Trở thành tỷ phú đô la nhờ khởi nghiệp bán đá bào: Người đàn ông kể chuyện làm giàu từ đồng bạc lẻ, khẳng định nghề nghiệp bị coi là thấp kém vẫn có thể mang đến thành tựu rực rỡ!
Sau một phần tư thế kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ, hai anh em họ Zang đã kiếm được khối tài sản khổng lồ từ những sản phẩm kem, trà sữa có giá chỉ 1 USD…
- 15-02-2024Tỷ phú ‘chơi ngông’ Elon Musk chưa nguôi giấc mơ Hành tinh Đỏ, lên kế hoạch đưa 1 triệu người ra ngoài vũ trụ lập khu định cư
- 14-02-2024Nước Mỹ vừa có tỷ phú chất bán dẫn: Coi chip như đam mê, là ‘nữ tướng’ dìu dắt AMD từ thuở 3 USD/cổ phiếu giờ lên 177 USD/cổ phiếu, khách hàng là NASA, Meta, Microsoft
- 12-02-2024Một quốc gia ‘ra đường gặp tỷ phú’, bình quân mỗi người sở hữu 17 tỷ đồng: Tất cả đều nhờ hệ thống lý tưởng từ tài chính đến chính trị
Khi mới 21 tuổi, Zhang Hongchao đã vay tiền bà ngoại để mở một quầy hàng nhỏ bán đá bào ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc. Cửa hàng đầu tiên đó không đạt được thành công như mong đợi, nhưng hai năm sau, Zhang không nản lòng mà thử lại với quầy đá bào thứ hai, lần này có tên là Mixue Bingchen, có nghĩa là "cung điện tuyết ngọt ngào".
Để cạnh tranh với các đối thủ, Zhang Hongchao đã đẩy giá sản phẩm xuống thấp cực điểm và áp dụng chiến lược lợi nhuận nhỏ, chú trọng số lượng bán để doanh thu vẫn "tích tiểu thành đại". Theo thời gian, công việc kinh doanh ngày càng ổn định và khởi sắc khi Zhang Hongchao mở rộng thực đơn, chuyển hẳn sang kem tươi, sau đó là trà sữa, nước chanh, trà hoa quả với giá cực rẻ.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Zhang Hongchao là cựu sinh viên Cao đẳng Kinh tế và Tài chính Hà Nam (nay là Đại học Kinh tế và Luật Hà Nam). Năm 1997, khi làm việc bán thời gian tại một quán đồ uống, Hongchao nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy làm đá thủ công của riêng mình và mở một cửa hàng bán đá bào, món ăn rất phổ biến ở vùng Thương Khâu, Hà Nam. Chàng thanh niên 21 tuổi khi đó vay 3.000 nhân dân tệ (10 triệu đồng) từ bà ngoại để mở một cửa hàng nhỏ ở Trịnh Châu, lấy tên là tên gọi là Coldsnap Shaved Ice.
Theo truyền thông địa phương Trung Quốc, thời gian đầu Hongchao gặp nhiều khó khăn khi bán đá bào vào mùa đông, phải bán thêm cả quýt để cải thiện thu nhập nhưng cuối cùng vẫn phải đóng cửa.
Năm 1999, anh quyết tâm làm lại với cửa hàng bán đá bào thứ hai mang tên Mixue Bingchen. Theo thời gian, công việc kinh doanh dần phát triển và Hongchao bắt đầu mở rộng sang các mặt hàng kem, trà sữa, nước chanh, cà phê... với giá rất rẻ. Chính sự cải tiến này đã giúp thương hiệu Mixue dần được đón nhận nhiều hơn, nhất là ở giới trẻ bởi giá thành cho các sản phẩm đa dạng này đều rất bình dân.
Em trai của anh, Hongfu, hiện là Giám đốc điều hành của Mixue, đã gia nhập công ty vào năm 2007 để chuẩn hóa hoạt động và quản lý. Zhang Hongchao nắm giữ vị trí chủ tịch của Mixue.
Sự tham gia của thành viên mới đã hỗ trợ Mixue mở rộng và phát triển được như ngày hôm nay, tạo thành một hệ thống nhượng quyền được biết đến trên khắp thế giới.
Ngày nay, 99,8% trong số 36.000 cửa hàng của Mixue được điều hành bởi 16.000 bên nhận quyền, khiến nó trở thành một trong những nhà khai thác nhượng quyền thương mại lớn nhất thế giới. Để so sánh, Mixue có số lượng địa điểm gấp đôi Dunkin' Donuts và gần gấp đôi Burger Kings.
Mixue nắm giữ 84 bằng sáng chế ở Trung Quốc, vận hành các nhà máy riêng và bán mọi thứ từ thiết bị nhà bếp cho đến nguyên liệu bao gồm xi-rô, sữa, trà, cà phê và trái cây cho những đơn vị được nhượng quyền của mình.
Mixue đã nộp đơn xin IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Hong Kong hồi trước. Hiện anh em Zhang Hongchao và Zhang Hongfu mỗi người nắm giữ 42,8% cổ phần công ty. Theo Forbes, doanh thu của Mixue trong 9 tháng đầu năm 2023 là khoảng 2,2 - 2,9 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt khoảng 338 triệu USD. Giá trị tài sản ròng của anh em Zhang ước tính lên tới 1,2 tỷ USD.
Các mặt hàng của Mixue hiện có giá từ 3 xu (khoảng giá một lon Coca ở Trung Quốc) đến 1 USD, rẻ hơn rất nhiều so với mức trung bình 3,8 USD của Nayuki, một chuỗi cửa hàng trà sữa nổi tiếng khác tại Trung Quốc. Mixue cho biết họ có thể giữ giá ở mức thấp vì chuỗi cung ứng trọn gói của họ bao gồm mọi thứ, từ thu mua và sản xuất linh kiện đến hậu cần, nghiên cứu, phát triển cũng như kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, gần như toàn bộ doanh thu và lợi nhuận của công ty đến từ việc bán vật tư như thiết bị nhà bếp và thực phẩm cho các bên nhượng quyền.
Món kem tạo nên thương hiệu của Mixue
Một câu chuyện thú vị trên con đường thành công của hai anh em Hongchao đó chính là sáng tạo ra món kem tươi mang đậm chất thương hiệu Mixue.
Vào năm 2006, một loại kem khi ấy xuất hiện trên thị trường, dù có giá hơn 10 tệ (35 ngàn đồng) nhưng nhiều người vẫn bỏ tiền ra mua. Hongchao nghĩ: Kem đắt thế mà người ta vẫn mua, sao mình không làm một loại kem vừa ngon vừa rẻ?
Ngay lập tức, Hongchao mua đủ các loại kem về và lần lượt nghiên cứu chúng. Để học cách làm vỏ ốc quế, anh thậm chí đi học lớp làm món trứng cuộn từ một bậc thầy suốt 1 tháng. Để tạo ra công thức kem ưng ý, anh đã phải dành mấy tháng trời chỉ ngồi trong phòng nghiên cứu. Để phân biệt mùi vị, Hongchao uống 3 lít đồ uống mỗi ngày.
Sau nhiều cố gắng không ngừng, ông chủ Mixue cuối cùng cũng tìm ra được bí kíp làm kem của mình. Điều đáng kinh ngạc nhất là anh có thể kiểm soát chi phí sản xuất một que kem chỉ trong vòng 2 nhân dân tệ (khoảng 7 ngàn đồng). Cái giá 2 tệ khiến nhiều người sẵn sàng thử một lần, dù sao cũng chẳng có gì để mất. Sau khi thử, hương vị vượt xa sự mong đợi khiến món kem này trở nên nổi tiếng. Với chất lượng cao và giá thành thấp, kem Mixue bán chạy như tôm tươi, thậm chí cung còn vượt cầu.
Sau khi Hongchao mở được hơn 20 chi nhánh tiệm kem Mixue, anh không giới hạn bản thân mà vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Tự bản thân ông chủ Mixue đã cần mẫn nghiên cứu ra công thức của hàng loạt nước uống mà chúng ta quen thuộc, từ nước chanh cho đến trà sữa. Với lợi thế giá rẻ mà chất lượng vẫn ngon, Mixue cứ thế "phình to" ra nhanh chóng một cách tất yếu. Bất chấp việc không ít nhãn hàng khác muốn bắt chước, Mixue vẫn đứng vững vì khó có thương hiệu đồ uống nào có thể giảm chi phí thấp như Mixue.
Theo Forbes
Đời sống & pháp luật