MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong khi Facebook quay cuồng vì bê bối dữ liệu, đây là cách Apple và Microsoft né bão

03-04-2018 - 20:09 PM | Tài chính quốc tế

Vấn đề cung cấp dữ liệu cho bên thứ 3 đã được Apple và Microsoft xử lý rất khôn khéo và an toàn.

Cùng là những tập đoàn công nghệ lớn sở hữu cơ sở dữ liệu cá nhân người dùng khổng lồ, nhưng mô hình kinh doanh, chính sách bảo mật và chia sẻ thông tin của Apple và Microsoft an toàn hơn Facebook và Google, bởi rất ít bên thứ ba được tiếp cận thông tin đầy đủ của người dùng qua các hệ điều hành hay ứng dụng của những công ty này.

Bình luận về scandal gần đây của Facebook và công ty dữ liệu Cambridge Analytica, Tim Cook, CEO đương nhiệm của Apple, khẳng định công ty của ông chưa bao giờ nghĩ tới chuyện kiếm tiền từ việc khai thác dữ liệu khách hàng . Trên thực tế, chính sách bảo mật của Apple luôn được người dùng đánh giá cao.

Mặc dù vậy, Tim Cook cũng cho biết, Apple vẫn thu thập dữ liệu của người dùng thường xuyên, và quy định trong các điều khoản điều kiện về quyền riêng tư cũng cho phép Apple có quyền chia sẻ dữ liệu đó. Cũng theo các điều kiện điều khoản sử dụng, Apple cũng được phép chia sẻ dữ liệu với các đối tác chiến lược để hợp tác cung cấp sản phẩm và dịch vụ hoặc hỗ trợ tiếp cận khách hàng, hay khi pháp luật yêu cầu.

Thực ra so với Facebook, lượng thông tin khách hàng mà Apple thu thập được còn lớn hơn rất nhiều. Bởi Apple cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn so với Facebook và mỗi sản phẩm Apple đều gắn liền với cá nhân người dùng. Cụ thể, người dùng facebook có thể đăng nhập từ bất cứ thiết bị nào, trong khi người dùng Iphone sẽ luôn gắn liền với chiếc Iphone của mình.

Thông qua việc vận hành một hệ sinh thái từ phần cứng tới phần mềm của mình, Apple biết được thông tin cá nhân, sở thích, thói quen và cả vị trí của người dùng (nhờ tính năng Tìm kiếm Iphone của tôi). Bên cạnh đó Apple cũng cho phép các ứng dụng chạy trên nền tảng của mình (bao gồm Facebook) được phép thu thập dữ liệu người dùng. Và giống như Google, Apple cũng có nền tảng quảng cáo của riêng mình cho phép đưa các nội dung quảng cáo đến từng cá nhân phù hợp.

Gần tương tự Apple, Google cũng cung cấp gần như đầy đủ các sản phẩm dịch vụ thông qua hệ sinh thái bao gồm cả phần mềm và phần cứng của mình. Tuy nhiên, sự khác biệt của Apple đó là, công ty này sử dụng cơ chế "bảo mật phân biệt" để lưu trữ dữ liệu người dùng trên từng thiết bị riêng biệt và mã hóa tối đa trước khi gửi các dữ liệu chung về máy chủ. Tức là sẽ máy chủ của Apple sẽ chỉ lưu trữ dữ liệu mã hóa một chiều các thông tin gửi về từ iMessage hay Facetime, chứ không lưu bất cứ thông tin nào về người dùng.

Microsoft cũng sử dụng cùng một kỹ thuật tương tự, thậm chí Cynthia Dwork – một chuyên gia trong nhóm phát minh ra cơ chế bảo mật phân biệt – từng làm việc cho trung tâm nghiên cứu của Microsoft. Tuy nhiên Apple vẫn là công ty đầu tiên áp dụng cơ chế này cho sản phẩm của mình.

Tim Cook cũng cho rằng việc hạn chế dữ liệu trong từng thiết bị cá nhân như vậy là cách hợp lý nhất để chống lại sự tiếp cận dữ liệu từ bên ngoài. Cách làm này hiệu quả hơn việc các nhà chức trách đưa ra những quy định buộc các công ty sở hữu dữ liệu phải tuân theo. CEO của Apple cho rằng để cho người dùng tự quy định việc quản lý thông tin cá nhân trên thiết bị của mình là cách tốt nhất để bảo vệ dữ liệu khách hàng.

Rõ ràng, khách hàng sẽ sẽ ưa thích việc tự quản lý thông tin cá nhân trên các thiết bị của mình hơn là để cho một công ty nào quản lý. Dưới sự lãnh đạo của Tim Cook và các thế hệ trước, Apple chưa bao giờ cho phép mình kiếm tiền từ dữ liệu người dùng. Tuy vậy, Tim Cook sẽ không ở đó điều hành công ty được mãi. Bởi thế, các luật lệ quy định rõ ràng về vấn đề bảo mật thông tin vẫn cần được đưa ra. Cuối năm ngoái, Liên minh châu Âu đã công bố quy định Bảo mật dữ liệu chung EU (EU’s General Data Protection) sẽ có hiệu lực vào tháng 5 tới đây.

Apple, Google hay Microsoft đều có các chính sách kiểm soát tốt và thuận tiện cho phép người dùng tự tắt, xóa hay bỏ theo dõi hoàn toàn các cổng tiếp cận dữ liệu hoặc các điều hướng quảng cáo nhắm vào cá nhân mình. Đối với Facebook, trước những bê bối ngày càng gia tăng, công ty này cũng đã cam kết sẽ sớm cho phép người dùng thực hiện điều này.

Tuy vậy, rõ ràng có sự mâu thuẫn lợi ích giữa các công ty mà mô hình kinh doanh chủ yếu kiếm tiền từ quảng cáo, như Facebook chẳng hạn. Ai cũng biết, những công ty kiếm tiền dựa trên việc hỗ trợ quảng cáo như Facebook sẽ cố gắng thu thập càng nhiều thông tin khách hàng càng tốt. Google cũng là một công ty tương tự Facebook ở mảng này. Trong khi Microsoft cam kết sẽ không có bất kỳ quảng cáo nào được gửi tới người dùng trên cơ sở nội dung email hoặc tin nhắn, cả Google và Facebook đều không thể đưa ra cam kết tương tự. Bởi thế kể cả khi các quy định quản lý được đưa ra, nhưng có thể hiệu quả sẽ không cao.

Việc tắt bỏ hoàn toàn việc cá nhân hóa các tính năng điều hướng quảng cáo của Facebook hay Google là không dễ dàng như Apple hay Microsoft. Nguyên nhân là vì mô hình kinh doanh của Google hay Facebook sẽ không thể nào hoạt động nếu không cho phép các quảng cáo hướng tới khách hàng mục tiêu dựa trên phân tích dữ liệu. Hiện tại, doanh thu từ mảng quảng cáo vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của Facebook hay Google. Cụ thể trong năm 2017, doanh thu từ quảng cáo chiếm tới 98% .

Chỉ khi doanh thu từ việc khai thác dữ liệu khách hàng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu của mình thì các công ty công nghệ mới giảm việc xâm phạm quyền riêng tư của khách hàng. Apple và Microsoft là hai trong số các trường hợp như vậy. Chẳng hạn, Apple là một công ty bán các thiết bị phần cứng, cung cấp phần mềm và dịch vụ nội dung. Thu nhập của Apple đến từ số lượng thuê bao và nội dung bán ra. Hay Microsoft, công ty cung cấp hệ điều hành, các gói phần mềm và dịch vụ đám mây nên doanh thu của công ty cũng dựa trên số lượng các sản phẩm bán được.

Đó là lý do khiến cho Microsoft và Apple là những công ty gần như không bị ảnh hưởng trong vụ bê bối của Facebook. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu của Microsoft tăng khoảng 4,5% , của Apple giảm nhẹ 1,63% trong khi giá cổ phiếu của Google và Facebook lần lượt giảm tới 4,6% và 13,3%.

Những công ty như Twitter hay Snap cũng là những công ty có mô hình kinh doanh hoàn toàn dựa trên việc thu thập dữ liệu khách hàng nhưng lại không bị thiệt hại nhiều trong suốt vụ bê bối. Nguyên nhân chủ yếu bởi vì tính bảo mật của những công ty này vẫn được đánh giá cao. Tuy vậy, chắc chắn rằng trong tương lai, khi các quy định về những mô hình kinh doanh quảng cáo dựa trên dữ liệu khách hàng bị thắt chặt, những công ty như Twitter hay Snap sẽ là những nạn nhân thiệt hại nặng nề nhất.

Những năm gần đây, các mô hình ứng dụng cung cấp tiện ích miễn phí cho khách hàng nhưng kiếm tiền từ nhà quảng cáo đang nở rộ và được xem là một trong số những mô hình mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho các người sáng lập. Tuy nhiên, sớm muộn gì họ cũng phải nhận ra, việc kiếm tiền mà không cung cấp bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào cho những người tiêu dùng cuối cùng không bao giờ là một cách làm bền vững.

Quang Huân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên