MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trồng lúa lai thắng lớn

18-06-2016 - 15:37 PM | Thị trường

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức Sơ kết tình hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 và duy trì, nhân dòng bố mẹ lúa lai vụ đông xuân 2015 - 2016.

Nông dân thu 300 triệu/ha/năm

Giữa tháng 6, đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) cùng nhiều đại biểu các tỉnh, thành miền Bắc đã về thăm mô hình trình diễn lúa lai F1 tại xã Xuân Ninh (huyện Xuân Trường, Nam Định) với tổ hợp Nhị ưu 838. Vừa dẫn đoàn tham quan cánh đồng rộng vài chục héc ta, cán bộ của Cty TNHH Cường Tân, đơn vị trực tiếp sản xuất trên cánh đồng vừa giới thiệu về tính năng của giống lúa, ngày trồng cấy, ngày đơm bông…

Ông Đỗ Đức Thọ, một trong 20 chủ hộ sản xuất được Cty Cường Tân thuê canh tác lúa trên cánh đồng cho biết, đây là năm thứ 6 sản xuất lúa lai F1. “Thời điểm trổ bông độ ẩm, nhiệt độ phù hợp nên vụ xuân năm nay đánh giá là được mùa”, ông Thọ nói. Theo ông, giống, vật tư sản xuất Cty cung ứng, còn người dân chỉ tổ chức sản xuất.

Ông Thọ cho biết, cánh đồng xã Xuân Ninh sản xuất được hai vụ lúa lai và một vụ đông trồng rau. Theo ông, năng suất ước tính khoảng 3 tấn và giá mua của Cty là 40.000 đồng/kg thì được khoảng 120 triệu/ha/vụ đông xuân. “Nếu vụ mùa được khoảng 2,5 - 2,8 tấn thì tổng cộng được khoảng 240 triệu. Ngoài ra còn có thể thu thêm từ 50 - 100 triệu/ha cây vụ đông nữa”, ông Thọ thông tin.

Ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Cty TNHH Cường Tân cho biết, sản xuất lúa lai không riêng gì Nam Định, mà trên cả nước, nếu không quy hoạch vùng thửa lớn, tích tụ ruộng đất mà cứ manh mún mỗi nhà năm miếng, một hai sào thì rất khó khăn. “Cường Tân đã tích tụ ruộng đất, tổ chức các khu vực chuyên sản xuất lúa lai, quy mô lên đến 70 - 80 ha. Chúng tôi thuê đất của nông dân và mời họ vào tham gia cùng nên hiệu quả kinh tế sản xuất rất cao”, ông Sáu nói.

Theo ông Sáu, việc tích tụ ruộng đất, thuê chính người chủ mảnh đất đó làm thuê cho Cty mang lại nhiều lợi ích. “Người nông dân không sợ mất ruộng. Còn mất mùa thì cũng vẫn được thu một khoản 120kg/sào, tương đương khoảng 2 tấn/ha/vụ, 4 tấn/năm. Người nông dân trực tiếp đi sản xuất cho Cty, ngày nào làm có tiền ngày đấy. Mỗi người có từ 3 - 4 ha thì sẽ tập trung chỉ làm nông nghiệp. Trong một năm có thể thu nhập 200 - 300 triệu/ha”, ông Sáu nói.

Cung ứng 70% lượng giống trong nước

Cty TNHH Cường Tân chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc sản xuất giống lúa lai F1. Theo ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vụ đông xuân 2015 - 2016, cả nước có 12 đơn vị tham gia sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại 11 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 1464,5ha. Trong đó, vùng dự án có 9 đơn vị tham gia với diện tích 720 ha.

Ông Thông đánh giá cao mô hình ở Nam Định bởi quá trình liên kết sản xuất tạo ra cánh đồng mẫu lớn mà doanh nghiệp cùng với hợp tác xã, tổ nhóm hợp tác, tạo được mô hình sản xuất lớn. Nông dân trở thành công nhân cho các doanh nghiệp. “Đây là mô hình sản xuất rất tốt, góp phần thay đổi hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa giống công nghệ cao, đồng bộ trong kỹ thuật”, ông Thông nói.

Theo ông Thông, dự kiến toàn vùng dự án, năng suất xấp xỉ 2,9 tấn/ha. Với tổng diện tích gieo trồng cả trong và ngoài dự án thì vụ đông xuân năm nay sản lượng giống lúa lai F1 đạt khoảng 4.500 đến 5.000 tấn. “Chúng ta sản xuất lúa lai F1 giá thành rẻ, chất lượng đảm bảo thì chắc chắn không phải nhập khẩu giống nước ngoài. Thời điểm tháng 5 trên biên giới thường rất sôi động, nhưng những năm gần đây, sản xuất trong nước phát triển nên thị trường trong nước sôi động hơn ở biên giới”, ông Thông nhận định. Từ đó, giá lúa lai nhập khẩu cũng bắt buộc phải giảm theo giá giống sản xuất trong nước.

Bà Phạm Thị Cằng, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng cho biết, trước đây có những năm chúng ta nhập khoảng 30 – 40.000 tấn lúa lai từ Trung Quốc và một số nước khác, nhưng hiện tại, lượng nhập rất ít. “Thắng lợi của chương trình lúa lai này mà những người thực hiện khẩu hiệu “Tự hào lúa lai Việt Nam” là rất đúng”, bà Cằng nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, để Việt Nam có thể nhanh chóng tự chủ nguồn cung hạt giống lúa lai F1 thì phải đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, các đơn vị, doanh nghiệp trong nước cung ứng được tối thiểu 70% lượng hạt giống lúa lai F1, với giá thành giảm 15 - 20% so với giá giống nhập khẩu.

Đồng thời, phải duy trì, nhân dòng và cung cấp được ít nhất 80% lượng giống bố mẹ phục vụ sản xuất hạt lai F1, với giá thành giảm tối thiểu 30% so với hạt giống bố, mẹ lúa lai nhập khẩu. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp, trung tâm và viện nghiên cứu cam kết thực hiện được “đơn đặt hàng” đó, Bộ NN-PTNT sẽ dốc sức để huy động các nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị tham gia.

Theo Trường Phong

Tền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên