MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong khi Vn-Index lao dốc với hàng trăm mã giảm giá, đây là những cổ phiếu đi ngược thị trường và tăng đến 20%

Việc quan sát những cổ phiếu đi ngược chỉ số trong giai đoạn thị trường giảm giá là một việc quan trọng, bởi thông thường khi thị trường phục hồi thì những cổ phiếu có sức khỏe như vậy sẽ là những mã bật nhanh nhất. Tuy nhiên cần xem xét đâu là cổ phiếu tăng giá do “game” để tránh gặp rủi ro mua phải hàng khi “game” đã hết.

Ngày 11/04/2017 đánh dấu sự kiện VN-Index lập đỉnh 9 năm tại 731,33 điểm. Ngay sau đó, chỉ số đã đi vào quá trình điều chỉnh với 4 phiên giảm điểm liên tiếp và tính từ ngày lập đỉnh đến phiên cuối tuần qua (21/04), VN-Index đã giảm gần 19 điểm (tương ứng 2,5%) về 712,41, có phiên đã về sát ngưỡng hỗ trợ cứng 710.

Tương tự, HNX-Index đã giảm 1,76 điểm (1,9%).

Trong bối cảnh thị trường chung như vậy, số liệu thống kê cũng cho thấy có tới 545 mã chứng khoán trên 3 sàn giao dịch bị mất giá. Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu đi ngược thị trường rất mạnh mẽ với thanh khoản cao.

Phải kể đến đầu tiên là cổ phiếu VRC của CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu. Bất chấp thị trường, VRC tăng 26,4% khi chỉ có 2 phiên giảm giá và có 3 phiên tăng trần. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt gần 320.000 đơn vị.

VRC đang được nhiều nhà đầu tư đánh giá là một dạng cổ phiếu của doanh nghiệp hồi sinh từ “bãi lầy” sau khi về tay chủ mới. Năm 2017, công ty này đặt kế hoạch lợi nhuận gấp 50 lần năm trước, lên 120 tỷ đồng, dựa trên kế hoạch chuyển nhượng Dự án tại Quận 7, Tp.Hồ Chí Minh.

DHM – CTCP Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu là một cái tên quá quen thuộc đối với những nhà đầu tư yêu thích dòng cổ phiếu khoáng sản. DHM từng là cổ phiếu gây sốt nhất dòng này vào đầu năm 2016 khi tăng giá tới 8 lần bền bỉ trong gần 1 năm, và rồi cũng lại lao dốc không phanh như nhiều cổ phiếu khoáng sản khác. Từ cuối tháng 3 đến nay, DHM đã tăng gần 30% nhưng vẫn đang thử thách mức giá 7.000 đồng.

STG của CTCP Kho vận miền nam (Sotrans) đã tăng 5 phiên liên tục trước kỳ vọng vào kết quả kinh doanh đột biến nhờ lợi nhuận từ công ty con và công ty liên kết. Có thể thấy, Sotrans đang sở hữu tới 75% cổ phần tại Tổng CTCP Đường Sông Miền Nam (Sowatco, mã chứng khoán: SWC). Với khoản lợi nhuận đột biến từ việc bán vốn tại Saigon Centre, Sowatco lãi ròng 439 tỷ đồng trong quý 1, chia cổ tức 50% bằng tiền mặt và dự kiến sẽ được thanh toán từ cuối tháng 5.

Bản thân SWC cũng là một cổ phiếu đi ngược thị trường với mức tăng hơn 6% từ ngày 11/04 đến nay sau khi giảm mạnh trong thời gian trước đó.

3 cổ phiếu ngành đường là KTS, SLSBHS chứng minh là một khoản đầu tư ngọt ngào khi đều tăng giá trong thời gian qua.

Không có biến động gì đặc biệt, KTS của CTCP Đường Kon Tum bất ngờ tăng trần 3 phiên liên tục từ ngày 14/04 – 18/04, ghi nhận mức tăng trong những ngày qua lên tới 29%. Thông tin chính thống mới nhất được công ty công bố là tài liệu ĐHCĐ thường niên trình kế hoạch thông qua Dự án đầu tư nâng cấp thiết bị công suất từ 1.800 tấn mía/ngày lên 2.500 tấn/ngày. Tuy nhiên điểm yếu của KTS là thanh khoản rất thấp.

Về phần SLS của CTCP Mía đường Sơn La, cổ phiếu này vẫn tự tin đi con đường riêng của mình theo xu hướng đi lên suốt từ cuối tháng 2 đến nay và tiếp tục chinh phục mức giá đỉnh lịch sử.

Giá đường tăng mạnh so với thời điểm cùng kỳ năm trước có thể là một trong những động lực hỗ trợ cho sự tăng lên của KTS và SLS.

Còn BHS của CTCP Đường Biên Hòa thì việc tăng giá đến từ một câu chuyện hấp dẫn hơn, đó là sáp nhập với CTCP Mía đường Thành Thành Công (SBT) thành một công ty có quy mô gần nửa tỷ USD. Thông tin 2 doanh nghiệp đường thuộc Tập đoàn Thành Thành Công sáp nhập với nhau đã được lan truyền trên thị trường từ lâu, nhưng đến nay mới chính thức công bố và cũng chưa có tỷ lệ hoán đổi giữa 2 công ty.

Cũng không thể không kể đến cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội với mức tăng giá gần 21% và đặc biệt là mức thanh khoản “khủng” luôn đứng nhất nhì sàn giao dịch: bình quân hơn 21,5 triệu cổ phiếu/phiên. Game riêng của SHB chưa được hé lộ nhưng tin đồn trên thị trường thì không bao giờ thiếu với những úp mở về sự tham gia của một “đại gia” trong ngành bất động sản vào ngân hàng này và một khoản lãi bất ngờ trong quý 1.

Bất động sản có lẽ là dòng đóng góp nhiều cổ phiếu nhất cho nhóm đi ngược thị trường khi mà hàng loạt cổ phiếu như LGL, LDG, DRH, DIG, VC3, NBB… có mức tăng từ 10 – 20%. Ngay cả PDR dù đã tăng phi mã trong giai đoạn trước đó, cũng vẫn ghi nhận mức tăng hơn 9% trong 10 ngày qua.

Trong top những cổ phiếu đi ngược thị trường xuất hiện gương mặt lẻ loi của một cổ phiếu ngành dệt may là FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) với mức tăng gần 17%. Doanh nghiệp này vừa công bố BCTC quý 1/2017 với lợi nhuận trước thuế đạt 12,5 tỷ đồng – tăng 182% so với cùng kỳ.

Theo nhiều chuyên gia, việc quan sát để nhận ra những cổ phiếu đi ngược chỉ số trong giai đoạn thị trường giảm giá là một việc quan trọng, bởi thông thường khi thị trường phục hồi thì những cổ phiếu có sức khỏe như vậy sẽ là những mã bật nhanh nhất. Tuy nhiên, cũng phải phân tích kỹ càng, đâu là cổ phiếu đi ngược thị trường nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi khỏe mạnh, đâu là cổ phiếu tăng giá do “game” để tránh gặp rủi ro mua phải hàng khi “game” đã hết.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên