MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong 30 ngân hàng và 250 loại thẻ khác nhau, tìm thẻ tín dụng không tính phí thường niên liệu có dễ?

13-04-2023 - 09:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong 30 ngân hàng và 250 loại thẻ khác nhau, tìm thẻ tín dụng không tính phí thường niên liệu có dễ?

Nhiều người vẫn chưa tiếp cận vì ngại phí thường niên cao. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy hàng loạt ngân hàng đang không ngần ngại miễn loại phí này cho khách hàng.

Phí thường niên thẻ tín dụng là khoản phí mà hàng năm các chủ thẻ phải trả cho ngân hàng (kể cả khi không phát sinh giao dịch) để đảm bảo duy trì thẻ và những tính năng của thẻ. Đây cũng thường là khoản phí lớn nhất người dùng phải trả khi sử dụng thẻ. Mặc dù thẻ tín dụng có nhiều công dụng, song chi phí định kỳ này đã và đang làm không ít người đắn đo trong việc quyết định sử dụng thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại 30 ngân hàng, với 250 loại thẻ tín dụng khác nhau, có khoảng 85% thẻ tín dụng trên thị trường có phí thường niên dưới 1 triệu đồng. Nhiều nhà băng cũng sẵn sàng áp dụng các chương trình miễn phí thường niên cho khách hàng.

Trong đó, VietCapitalBank, Kienlongbank, LienVietPostBank đang miễn phí thường niên cho toàn bộ các loại thẻ do các ngân hàng này phát hành.

Tại VietCapitalBank các loại thẻ tín dụng, các dòng thẻ tín dụng gồm Visa (Classic, Platinum) ; JCB (Standard, Gold, Platinum, 7-eleven, Link); Napas Standard đều được miễn phí thường niên.

Với KienlongBank, toàn bộ các loại thẻ tín dụng đều sẽ được miễn phí thường niên trong năm đầu tiên. Từ năm thứ hai trở đi, phí thường niên đối với dòng thẻ Visa: hạng Classic mức phí sẽ là 250 nghìn đồng; Gold (400 nghìn đồng); Platinum (700 nghìn đồng). Còn với dòng thẻ JCB, hạng classic sẽ có phí thường niên là 99 nghìn đồng; hạng Gold và Platinum lần lượt là 199 và 399 nghìn đồng. Tuy nhiên, các khoản phí này sẽ được miễn nếu khách hàng có tổng giao dịch năm trước đáp ứng đủ điều kiện mà ngân hàng đề ra.

LienVietPostBank cũng áp dụng chính sách miễn phí thường niên năm đầu. Từ năm thứ 2 trở đi, các loại thẻ tín dụng quốc tế sẽ được áp dụng mức phí 199.000đ/năm đối với hạng Standard; 390.000đ đối với hạng gold và Platinum là 990.000đ/năm.

Tại ACB, ngân hàng này sẵn sàng giảm 100% phí thường niên năm đầu tiên (~20 triệu đồng), cho thẻ tín dụng Visa Infinite. Đây cũng là mức phí lớn nhất được miễn giảm trên thị trường hiện nay.

Nhiều nhà băng cũng miễn phí thường niên đối với một số loại thẻ tín dụng riêng biệt, hoặc nếu người dùng là khách VIP, cán bộ công nhân viên ngân hàng, sử dụng thêm một số sản phẩm dịch vụ và đáp ứng một số yêu cầu khác của ngân hàng.

Như Techcombank, khách hàng hạng Private (thượng khách) và Priority (ưu tiên)  sẽ được miễn phí thường niên đối với tất cả các loại thẻ tín dụng trừ thẻ Visa Infinite; Khách hàng hạng Inspire cũng được hưởng đãi ngộ như trên, song loại trừ thêm thẻ tín dụng Visa Signature.

Hay tại OCB cũng miễn toàn bộ phí thường niên của tất cả thẻ tín dụng cho cán bộ công nhân viên. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng áp dụng miễn phí thường niên đối với khách hàng ưu tiên sử dụng các loại thẻ tín dụng như Mastercard Platinum, Mastercard Priority Banking, JCB Platinum. Một số loại thẻ khác như Natural, Doctor MasterCard Platinum, IGen MasterCard Platinum được miễn phí thường niên năm đầu.

HDBank thì miễn phí thường niên năm đầu cho thẻ Petrolimex 4in1, Visa Gold, Napas Flex. Ngoài ra ngân hàng còn có chương trình khoản phí định kỳ hàng năm này cho các doanh nghiệp xăng dầu.

VPBank cũng miễn phí thường niên cho khách VIP. Theo đó, khách hàng cao cấp sử dụng các loại thẻ Diamond World, Diamond World Lady, Priority Platinum/ VNA - Priority Platinum đều sẽ được miễn loại phí kể trên.

Với các ngân hàng thuộc big 4, nhóm này có phổ phí thường niên của các loại thẻ tín dụng thấp nhất là Agribank.  Cụ thể, mức phí cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 500.000đ/năm và thấp nhất là 10.000đ/năm. Tại BIDV, loại phí kể trên đang dao động trong khoảng 100 nghìn cho đến 30 triệu đồng/tháng. Vietcombank (100 nghìn đồng - 3 triệu đồng/năm tùy loại thẻ); VietinBank (125 nghìn - 6 triệu đồng/năm).

Theo báo cáo ngân hàng bán lẻ năm 2022 của Cimigo - công ty có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhu cầu đối với các hàng hóa dịch vụ từ phía nhà băng trong năm nay đã tăng lên đáng kể.

Cụ thể, qua khảo sát trên 1.560 người dùng ngân hàng, 100% người cho biết đã có tài khoản thanh toán và tiếp tục có dự định sử dụng trong năm 2023. Có 73% đáp viên được hỏi cho biết, đang sử dụng các sản phẩm dịch vụ thuần ngân hàng (sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng, các khoản vay tiêu dùng/kinh doanh, đầu tư chứng khoán, vay mua nhà, mua xe) và số có dự định dùng các dịch vụ này trong năm nay là 78%.

Trong đó, sản phẩm được nhiều ứng viên trả lời có dự định sử dụng nhiều nhất là sổ tiết kiệm (27% người đồng ý). Ở vị trí thứ hai là thẻ tín dụng (23%). Vị trí thứ 3 là các khoản vay kinh doanh (11%).

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lượng người sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ tiếp tục tăng lên. Tính đến cuối quý IV/2022, tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành 112,69 triệu thẻ, tăng 6,04% so với cuối năm 2021 ; lượng thẻ quốc tế đang lưu hành 32,49 triệu thẻ, tăng 28,5%.

Theo Văn Tuệ

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên