Trồng bắp lấy thân, hướng đi mới cho nông dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Trồng bắp lấy thân là mô hình canh tác mới mang lại hiệu quả cao cho nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu do không phụ thuộc vào thời tiết, ít chăm sóc, thời gian thu hoạch từ 90-95 ngày và hạn chế được sâu bệnh.
Hướng đi mới cho nông dân
Gia đình ông Nguyễn Đình Hoan (ở thôn 5, xã Bình Trung, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) có hơn 20 năm trồng bắp lấy hạt. Với hơn 3 sào đất, một năm ông trồng được 1 vụ bắp, thu hoạch khoảng 6 tấn trái, sau khi trừ các chi phí, ông lãi khoảng 18 triệu đồng.
Tháng 5/2020, sau khi Hội Nông dân huyện khuyến khích trồng giống bắp lấy thân 7328 có thể canh tác từ 2-3 vụ trong 1 năm, lợi nhuận vì thế cao hơn rất nhiều so với giống bắp lấy hạt. Để thử nghiệm, ông Hoan đầu tư 6 triệu đồng canh tác 3 sào đất với giống bắp 7328. Hiện rẫy bắp của gia đình ông Hoan chuẩn bị thu hoạch, ước sản lượng khoảng 50 tấn cả thân và trái. Theo cách tính của ông Hoan, nếu doanh nghiệp thu mua giá 650 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí ông lãi khoảng 26 triệu đồng.
“Trước đây, mình trồng giống bắp khác thì năng suất cũng cao nhưng phải lo lắng thời tiết, nên nay mình chuyển sang giống bắp lấy thân, nếu giá cả này thì vẫn khá hơn, với lại mức lao động vẫn đỡ hơn vì công ty thu hoạch cho mình, mình không phải mất công thu hoạch”, ông Nguyễn Đình Hoan chia sẻ.
Còn ông Trần Anh Tuấn, thôn 4, xã Bình Trung, huyện Châu Đức cho biết, vụ đông xuân tới đây, 7 sào đất của gia đình đang canh tác tiêu sẽ chuyển sang canh tác bắp xuất sang Hàn Quốc. Hiện ông Tuấn đang cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới gần 10 triệu đồng chuẩn bị xuống 16kg giống cho 7 sào đất.
Theo ông Tuấn, so với canh tác giống bắp thường thì trồng bắp lấy thân ít chi phí, thời gian thu hoạch ngắn, thu nhập lại cao gấp nhiều lần. Hiện ông Tuấn chưa ký hợp đồng với doanh nghiệp nào vì đầu ra rất ổn định.
“Nói chung bắp nuôi bò sữa mà để khô mới thu hoạch thì coi như thất thu. Bắp này tự tôi làm vậy chứ chưa ký hợp đồng với ai, canh tác hoa màu rất cực, trồng bắp thì khỏe, đến ngày có người thu hoạch. Bây giờ, không sợ không có đầu ra vì người mua xuất khẩu nhiều”, ông Tuấn chia sẻ.
Cẩn trọng “cung vượt cầu”
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Đức cho biết, hiện các diện tích bắp trên địa bàn đã đến kỳ thu hoạch, bình quân mỗi ha bắp giống 7328 cho sản lượng tính luôn thân từ 45-50 tấn, nông dân sẽ thu lợi nhuận gần 30 triệu đồng, cao hơn 10-12 triệu đồng so với các giống bắp lấy hạt. Theo ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, người dân nên chọn những vùng đất có nguồn nước tưới, thời tiết thuận lợi để hạn chế sâu bệnh.
“Cây bắp trên địa bàn không tập trung nên không thuận lợi cho việc thu hoạch, không tập trung thì chi phí thu hoạch tăng lên, thứ hai là thu hoạch trễ, cây bắp sẽ giảm trọng lượng. Hiện nay, một số thửa đất trồng bắp không liền kề, chúng tôi định hướng cho các xã rà soát lại các diện tích liền kề có khả năng phát triển cây bắp thì sẽ kết hợp thực hiện canh tác”, ông Đỗ Chí Khởi cho hay.
Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, từ tháng 5/2020, Hội đã vận động nông dân trồng giống bắp 7328 trên diện tích khoảng 40ha với khoảng hơn 40 hộ dân ở các xã: Bình Giã, Bình Trung và Sơn Bình. Do lợi nhuận cao, nên thời gian tới sẽ có nhiều hộ dân chuyển sang trồng đại trà bắp lấy thân. Bởi vậy, ông Động khuyến cáo, cần phải có quy hoạch để tránh tình trạng “cung vượt cầu”.
“Để tiếp tục vận động nông dân trồng bắp lấy thân một cách khoa học hơn thì Hội nông dân, Chính quyền địa phương hết sức mạnh dạn quy hoạch vùng. Vùng nào nên quy hoạch trồng bắp lấy thân, ở vụ nào? Ví dụ: vụ Đông Xuân thì canh tác trên các cánh đồng lúa 1 vụ, hay các cánh đồng Bình Trung, Bình Giả và ở những diện tích có thể sử dụng thì vận động nông dân thực hiện”, ông Thân Xuân Động nêu ý kiến.
Mô hình trồng bắp lấy thân đang mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung. Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, phá vỡ quy hoạch diện tích cây trồng tại huyện Châu Đức. Để vừa đảm bảo thu nhập cho người dân vừa ổn định diện tích cây trồng đã quy hoạch, huyện Châu Đức cần mạnh dạn quy hoạch vùng chuyên canh cây bắp, hướng người dân sản xuất theo thời vụ, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng… thay thế dần những cây trồng kém hiệu quả.
VOV