Triệu phú tự thân Mỹ: Khi người khác còn đang học, hãy làm ngay 5 điều đơn giản để khi tốt nghiệp, họ cuống cuồng tìm việc còn bạn đã thành công!
Học "chui", tham gia vào các câu lạc bộ và tích cực kiếm tiền là 3 điều trong số đó.
Bài viết là chia sẻ của nữ CEO Kara Goldin:
Say khi tốt nghiệp đại học năm 1989, tôi chuyển đến New York và tìm được công việc đầu tiên trong lĩnh vực xuất bản. Không giống hầu hết bạn bè đồng trang lứa, những người tốt nghiệp từ các trường danh giá như Harvard, Dartmouth và Yale, tôi không theo học tại trường thuộc Ivy League (nhóm 8 trường đại học xuất chúng nhất nước Mỹ).
Mặc dù vậy, tôi vẫn có thể phát triển mạnh trong sự nghiệp của mình. Thời điểm hiện tại, tôi là CEO của Hint Water, công ty nước giải khát trị giá hàng triệu USD mà tôi thành lập năm 2005.
Có thể nói, tôi thành công vì đã làm việc như "điên", đặc biệt là trong lúc học đại học. Ý tôi không phải là các bạn sinh viên không nên tận hưởng những năm tháng đáng nhớ trên ghế nhà trường nhưng tôi tin rằng ưu tiên hàng đầu vẫn là tập trung vào việc xác định mình muốn làm nghề gì và bắt đầu thực hiện kế hoạch ngay lập tức.
Dưới đây là 5 điều tôi đã làm ở trường đại học để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình:
1. Học các môn ngoài chuyên ngành
Hãy học thêm môn ngoài chuyên ngành khi học đại học.
Hầu hết các sinh viên đều chọn chuyên ngành học trước khi nhập học. Dù vậy, tôi cho rằng sẽ rất khôn ngoan nếu bạn tham gia các khóa học hay lớp học không liên quan đến chuyên ngành đã chọn. Việc này đã dạy tôi cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau cũng như phát triển một số kỹ năng hữu ích cho sau này.
Trong quá trình đó, bạn có thể khám phá ra niềm đam mê mà trước đó bạn chưa từng nghĩ tới và nó hoàn toàn có thể dẫn bạn đến một con đường sự nghiệp mới. Điều đó hoàn toàn bình thường: Nghiên cứu cho thấy 1/3 sinh viên đại học đã thay đổi chuyên ngành khi chưa tốt nghiệp.
Ngay cả khi xác định chắc chắn rằng mình sẽ làm bác sỹ, tham gia các lớp hay khóa học không thuộc ngành y có khả năng sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng về việc trở thành bác sỹ chuyên khoa nào. Bạn có thể học ‘chui’ một vài buổi ở trường đại học để xem mình có hứng thú và phù hợp không rồi hãy đăng ký chính thức.
2. Tham gia vào các câu lạc bộ và hội nhóm
Trên thực tế, có nhiều cách để bạn "xem trước" sự nghiệp tương lai của mình. Khi còn đi học, bạn vẫn có thể tham gia vào nhóm tình nguyện ở trường hay một tổ chức nào đó. Nếu muốn trở thành nhà báo, hãy cân nhắc đến việc xin thực tập tại tạp chí hay đài truyền hình địa phương. Ngoài việc có thêm đáng kể kinh nghiệm và trải nghiệm, các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp hồ sơ xin việc của bạn nổi bật hơn so với các ứng viên khác.
3. Kiếm và tiết kiệm tiền
Hãy kiếm và tiết kiệm tiền từ khi còn đi học.
Theo một khảo sát gần đây từ Pew Research, 65% người thuộc thế hệ Millennials cho biết họ hối tiếc vì không đi làm thêm khi còn học đại học.
Cho dù công việc đó là pha cà phê hay sắp xếp tài liệu tại một công ty luật, làm việc bán thời gian hay thực tập có lương có thể dạy cho bạn nhiều kỹ năng giao tiếp vô giá. Bạn sẽ làm việc với mọi người thuộc mọi lứa tuổi, xử lý những tình huống mà bạn không được dạy ở trường cũng như hiểu được giá trị của đồng tiền. Khi nhận lương, đừng phạm sai lầm khi chi tiêu hết. Hãy hình thành thói quen tiết kiệm, để nếu có sự cố xảy ra, bạn vẫn có thể xoay sở bằng số tiền đó.
Có một thực tế phũ phàng là nhiều công việc thực tập cao cấp trông có vẻ khá tuyệt vời nhưng lại không trả lương hoặc trả lương khá bèo bọt. Ví dụ như công việc đầu tiên của tôi, tuy là một tạp chí lớn nhưng lương lại không đáng bao nhiêu.
4. Luôn cập nhật tin tức mới nhất trong ngành
Hiểu biết về các sự kiện hiện tại ảnh hưởng đến ngành nghề bạn chọn là rất quan trọng để giúp bạn tìm thấy thành công trong sự nghiệp tương lai. Ngoài ra, nó còn giúp bạn trở nên nổi bật trong khi phỏng vấn xin việc.
Lời khuyên của tôi là dành khoảng thời gian nhất định mỗi tuần để đọc tin tức quan trọng trong giới tài chính, chính trị, nghệ thuật, truyền thông… hay bất cứ lĩnh vực nào bạn chọn để làm việc. Xây dựng hiểu biết chuyên môn cũng quan trọng không kém xây dựng một chiếc CV đẹp.
5. Kết nối với cựu sinh viên
Cựu sinh viên của hầu hết các trường đại học đều rất thích gặp gỡ sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc vẫn còn đang học. Họ muốn hiểu hơn về cách ngôi trường và mọi thứ thay đổi từ khi tốt nghiệp.
Nhưng điểm tốt nhất của việc gặp gỡ cựu sinh viên là họ sẵn sàng tư vấn nghề nghiệp và thậm chí là trao cho bạn cơ hội làm việc. Vì vậy, đừng ngại liên lạc hay tiếp xúc với cựu sinh viên để tìm lời khuyên hoặc định hướng nghề nghiệp.
Đừng ngại kết nối với cựu sinh viên của trường bạn.
Tạm kết
Có thể không phải ai thực hiện 5 điều trên (như tôi từng làm) đều sẽ thành công rực rỡ trong sự nghiệp nhưng tin tôi đi, dù chưa thành công thì bạn cũng thành nhân. Bạn sẽ trở thành người tốt hơn và có lợi thế hơn hẳn những cô cậu sinh viên khác chỉ biết mỗi việc học trong cuộc đua nghề nghiệp sau này!
Trí thức trẻ