỹ. Sau đó Vương chuyển về Houston, nhân viên chỉ vài người nên thuê một căn chung cư làm văn phòng, sau đó số lượng nhân viên ngày một đông nên Vương chuyển văn phòng ra một căn nhà.
Những khách hàng đầu tiên, thứ hai, thứ ba rồi sau đó hàng nghìn, chục nghìn, đối tượng khách của Vương chủ yếu là các tiệm nail lớn nhỏ trong thành phố họ muốn nâng cấp dịch vụ bằng phần mềm, Vương bán phần mềm cho họ.
Vương quan tâm tới marketing, chẳng hạn như ai cũng bán 1 món hàng đó thì Vương nghĩ món hàng của mình phải có điểm gì đó đặc biệt để gây chú ý, chẳng hạn như: “Bảo đảm trả lại hàng nếu bạn không thích, Hãy mua tôi đi tôi sẽ giao liền cho bạn trong 1 giờ,...”, cách chăm sóc khách hàng đó đến nay Vương vẫn giữ. Chủ yếu mình bán cái người ta cần.
Làm ăn người ta cứ nghĩ nhiều vốn nhưng đối với Vương vốn càng ít càng dễ thành công, vốn càng nhiều càng dễ thất bại. Một trong những cái thất bại của Vương là vì Vương đổ vốn nhiều vào một việc.
Đối với Vương vốn bao nhiêu cũng được, chỉ là mình biết cách nhân số vốn đó lên thôi. Trong vòng chưa đến một tháng Vương nhân nó lên 5.000 - 6.000$, đồng tiền nhỏ thì nó nhanh. Vốn liếng càng lớn rủi ro nhiều, lúc bị mất số tiền lớn mình bị mất tinh thần.
"TRIỆU PHÚ MỸ" ĐIỀU HÀNH HƠN 200 NHÂN VIÊN Ở VIỆT NAM VƯỢT QUA MÙA MÙA DỊCH, VẪN NẰM TRONG TOP NHỮNG CÔNG TY PHÁT TRIỂN NHANH NHẤT NƯỚC MỸ
Tính tới thời điểm hiện tại, Công ty Fastboy Marketing đã có nhiều chi nhánh trải rộng khắp nước Mỹ, Úc, Canada, riêng ở Việt Nam có đến 200 nhân viên, Vương đã điều hành các chi nhánh để đồng bộ với trụ sở chính như thế nào?
Ban đầu, em rể của Vương đưa đề xuất viết phần mềm quản lý công việc, đánh giá nhân viên. Một ngày nhân viên phải hoàn thành những gì, khách hàng đánh giá như thế nào. Nhiệm vụ của các bạn ấy là khách phải dùng phần mềm đó. Phần mềm cho phép giám sát chất lượng chăm sóc khách hàng của nhân viên, có thể ghi âm cuộc gọi, lưu thành tích nhân viên.
Mất khoảng 5 - 6 năm mọi thứ mới có thể được ổn định. Sau khi ổn định nhân viên, Vương mở rộng quy mô. Mỗi ngày phần mềm sẽ báo về cho Vương nếu khách hàng có phản ánh, Vương sẽ hỏi xem những vấn đề xảy ra như thế nào từ các leader. Các leader có nhiệm vụ giám sát nhân viên của mình và báo lại cho Vương.
Công ty của người Việt ở Mỹ và một người điều hành nhân viên từ Mỹ trong thời điểm dịch bệnh diễn biến hết sức căng thẳng ở cả 2 nước Việt Nam và Mỹ, có nhiều khác biệt về nền văn hoá, bất cập do dịch bệnh, giờ giấc... Vương chia sẻ về điều này như thế nào?
Ở Việt Nam, mọi người đang thực hiện phương án sản xuất 3 tại chỗ, một nửa ở văn phòng, một nửa ở nhà. Công suất còn khoảng 70%, chính vì vậy mà năm nay công ty rớt xuống thứ hạng 1 nghìn mấy thay vì vài trăm như trước đó.
Các bạn nhân viên làm ở nhà thì rất tội nghiệp, nhiều bạn hiện đang ở trọ, mạng thì chập chờn, đôi lúc họp xung quanh rất ồn.
Còn ở Mỹ, nhà băng có chính sách cho các doanh nghiệp "mượn nợ" để phát triển sau khi khủng hoảng do dịch. Mỹ hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa, công ty của Vương cũng nằm trong top những công ty uy tín được nhà băng cho "mượn nợ" số tiền có thể lên đến triệu đô. Nếu cần mình vẫn có thể rút để làm thêm cái này, cái khác.
Cũng có trợ lý hỗ trợ các công việc lớn nhỏ, mỗi ngày cũng có hẹn vài cuộc hẹn, đi thăm công trình, ra trang trại. Vương quản lý thời gian lung tung lắm không giống như những người khác. Việc về nhà trễ hơn 12h khuya là việc bình thường, đôi khi vì giờ giấc trái với ở Việt Nam nhưng rồi cũng quen.
LẦN ĐẦU TIẾT LỘ: "TRÙM CUỐI" CHÍNH LÀ VỢ, TẤT CẢ TÀI SẢN ĐỀU ĐỂ VỢ ĐỨNG TÊN, MUA MÓN NHỎ NHẤT CŨNG CẦN XIN VỢ
Một ngày của Vương thường ưu tiên điều gì nhất? Vì sao?
Điều ưu tiên nhất thì chắc là "lời vợ", vợ kêu gì là phải làm liền *cười*. Ngoài ra thì con cái cũng là điều mà Vương ưu tiên.
Không thể cãi được, vậy thì công việc nhà giữa anh và vợ được chia nhau như thế nào? Ai là người quyết định những việc quan trọng?
Thường thì Vương chia mình đi làm kiếm tiền còn vợ ở nhà lo cơm nước, con cái, những điều nho nhỏ trong nhà thì vợ lo. Đặc biệt, Vương chỉ ăn đồ ăn vợ nấu, trước giờ chứ ít ra ngoài ăn.
Những bữa ăn tại nhà sum họp gia đình luôn có ý nghĩa lớn đối với vợ chồng của Vương Phạm.
Những vấn đề lớn như chọn trường cho con thì cùng nhau bàn bạc. Tất cả những gì trong nhà mình thì đều là vợ đứng tên. Vợ có hỏi vì sao Vương không đứng tên nhưng Vương nghĩ với Vương những cái đấy không quan trọng, Vương biết tính vợ nên để vợ đứng tên hết cho vợ khỏi lo. Lâu lâu Vương hay nói: "Bà thấy không tôi đi làm kiếm tiền chứ bà giữ hết mà". Vương muốn mua gì thì đều phải xin.
Nếu được nói về vợ, thì Vương sẽ nói như thế nào?
Bà xã Vương mặc đồ đơn giản lắm, bạn bè cổ thường mặc đồ hiệu, cổ thì mua đồ ở Mỹ rẻ hơn mua ở Việt Nam. Về Việt Nam Vương dẫn đi mua đồ cái áo mấy trăm nghìn là cổ vui lắm rồi. Tính vợ mình quen lối sống đơn giản đó rồi.
Cảm ơn Vương, chúc Vương nhiều sức khoẻ!
Trí thức trẻ