MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc có 1 người là hậu duệ hoàng đế, nắm trong tay "kim bài miễn tử": Là ai?

05-04-2024 - 06:37 AM | Sống

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, người này rất giỏi làm nội ứng, giúp Tống Giang toàn thắng trở về.

Trong Thủy Hử, Thi Nại Am tạo nên 108 anh hùng Lương Sơn Bạc thông qua 108 câu chuyện về cuộc đời khác nhau của các hảo hán từ trước khi tụ nghĩa đến khi cùng thủ lĩnh Tống Giang bình Phương Lạp toàn thắng trở về.

"Bến Nước" dành hẳn 70 hồi để khắc họa từng người với từng câu chuyện về xuất thân, hoàn cảnh, ý chí, sức mạnh khác nhau. Mỗi người một vẻ. Không ai giống ai.

Trong số 108 hảo hán Lương Sơn Bạc, duy chỉ có một người xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc. Vì nhiều lý do khác nhau mà từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý, tụ nghĩa cùng các anh hùng, đồng lòng đấu tranh chống lại cường quyền, áp bức.

Người đó chính là "Tiểu Toàn Phong" Sài Tiến - Sở hữu thứ hạng rất cao, xếp thứ 10 trong 108 anh hùng.

Sài Tiến: Xuất thân danh gia vọng tộc

Thị Nại Am "tạc" Sài Tiến thế này: Gương mặt vuông vức, mắt sáng như mắt Phượng, chân mày cong như chân mày Rồng. Cốt cách phú quý. Tính tình hào sảng, phóng khoáng. Toàn thân toát nên vẻ quyền quý. Đúng là dòng dõi hoàng tộc chính hiệu.

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, có 1 người là hậu duệ hoàng đế, nắm trong tay

Chân dung Sài Tiến. Nguồn: Baidu

Quả vậy, Sài Tiến xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc, được xem là đệ nhất phú gia ở Thương Châu (Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay). Người này là hậu duệ của Hoàng đế Hậu Chu – Chu Thế Tông Sài Vinh.

Chu Thế Tông (921 – 959) là vị hoàng đế có thật trong lịch sử Trung Quốc. Ông là hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Chu. Nhờ tài thao lược trị quốc nghiêm khắc nhưng công bằng, giúp đất nước vững mạnh, dân chúng ấm no, ông được các sử gia hiện đại đánh giá là đệ nhất minh quân thời Ngũ Đại Thập Quốc.

"Hổ phụ sinh hổ tử". Sài Tiến được sinh ra trong gia đình dòng dõi hoàng tộc nên người này từ lâu đã chuộng nghĩa, thích kết giao với các anh hùng hảo hán trong thiên hạ, sẵn lòng giúp đỡ kẻ yếu.

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, có 1 người là hậu duệ hoàng đế, nắm trong tay

Ảnh minh họa: 163

Tại sơn trang rộng lớn của mình, Sài Tiến không ít lần dang rộng vòng tay giúp đỡ Lâm Xung, Võ Tòng, Tống Giang trú ẩn khi gặp nạn. Chính tính tình phóng khoáng của Sài Tiến đã tạo nên mối lương duyên tốt đẹp của người này với Lương Sơn Bạc về sau.

Một điều đặc biệt của gia tộc Sài Tiến đó là việc gia tộc họ Sài nắm trong tay "bảo bối" Đan Thư Thiết Khoán, một dạng kim bài miễn tử. Có trong tay bảo bối này, gia tộc họ Sài như được Hoàng đế nhà Tống bảo hộ tối thượng. Tội nặng đến mấy cũng không phải chết. Thậm chí, Thiên Tử các đời sau cũng không thể đụng đến.

Trở lại thời nhà Hậu Chu. Năm 959, Chu Thế Tông Sài Vinh băng hà. Nhà Tống ra đời. Sau khi lên ngôi, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn đã ban cho gia tộc họ Sài bảo vật Đan Thư Thiết Khoán.

Trong lịch sử Trung Hoa, Đan Thư là vật được hoàng đế ban cho vị trọng thần có cống hiến nhiều nhất, hoặc có công đức lớn. Đan Thư Khiết Đan là một tờ giấy viền lụa nhuộm màu vàng óng, đường vân rồng thêu chìm tỉ mỉ. Cả tờ giấy tinh khiết không một chữ ngoài dấu ấn đỏ được đóng từ ngọc tỷ của Hoàng đế. Quý giá vô cùng.


Nhờ Đan Thư Khiết Đan, Sài Tiến nhiều phen cứu các anh hùng Lương Sơn thoát khỏi sự truy sát của quan binh.


Khi Ân Thiên Tích (họ hàng với Cao Cầu) gây rối cho Sài Tiến, các hảo hán Lương Sơn nghe tin lập tức xuống núi ứng cứu huynh đệ tốt. Sau sự việc đó, Sài Tiến gia nhập nghĩa quân. 

Sài Tiến: Một trong 27 anh hùng Lương Sơn sống sót trở về

Sau khi tụ nghĩa Lương Sơn Bạc, Sài Tiến đảm nhận vị trí Đầu lĩnh, tổng quản kho lương, tiền bạc cho nghĩa quân. Không những thế, người này còn cùng thủ lĩnh Tống Giang chinh Nam, phạt Bắc, lập được nhiều chiến công lớn.

Thi Nại Am mô tả Sài Tiến dẫu biết cách dùng thương khi chiến đấu, nhưng thế mạnh của người này là tài ăn nói thu phục lòng người.

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, có 1 người là hậu duệ hoàng đế, nắm trong tay

Ảnh minh họa: 163

Bởi vậy, trong lần cùng Tống Giang và nhiều chiến tướng khác lên đường bình Phương Lạp, Sài Tiến đổi tên họ, trà trộn vào quân của Phương Lạp và thành công trong việc làm nội ứng cho nghĩa quân.

Tài nội ứng của Sài Tiến đỉnh cao đến mức khiến Phương Lạp rất coi trọng, còn phong cho làm lãnh chúa và gả con gái của Phương Lạp cho.

Để củng cố lòng tin của Phương Lạp với bản thân hơn nữa, Sài Tiến ra trận giao chiến với một vài chiến tướng Lương Sơn và đánh bại được tất cả. Thực tế, các chiến tướng đều giả vờ bị thương và thoái lui.

Đỉnh điểm của việc lộ diện là khi Sài Tiến cầm đao chém Phương Kiệt (cháu Phương Lạp) ngã ngựa, mở đường cho các huynh đệ Lương Sơn ồ ạt tấn công cứ điểm của Phương Lạp.

Nhờ công nội ứng của Sài Tiến mà Tống Giang cùng nghĩa quân Lương Sơn chiến thắng trở về. Nghĩa quân khi đi hơn 100 người, khi trở về chỉ còn 27.

Về sau, Sài Tiến vờ cáo bệnh, xin về quê Thương Châu ở ẩn và sống cuộc đời nhàn nhã cho đến khi qua đời.

Tham khảo: Baidu, 163

Theo Trang Ly

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên