“Trong đại dịch, người dân lại càng có tâm lý sốt sắng có được chốn an cư hơn”
Đó là khẳng định của ông David Jackson – Tổng giám đốc Colliers Việt Nam khi chia sẻ về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 với thị trường BĐS.
Hiện nay do ảnh hưởng của dịch, gần như thị trường BĐS "ngủ đông", không có hoạt động mua - bán diễn ra. Lo ngại thị trường BĐS sẽ rơi vào trạng thái trầm lắng lâu dài. Ở góc độ chuyên gia, ông David Jackson cho rằng, đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19 đã gây ra các khó khăn chưa từng thấy và khoảng 80-90% doanh nghiệp BĐS mà dòng tiền bị đứt gãy đến mức không đủ cho các chi phí cố định như trả lương nhân viên hay thuê mặt bằng.
Theo vị chuyên gia này, sự hồi phục của thị trường BĐS có liên hệ mật thiết với tốc độ "phủ" vắc xin cùng với đó là khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19. Thực tế đà tiêm vắc xin tại các tỉnh thành lớn đang được triển khai tương đối nhanh, chẳng hạn như TP HCM đã tiêm khoảng 6.237.428 mũi tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỉ lệ hơn 77%.
Thêm vào đó, thị trường BĐS cũng liên quan mật thiết đến những biến động kinh tế vĩ mô. Mới đây, Ngân hàng thế giới vừa đưa ra dự báo GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021. Mặc dù dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo của Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12 năm 2020 nhưng vẫn là một con số đầy lạc quan.
Xét thêm đến các động thái cụ thể mới đây như đề xuất "thẻ xanh Covid" tại Tp.HCM hoặc việc dự kiến thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" đến Phú Quốc cho thấy kinh tế vĩ mô đang có thêm các tín hiệu đáng mừng.
Cùng với đó, bất động sản tiếp tục giữ vị trí thứ 3 về thu hút FDI, đạt 1,16 tỷ USD trong 7 tháng của năm nay. Một số phân khúc BĐS vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đại dịch chẳng hạn như logistics và công nghiệp do được "trợ lực" từ sự trỗi dậy của thương mại điện tử. Logistics khúc thu hút nhiều vốn FDI nhất từ đầu năm, chiếm gần một nửa trong số hơn 30 dự án bất động sản được cấp phép với tổng giá trị đạt gần 538 triệu USD. Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy ở nhiều khu công nghiệp tại TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh hay Long An đạt mức trên 85% và giá thuê liên tục tăng.
Bất động sản nhà ở vẫn ghi nhận nhu cầu khá cao từ người dân có nhu cầu ở thực, nhất là trong bối cảnh phức tạp của đại dịch thì người dân lại càng có tâm lý sốt sắng có được chốn an cư hơn.
Về mặt pháp lý, một số quy định sẽ tiếp tục tác động tích cực đến thị trường BĐS có thể kể ra như Bộ Xây dựng cho phép xây căn hộ diện tích 25m2 hay Bộ Tài nguyên Môi trường bỏ quy định cấm phân lô, bán nền với các dự án nhà ở không nằm trong địa bàn các quận nội thành của Hà Nội, Tp.HCM và các thành phố trực thuộc tỉnh, trung ương khác.
"Một điều chúng tôi muốn nhấn mạnh đó là sự tự tin của nhà đầu tư. Trong các giai đoạn khó khăn như hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn muốn tìm một nơi "trú ẩn" cho dòng vốn và bất động sản là kênh phù hợp dù cho thanh khoản không thực sự tốt nhưng lại tương đối ổn định về mặt giá trị. Xét các phân tích trên, chúng tôi cho rằng thị trường BĐS sẽ dần "ấm" lên theo đà của quá trình kiểm soát dịch Covid-19 một cách hiệu quả cùng với những diễn biến lạc quan của kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, quá trình hồi phục sẽ không thể diễn ra một sớm, một chiều mà cần thời gian dài hạn", ông David Jackson nhấn mạnh.