MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, liệu Trung Quốc có thực sự trở nên giàu có?

18-12-2018 - 08:25 AM | Tài chính quốc tế

Hiện tại, để tránh được cái bẫy thu nhập trung bình, có lẽ ông Tập cần nhiều hơn là một chính sách cải cách như ông Đặng Tiểu Bình hồi năm 1978.

Fred Hu sẽ không bao giờ quên ánh mắt chứa đựng đầy nỗi kinh hoàng của thầy giáo khoa học của mình khi ông bị đưa đến nhà tù trong cuộc Cách mạng Văn hoá Mao Trạch Đông. Sau đó, đứa trẻ 12 tuổi phải lén lút nhìn vào lớp học, giấc mơ thoát nghèo và trở thành một nhà báo hoặc giáo viên dường như trở nên vô vọng.

Hai năm sau đó, những hy vọng của Hu được khơi dậy khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tái khởi động kỳ thi tuyển sinh đại học vào cuối năm 1977, cho phép tất cả sinh viên được tham gia.

"Lần đầu tiên, chúng tôi được nhìn thấy một con đường rõ ràng hay trước mắt", Hu cho biết, sau đó ông tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa và Havard, làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đứng đầu Goldman Sachs tại Trung Quốc. "Một kỷ nguyên mới đã đến", nhà sáng lập Primavera Capital, quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.

Trong những năm sau đó, Hu và hàng trăm triệu người khác đã rời khỏi các vùng nông thôn và thành lập các hoạt động kinh doanh ở thành phố hoặc đi làm tại các nhà máy của Trung Quốc, đưa đất nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính sách cải cách của ông Đặng Tiểu Bình đã giúp hơn 700 triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, liệu Trung Quốc có thực sự trở nên giàu có? - Ảnh 1.

Đóng góp của các ngành nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ vào GDP

Nhưng những thay đổi này cũng là "mầm mống" cho rất nhiều vấn đề mà Trung Quốc ngày nay đang phải đối mặt. Trong hai thập kỷ tăng trưởng bắt đầu từ năm 1993, quốc gia luôn ở trong tình trạng ô nhiễm, bầu trời bị sương mù của khói bụi phủ kín cùng một "núi" nợ. Trong thời gian đó, Trung Quốc hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế toàn cầu, một xu hướng được đẩy mạnh sau khi nước này gia nhập WTO năm 2001.

Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2013, nhiều người hy vọng rằng ông sẽ đưa ra những chính sách cải cách như ông Đặng Tiểu Bình. Nhưng trong khi ông Đặng muốn đưa Trung Quốc trở nên giàu có bằng những cải cách dựa trên thị trường trong nước, thì ông Tập lại nỗ lực đưa đất nước trở thành một siêu cường chính trị và công nghệ. Thêm vào đó là cuộc chiến thương mại với Mỹ diễn ra vào đúng thời điểm quan trọng, khi Trung Quốc đang cố gắng tránh cái bẫy thu nhập trung bình.

Kể từ năm 1960, chỉ có 5 nền kinh tế ở Đông Á có thể thoát khỏi cái bẫy này, đó là Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Để "tham gia" vào nhóm 5 quốc gia trên, ông Tập phải giám sát sự chuyển đổi trong thị trường Trung Quốc, tạo ra nhiều cạnh tranh trong dịch vụ tài chính, nâng cấp công nghệ và thắt chặt quản trị doanh nghiệp, đồng thời giải quyết cuộc chiến thương mại với Mỹ.  Những thách thức của ông Tập đó là lực lượng lao động già, khoản nợ doanh nghiệp khổng lồ và tình trạng ô nhiễm nặng nề.

"Không có nền kinh tế lớn không dân chủ nào vượt qua được cái bẫy thu nhập trung bình, vì vậy Trung Quốc cũng không là ngoại lệ kể cả nếu chiến tranh thương mại không diễn ra", ông Steve Tsang, Giám đốc viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, cho biết.

Việc Trung Quốc có thực hiện được việc này hay không sẽ phụ thuộc vào "di sản" của những người di cư và doanh nhân đã tận dụng chính sách mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình và thành lập công ty tư nhân, chinh phục được nhiều ngành công nghiệp. Hiện nay, khu vực tư nhân của Trung Quốc tạo ra 60% sản lượng quốc gia, 70% trong đổi mới công nghệ và 90% cơ hội việc làm, theo Liu He, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập.

Thách thức đến từ chiến tranh thương mại và các chính sách thắt chặt

Rất nhiều công ty đang phải hứng chịu gánh nặng của các chiến dịch của ông Tập trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế và giải quyết tình trạng ô nhiễm. Việc Trung Quốc xoá bỏ hệ thống tín dụng đen đã thắt chặt một nguồn tài trợ chính trong những năm bùng nổ, trong khi đó hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ đã phải đóng cửa vì không có môi trường hoạt động. Chính việc này đã khiến các nhà hoạch địch chính sách phải thúc đẩy các ngân hàng cho các công ty ngoài quốc doanh vay nhiều hơn, một chiến dịch hỗ trợ khu vực tư nhân của ông Tập.

Không có nơi nào đạt được thành công và tạo ra nhiều thách thức như ở Thâm Quyến, trong 4 thập kỷ, từ một làng chài cho đến trung tâm của các nhà máy xuất khẩu cho đến một trung tâm công nghệ đầy tiềm năng như ngày nay.

Trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, liệu Trung Quốc có thực sự trở nên giàu có? - Ảnh 2.

Thành phố Thâm Quyến

Andy Yu, một người gốc Vũ Hán (miền trung Trung Quốc), là một ví dụ điển hình của những người đã giúp thành phố nhập cư này thay đổi nhiều đến vậy. Anh đến Thâm Quyến năm 2003 để làm việc tại một công ty công nghệ và thành lập nhà máy sản xuất điện thoại di động của riêng mình, đó là Shenzhen Garlant Technology Development.

"Một số người nói rằng Trung Quốc chỉ có thể tạo ra những thứ vô dụng rẻ tiền, nhưng đó không phải sự thật", Yu nói. "Trung Quốc có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng tuyệt vời và đó là lý do tại sao Apple có nhà máy ở đây. Trung Quốc có tỷ lệ giá so với chất lượng tốt hơn ở bất kỳ nơi đâu."

Yu tin rằng chất lượng cao cùng giá thành thấp sẽ giúp công ty anh có thể tránh được một phần của thuế quan Trump. Khoảng 1/5 doanh thu hàng năm của công ty anh đến từ Mỹ và sẽ phải chịu mức thuế 10% lên 25% trong năm tới. Yu cho biết công ty có thể chuyển chi phí gia tăng cho khách hàng vì các đối thủ phương Tây bán sản phẩm với giá cao hơn rất nhiều và các nhà sản xuất ở Đông Nam Á và Mỹ Latin lại tụt hậu rất xa về công nghệ.

Trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, liệu Trung Quốc có thực sự trở nên giàu có? - Ảnh 3.

Thay đổi trong tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu của các nước

Để đạt được mục tiêu của kế hoạch "Made in China 2025", Trung Quốc sẽ phải làm nhiều việc hơn là sản xuất điện thoại và máy tính xách tay cao cấp. Tuy nhiên, mô hình kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ, với những hạn chế về vấn đề cho vay, có thể sẽ khiến những hoạt động đổi mới bị đình trệ.

"Năm nay, kỷ nguyên vàng đối với các start-up đã kết thúc", Wang Gaonan, một trong những nhà đầu tư thế hệ mới góp phần thay đổi nền kinh tế Trung Quốc, nói. "Việc tìm kiếm các nhà đầu tư là gần như không thể. Con đường bằng phẳng đã không còn. Nếu tôi tốt nghiệp vào năm 2015 thay vì 2012, thì mọi thứ đã quá muộn."

Wang sở hữu Capstone Games, công ty tạo ra các trò chơi đứng thứ 3 và 4 trong bảng xếp hạng các trò chơi bóng đá của cửa hàng ứng dụng Apple.  Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với việc phát hành trò chơi, do những lo ngại về vấn đề nghiện game của trẻ em, cùng với tốc độ tăng trưởng chậm chạp đã khiến Capstone có kế hoạch ra mắt một ứng dụng tại Mỹ vào tháng 3 tới.

Dân số già cùng trình độ giáo dục kém

Ông Tập cũng kiểm soát các hoạt động khác, từ những bài đăng trực tuyến cho đến các doanh nghiệp tư nhân phát triển sau chính sách của ông Đặng Tiểu Bình, khẳng định sự kiểm soát của đảng đối với các hoạt động kinh doanh, các công ty nhà nước và ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước thông qua quy định.

Michael Spence, kinh tế gia đoạt giải Nobel, cho biết, tác động của sự kiểm soát đó đối với nền kinh tế chỉ xuất hiện sau một thời gian. Ông nói: "Nếu đi quá xa có thể sẽ tạo cản trở cho sự đổi mới."

Nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 6,5% trong quý III, đây là tốc độ chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Nhưng nếu Trung Quốc có thể giữ vững tỷ lệ trên 5% vào những năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người sẽ được thu hẹp với các quốc gia phát triển.

Tuy vậy, mức thu nhập trung bình chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Trở lại thị trấn nhỏ, vùng nông thôn thuộc tỉnh Hồ Nam, nơi Fred Hu chứng kiến cảnh người thầy của mình bị bắt cách đây hơn nửa thế kỷ. Có thể thấy, sự bất bình đẳng đến từ sự bùng nổ của Trung Quốc là rất rõ ràng.

Tại đây, các tiêu chuẩn giáo dục tụt hậu khá xa so với các thành phố, Pan Yuezhong, một giáo viên cấp hai, cho hay. Khoảng 80% học sinh là những đứa trẻ "bị tụt hậu" (left-behind kid). Những em nhỏ này sống xa bố mẹ bởi họ rời quê hương đi tìm những công việc có mức lương cao, thường là ở những khu công nghiệp ở bờ đông, và được ông bà, họ hàng hoặc bạn bè của bố mẹ chăm sóc.

"Trung Quốc thất bại trong việc đầu tư vào tải sản quan trọng nhất, đó là người dân", kinh tế gia Scott Rozelle tại Đại học Stanford, cho hay. "Đây là một trong những nước có trình độ giáo dục thấp nhất thế giới."

Theo cuộc điều tra dân số năm 2015, chỉ có 30% lao động của Trung Quốc học xong trung học. Điều này đã đặt Trung Quốc đứng đằng sau tất cả các nước có thu nhập trung bình khác, gồm Mexico, Nam Phi, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù việc này không ngăn cản Trung Quốc trở thành một cường quốc trong lĩnh vực sản xuất nhưng đó cũng chính là những cản trở khi tham vọng trở thành một nền kinh tế tiên tiến hơn và dựa trên tri thức.

Ở các thành phố của Trung Quốc, đã có hơn 8 triệu sinh viên tốt nghiệp trong năm nay. Nhưng vấn đề nằm chính ở những vùng "bị bỏ rơi" của Trung Quốc, theo Rozelle. Lao động nông thôn chỉ bằng 1/4 so với những người ở thành thị với trình độ học vấn cao. Thế nhưng, khu vực nông thôn lại chiếm 64% dân số Trung Quốc và 2/3 trẻ em cả nước.

Trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, liệu Trung Quốc có thực sự trở nên giàu có? - Ảnh 4.

Số lượng lao động của hai độ tuổi: 15 đến 64 tuổi và trên 65 tuổi

Tệ hơn nữa, đó là 1 trên 5 người ở Miluo, một thành phố cấp quận của Xintang (tỉnh Hồ Nam), đang ở độ tuổi hơn 60. Đây là một xu hướng nhân khẩu học "bao trùm" cả nước và sẽ là một gánh nặng ngày càng lớn đối với nền kinh tế về chi phí chăm sóc và y tế.

Ông Hu nói: "Trung Quốc đang đi đúng hướng, nhưng mọi người đều muốn biết liệu chính phủ sẽ đẩy nhanh quá trình cải cách mà ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng cách đây 40 năm hay làm chậm lại, hoặc quay đầu. Việc thiếu đi sự cải cách có thể cản trở Trung Quốc trong việc nhận ra tiềm năng kinh tế của mình."

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên