Trồng khoai tây làm snack, nông dân lãi đến 100 triệu đồng/ha
Mô hình sản xuất khoai tây bền vững của hai công ty Syngenta Việt Nam và PepsiCo Việt Nam sẽ nhân rộng tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai giai đoạn 2022 - 2025.
- 27-06-2022“Thủ phủ” khoai lang miền Tây quay lưng với cây khoai
- 21-06-2022Choáng với đĩa khoai tây chiên bé tẹo nhưng có "giá trên trời"
- 20-06-2022Từ bia đến khoai tây, tương ớt, bỏng ngô - thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng hàng loạt loại thực phẩm quan trọng vì những lý do 'lãng xẹt'
Tại tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp cùng Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Công ty TNHH thực phẩm PepsiCo Việt Nam tổ chức Hội thảo "Triển vọng hợp tác công tư (PPP) trong phát triển ngành rau quả Việt Nam".
Theo ông Vũ Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Việt Nam đã từng có diện tích khoai tây 100.000 ha nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, diện tích khoai tây đã giảm xuống 20.000 ha trong khi nhu cầu thị trường tăng, trong đó có loại chế biến tại các nhà máy như: khoai tây chiên, snack,… nên Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều.
Có cầu khắc có cung nhưng canh tác khoai tây phải thay đổi phương thức sản xuất từ: giống, quy trình canh tác,… để thay thế hàng nhập khẩu và tiến đến xuất khẩu. Lực lượng khuyến nông đồng hành cùng nông dân trong các vấn đề kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu của bên mua.
Tại hội thảo, mô hình sản xuất khoai tây bền vững do PepsiCo và Syngenta xây dựng đã được giới thiệu với những thành công gây bất ngờ.
Mô hình sản xuất khoai tây bền vững tại Lâm Đồng
Theo đó, niên vụ 2018 - 2019, diện tích khoai tây mô hình chỉ đạt 400 ha với gần 600 nông dân tham gia nhưng đến niên vụ 2021 - 2022, diện tích canh tác đã tăng lên 1.269 ha, năng suất trung bình 27-28 tấn/ha. Tại Đắk Lắk, đánh giá cho thấy lợi nhuận ròng mỗi vụ trong 4 tháng đạt từ 95 - 100 triệu đồng.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, chủ nông trại 15 ha tại thôn Cầu Sắt (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), cho biết đã tham gia mô hình từ năm 2019 và xác nhận mức lợi nhuận từ 70-100 triệu đồng/ha với loại khoai tây trắng dùng để làm snack.
Theo ông Hùng, vụ khoai tây từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau là thời gian cả nước trồng được rau nên khi tham gia mô hình rất yên tâm về đầu ra, lợi nhuận tốt. Thời gian còn lại, đất sẽ trồng: đậu phộng, hành lá,… với các chuỗi liên kết để tối ưu thu nhập.
Snack - món ăn yêu thích của giới trẻ được chế biến từ khoai tây do nông dân Việt Nam sản xuất
Ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông học PepsiCo Việt Nam, cho biết hiện tỉ lệ sử dụng khoai tây nội địa của PepsiCo đã đạt 80% và mới đây công ty đã xuất khẩu được lô khoai tây đầu tiên, khối lượng 6.000 tấn vào thị trường Thái Lan, được đối tác đánh giá cao về chất lượng. Sở dĩ có câu chuyện vừa nhập khẩu, vừa xuất khẩu khoai tây là do mỗi năm khoai tây chỉ trồng được 1 vụ, lưu trữ tối đa 6 tháng nên không đủ hàng để chế biến quanh năm trong khi rộ mùa sẽ bị dư.
Từ thành công của mô hình, giai đoạn 2022 - 2025, tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai, dự án của Syngenta và PepsiCo sẽ nhân rộng với mục tiêu đạt 2.000 ha và hơn 1.000 nông dân tham gia dự án.
NLĐ