MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương lập hãng hàng không Vinpearl Air

30-12-2019 - 13:42 PM | Thị trường

Dự kiến hãng hàng không Vinpearl Air sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay chở khách trong tháng 7-2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng vừa có báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Vinpearl Air trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương lập hãng hàng không Vinpearl Air - Ảnh 1.

Hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực hàng không đảm bảo cho nhu cầu hình thành, hoạt động và phát triển một hãng hàng không của Vinpearl Air

Quy mô dự án dự kiến năm 2020 hãng khai thác 6 máy bay loại tầm ngắn/trung thân hẹp 150-220 ghế. Trung bình mỗi năm, Vinpearl Air sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay, và đến năm 2024 đạt 30 máy bay. Trong đó có máy bay thân hẹp 150-220 ghế (A320-200 Neo và A321-200 Neo hoặc B737-NG). Từ năm 2022 sẽ bổ sung máy bay thân rộng 280-350 ghế (B787-9 và A350-900).

Tổng vốn đầu tư dự án 4.700 tỉ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.300 tỉ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư. Vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỉ đồng, chiếm 72,34%. Dự án không có nhu cầu sử dụng đất.

Dự kiến hãng hàng không Vinpearl Air sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay chở khách trong tháng 7-2020.

Theo hồ sơ dự án, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air có trụ sở chính tại khu Almaz Market, khu Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội. Địa điểm thực hiện dự án: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Theo hồ sơ dự án, dự kiến khi bắt đầu hoạt động, Vinpearl Air sẽ đồng thời thuê khô (thuê không có tổ lái) và thuê ướt (thuê có tổ lái) máy bay nhằm giải quyết bài toán ngắn hạn. Từ năm 2022, Vinpearl Air sẽ đa dạng hóa các nguồn cung máy bay và phương thức sử hữu như: Thuê mua, mua thuê lại cũng như thuê ướt bổ sung mùa vụ.

Vinpearl dự kiến sử dụng sân bay Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ máy bay qua đêm trong năm đầu khai thác (2020) tại Nội Bài (2 máy bay), Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn (mỗi sân bay 1 máy bay).

Theo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về dự án, quy mô đội máy bay như đề xuất của Vinpearl Air là phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cho năm 2020 (đến năm 2020, toàn bộ hệ thống cảng hàng không có 401 vị trí đỗ máy bay). Tuy nhiên, với giai đoạn sau năm 2020, đề nghị nhà đầu tư lưu ý việc sân bay Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới trong khi sân bay Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ máy bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 để có phương án bố trí đội máy bay qua đêm tại các sân bay khác cho phù hợp.

Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT giám sát việc phát triển đội máy bay phải phù hợp quy hoạch, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, việc bố trí các nguồn lực của nhà đầu tư, phát huy năng lực khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không, Vinpearl Air sẽ tiếp tục phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không tới Cục Hàng không Việt Nam.

Sau khi Cục Hàng không Việt Nam thẩm định, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đáp ứng các điều kiện về vốn; phương án đảm bảo có máy bay khai thác tổ chức bộ máy; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Nghị định 89/2019, Bộ GTVT sẽ là cơ quan ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Sau đó, Vinpearl Air cần có thêm chứng chỉ nhà khai thác máy bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ thì mới chính thức cất cánh.

Theo D.Ngọc

Người lao động

Trở lên trên