Điểm danh các loại thẻ tín dụng của các ngân hàng có lãi suất thấp nhất hiện nay
Hiện nay các ngân hàng đang áp dụng rất nhiều ưu đãi và quà tặng cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Mức lãi suất nhìn chung đang khoản 0-3,3%/tháng, phí thường niên dao động trong khoảng 300 nghìn cho đến 4 triệu đồng/năm, tùy loại thẻ.
- 22-11-2022Người dùng thẻ tín dụng chú ý: Lãi suất bắt đầu tăng mạnh
- 28-09-2022Đi đầu trong lĩnh vực thanh toán số, Sacombank hướng đến phục vụ hàng triệu chủ thẻ tín dụng
- 03-09-2022Vay từ thẻ tín dụng: Không khéo dính nợ xấu
Trong đó, mức lãi suất thấp nhất hiện là 0%. Đây là lãi suất được VIB áp dụng cho các giao dịch mua sắm bằng thẻ VIB Zero Interest Rate. Khách hàng chỉ phải đóng phí thường niên 699.000 đồng/năm. Với loại thẻ này, người dùng có thể được cấp hạn mức lên đến 600 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn có một số loại thẻ khác mức lãi suất dao động trong khoảng 2,5-2,83%/tháng, đi kèm với đó còn là nhiều ưu đãi, dịch vụ khác.
Tại VPBank mức lãi suất thẻ tín dụng hiện đang dao động trong khoảng 2,75%-3,99%/tháng. Trong đó, mức lãi suất thấp nhất thuộc về thẻ California Centuryon Signature (2,75%/tháng; ~33%năm). Các ưu đãi của sản phẩm này chủ yếu tập trung ở lĩnh vực rèn luyện sức khỏe và một số hoạt động ăn uống, du lịch.
Về phí, thẻ không thu phí phát hành, thanh lý/tất toán thẻ, sao kê hàng tháng. Chủ thẻ chỉ phải đóng phí thường niên là 1,5 triệu đồng/năm. Nếu phát sinh tình huống trả chậm, phí tối đa là 1 triệu đồng.
Với Sacombank, mức lãi suất thấp nhất đối với thẻ tín dụng hiện là 1%/tháng và cao nhất là 2,77%/tháng. Loại thẻ có khung lãi suất thấp nhất (1-2,6%/tháng) là 2 loại thẻ dành cho doanh nghiệp Visa Business Gold và Visa Corporate Platinum. Với thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân, nhìn chung nhà băng này đang áp dụng khung lãi suất (1,25%-2,77%/tháng).
Mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất tại TPBank hiện thuộc về thẻ tín dụng quốc tế TPBank World Mastercard và TPBank Visa hạng Signature (2,35%/tháng). Đi kèm với hai loại thẻ này còn là các ưu đãi và hoàn tiền từ 0,5-10% khi thực hiện giao dịch.
Tại OCB, ngân hàng hiện có 10 loại thẻ tín dụng bao gồm thẻ OCB Natural (nội địa) và các thẻ quốc tế thuộc họ OCB Mastercard như Lifestyle, Platinum, Doctor, iGEN, Priority Banking, Bamboo Airways, Installment; hay nhóm JCB như JCB vàng/Platinum. Trong đó, thẻ có mức lãi suất thấp nhất là OCB Mastercard Priority Banking dành cho các khách hàng ưu tiên (30%/năm). Thẻ miễn phí phát hành, phí thường niên cũng như một số phí giao dịch tại ATM. Để trở thành khách hàng ưu tiên khách hàng chỉ cần đáp ứng một trong các điều kiện như số dư tiền gửi trên tài khoản tiết kiệm từ 1 tỷ trở lên; giá trị các khoản vay từ 2-3 tỷ; số dư bình quân trên tài khoản thanh toán từ 50 triệu trở lên…Các thẻ còn lại đều áp dụng mức lãi suất 33%/năm, phí thường niên dao động từ 0 đến 1,49 triệu đồng/năm tùy loại thẻ.
Tại một số ngân hàng nước ngoài như Citibank, lãi suất các loại thẻ Citi PremierMiles, Citi Cashback, Citi Rewards, Lazada Citi Bạch Kim, Citi Simplicity+ đều đang được niêm yết ở mức 33%/năm. Mức phí thường niên của các loại thẻ này dao động từ 400.000 nghìn đồng cho đến 2.700.000 đồng, tùy loại thẻ.
22%/năm là mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất tại ShinhanBank. Mức lãi suất này được áp dụng cho các loại thẻ Platinum, E-Card, Gold. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang có một số loại thẻ khác với mức lãi suất dao động từ 26%-31,8%/năm.
Dịp Tết nguyên đán đang đến gần, các ngân hàng đang tung ra rất nhiều ưu đãi cho khách hàng tiêu dùng qua thẻ tín dụng. Như tại VietinBank, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng thẻ quốc tế chi tiêu dịp Tết bên cạnh được hoàn tiền còn có cơ hội được quay số trúng thưởng với giải nhất là 1 lượng vàng SJC; hoặc chủ thẻ VPBank MasterCard cũng đang được giảm 500.000 VNĐ khi mua sắm đồ điện máy tại Nguyễn Kim hoặc Điện máy Chợ Lớn; OCB cũng đang ưu đãi đặt vé xem phim 2 vé chỉ 99.000đ cho tất cả chủ thẻ quốc tế từ nay đến 12/02/2023
Khách hàng giờ đây đang tìm kiếm nhiều giá trị hơn từ việc tiêu dùng của mình. Theo đó, người tiêu dùng không chỉ mong nhận được nhiều ưu đãi hơn từ người bán mà còn cả từ các đơn vị trung gian thanh toán như ngân hàng và các định chế tài chính. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không còn muốn phải mang quá nhiều tiền mặt vừa cồng kềnh và lại dễ bị mất cắp.
Trong bối cảnh đó, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ tín dụng hay ngân hàng điện tử đã là một lựa chọn khả dĩ nhất.
Việc thanh toán qua các kênh này không chỉ mang lại cho khách hàng nhiều ưu đãi hơn từ các chương trình hoàn tiền, quà tặng mà còn là sự tiện lợi và an toàn từ các biện pháp bảo mật tiên tiến.
Theo các chuyên gia, nhờ vào sự phát triển của công nghệ và các nhu cầu về ưu đãi, tiện lợi cũng như an toàn của khách hàng, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán qua thẻ tín dụng nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhịp sống thị trường