Trong khi cây xăng "chuẩn Nhật" đầu tiên khai trương tại Việt Nam, Petrolimex treo băng rôn kêu gọi “người Việt ủng hộ hàng Việt”?
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, khẳng định: "Việc IQ8 mở cửa hàng xăng dầu tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã xác định từ lâu rồi. Đây là xu hướng bình thường. Không đến nỗi như phản đối Grab, Uber".
- 11-10-2017Hà Nội: Chủ cây xăng Nhật đội mưa nhiều giờ cúi gập người chào khách
- 10-10-2017‘Đại chiến’ taxi, cây xăng Nhật Bản và nỗ lực của Chính phủ
- 10-10-2017Gần 100% xăng dầu nhập khẩu Hàn Quốc: Nỗi lo độc quyền
- 06-10-2017Đại gia ngoại nhảy vào, giá xăng dầu cạnh tranh hơn
Ngày 5/10 vừa qua, đại gia xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Kosan đã đưa trạm xăng bán lẻ Idemitsu Q8 đầu tiên vào vận hành tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam. Và cũng là lần đầu tiên khách hàng đổ xăng được hưởng dịch vụ như “thượng đế”: nhân viên lau gương, kính xe miễn phí, ông chủ nhiệt tình đội mưa cúi chào, đổ xăng chính xác đến 0,01 lít.
Nhiều người khẳng định, trạm xăng này sẽ mang đến luồng gió mới cho thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam, nơi bán hàng đủ, phong cách phục vụ đúng chuẩn vẫn còn là một cái gì đó quá xa lạ.
Trong bối cảnh ấy, tại nhiều cây xăng thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ( Petrolimex ) đã xuất hiện băng rôn đỏ với nội dung: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Động thái này khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu có phải Petrolimex học theo taxi truyền thống, phản đối trạm xăng Idemitsu Q8, như cách Uber, Grab bị phản đối trong suốt tuần vừa qua?
Tuy nhiên, trong một chia sẻ gần đây với Báo Người Lao Động, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, khẳng định: "Việc IQ8 mở cửa hàng xăng dầu tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã xác định từ lâu rồi. Đây là xu hướng bình thường. Không đến nỗi như phản đối Grab, Uber".
Ông cũng cho biết, việc treo băng rôn là để hướng ứng chương trình người Việt dùng hàng Việt, đã được Bộ Công Thương kêu gọi trong nhiều năm nay. Những tấm băng rôn này cũng đã có từ trước khi trạm xăng Nhật Bản ra mắt, chứ không phải gần đây mới xuất hiện.
Ảnh: Người Lao Động
Khẳng định thêm Idemitsu Q8 là thêm đối thủ cạnh tranh nhưng Petrolimex xác định đây là điều bình thường. “Vấn đề là để tồn tại được thì bản thân doanh nghiệp trong nước phải tự đánh giá lại để có cách quản trị tốt nhất và sẵn sàng cạnh tranh”.
Được biết, Idemitsu Kosan, đơn vị sở hữu 50% vốn của trạm xăng Q8, đang là doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành xăng dầu tại đất nước mặt trời mọc, chỉ đứng sau Nippon Oil. Còn đối tác Kuwait International Petroleum, người nắm 50% phần vốn còn lại, cũng là thương hiệu nổi tiếng, tiêu thụ 450.000 thùng mỗi ngày trên toàn thế giới.
Sự xuất hiện của họ tại thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm của các ông lớn như Petrolimex, PV Oil hay Saigon Petro.
Trí thức trẻ