Trở thành người có tầm ảnh hưởng, biết 5 cách để “cất tiếng làm điếng thế gian” mà ai cũng nên học một lần
Người giao tiếp kém thì nói bao nhiêu cũng như nước đổ trên bàn, lan man không có giá trị mà không biết cách để lại tầm ảnh hưởng thực sự của mình.
- 23-07-2019Sắp chết khát mà đánh đổ 1/2 ly nước, bạn sẽ là người nhìn vào nửa dưới hay nửa trên? Câu trả lời sẽ quyết định ai sở hữu 1 nhân tố quan trọng để làm người THÀNH ĐẠT
- 21-07-2019Ngựa hiền bị người cưỡi, người hiền thì bị bắt nạt, muốn chiến thắng đôi khi phải học cách tàn nhẫn như sói
- 14-07-2019Tiền tiết kiệm nằm trong ngân hàng chính là con số đánh giá chúng ta là ai: Không có tiền thì đừng hòng có quyền lựa chọn!
Tại sao có những người mang lại tầm ảnh hưởng rất lớn qua từng câu nói của mình, nhưng có những người nói mãi mà chẳng ai nghe? Chúng ta phải hiểu rằng, suy nghĩ của con người giống như một dòng nước, khi đổ nước lên mặt bàn thì chỗ nào thuận nước chảy đến đó, đổ bao nhiêu chảy bấy nhiêu. Do đó, muốn có tầm ảnh hưởng, nhất định phải tập trung mọi suy nghĩ vào một điểm duy nhất, đào một cái hố thì tất cả nước đổ ra mới tự động tập trung vào thẳng trọng tâm ta mong muốn.
Một số người bẩm sinh có được năng khiếu giao tiếp giỏi giang, nhưng có những người thì cần không ngừng quan sát, học hỏi và lắng nghe để dần cải thiện kỹ năng của mình. Muốn quá trình ấy được trở nên thuận lợi, chúng ta phải học được năm điều sau đây.
1. Học cách lắng nghe
So với 1 người nói luôn mồm luôn miệng, chúng ta sẽ thích giao tiếp với kiểu người biết lắng nghe nhiều hơn. Ở đây, lắng nghe không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn im lặng để cho đối phương độc thoại mà nó là một kỹ năng yêu cầu sự tinh tế. Chúng ta không chỉ dùng tai để nghe mà còn dùng cả tấm lòng để cảm thụ tâm lý và diễn biến tư duy của đối phương.
Có như vậy, hai bên mới có thể đồng cảm và hiểu rõ những điều đối phương muốn bộc lộ, từ đó đưa ra sự phản hồi mà họ mong muốn được nghe nhất.
2. Phân biệt rõ đâu là hài hước, đâu là vô duyên
Rất nhiều người cho rằng, lấy khuyết điểm của một người ra để cười nhạo nói xấu sẽ đem lại những tràng cười vui, khiến bản thân trở nên hài hước hơn trong mắt mọi người. Tuy nhiên, sự thực lại hoàn toàn ngược lại so với những gì mà chúng ta mong đợi. Có thể mọi người vẫn tươi cười trước mắt, nhưng bên trong lòng, họ sẽ cảm thấy bạn là người vô duyên và bất lịch sử.
Sự hài hước vui vẻ thật sự chỉ đến từ nét duyên dáng trong giao tiếp và ứng xử của mỗi cá nhân chứ không phải dựa vào những lời cợt nhả vô duyên sau lưng người khác. Không phân biệt được hai khái niệm này, chúng ta sẽ ngày càng mất điểm, để lại ấn tượng xấu cho người xung quanh.
3. Không ngắt lời khi người khác đang nói
Thông thường, trong một cuộc tụ họp bạn bè với nhau, rất nhiều người có thói quen cắt ngang lời người khác để chen vào "nói hộ". Đây là hành vi cực kỳ không tôn trọng trong quy luật ứng xử, khiến cho đối phương cảm thấy mất hứng, tụt cảm xúc vì bị đánh gãy dòng chảy tư duy và câu chuyện của mình.
Người bị ngắt lời sẽ dễ mất bình tĩnh, bực bội, muốn tăng nhanh tốc độ phát biểu của mình, dẫn đến tình trạng cả hai cùng tranh nhau nói chứ không ai chịu lắng nghe ai. Đây là một thói quen vô thức khiến chúng ta dễ dàng đánh mất sự lịch sự cũng như tinh thần tôn trọng dành cho người trong cuộc đối thoại đó.
4. Học cách thấu hiểu người khác
Cho dù đối mặt với bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống hay công việc, chúng ta phải đặt bản thân vào tình cảnh của đối phương, hiểu rõ trạng thái cảm xúc và quá trình tâm lý của tình huống đó trước khi đưa ra luận điểm hoặc nhận xét. Như vậy, hiệu quả giao tiếp mới gia tăng một cách đáng kể.
Ví dụ như, nếu có 1 đồng nghiệp kể cho bạn một số rắc rối trong công việc của anh ta, thay vì lắng nghe cho hết, bạn lại đột nhiên "lên mặt" giảng giải kỹ năng cho họ. Vào thời điểm đó, cho dù họ chấp nhận lòng tốt của bạn thì nhu cầu giao tiếp cũng đã giảm đi đáng kể, bởi mục đích chính của cuộc giao tiếp nằm ở việc tâm sự để giải tỏa, chứ không phải tìm kiếm giải pháp.
Chính vì thế, nên nhớ rằng, trong giao tiếp thì lắng nghe là xây dựng nền tảng, còn suy ngẫm là quá trình thấu hiểu đối phương.
5. Học cách diễn đạt chính xác
Một người giao tiếp giỏi không nhất định là người có khả năng nói chuyện tốt nhất, mà chính là người có thể bộc lộ quan điểm và suy nghĩ của mình chính xác nhất. Ví dụ như, khi bạn muốn từ chối không cho một người quen vay tiền, nhưng uyển chuyển lý do một lúc, đối phương lại hiểu lầm rằng bạn đồng ý cho mượn. Kết quả là, bạn buộc phải nói thẳng lời từ chối khiến mối quan hệ của hai bên trở nên khó xử hơn. Đây chính là hậu quả của năng lực biểu đạt không chính xác.
Kĩ thuật giao tiếp không chỉ thông qua từng lời nói, cử chỉ mà còn cần cả thái độ khi nói chuyện của mỗi cá nhân. Mỗi một yêu cầu trên đều cần chúng ta phải dốc lòng luyện tập, không ngừng học hỏi để có cơ hội cải thiện kỹ năng của mình, từ đó đạt được sự chuyên nghiệp trong từng lời nói và xây dựng tầm ảnh hưởng cũng như vị thế của bản thân trong cộng đồng chung.