Trong lúc các công ty Nhật Bản khốn đốn, người hùng Hitachi vẫn vững mạnh nhờ kết hợp giữa truyền thống và sự đổi thay
Giữa lúc nhiều công ty điện tử nổi tiếng của Nhật đang khốn đốn, Hitachi lại có năm thứ sáu liên tiếp kiếm được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình. Bí quyết nào giúp họ làm được như vậy?
- 13-03-2017Nhật Bản để ngỏ khả năng tấn công phủ đầu căn cứ đối phương
- 11-03-2017Người Nhật Bản làm đô thị thông minh như thế nào?
- 09-03-2017Người phụ nữ quyền lực nhất Nhật Bản: Sống trong tầng lầu 30m2, không chồng và rất thích chó
Ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản như đang chìm trong đêm đen khi lần lượt các tên tuổi lừng lẫy một thời như Toshiba, Sharp, Panasonic sa sút và lâm vào cảnh khốn đốn trong kinh doanh. Không những vậy, nhiều tên tuổi khác như NEC hay JVC còn gần như bị biến mất khi không đủ sức tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Nhưng giữa bóng tối mịt mù đó, vẫn còn một ngôi sao khác vẫn đang vững bước trên con đường của mình, đó là Hitachi.
Năm tài chính 2016, cho dù bị suy giảm so với năm 2015, hãng vẫn đạt lợi nhuận 2,6 tỷ USD trên mức doanh thu 89,31 tỷ USD. Không những vậy, đây còn là năm tài chính thứ 6 liên tiếp hoạt động kinh doanh của hãng mang lại lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận dù chỉ dao động quanh mức 3% nhưng nếu so với tình trạng thua lỗ triền miên mà Sony đang phải gánh chịu, hay cuộc bán mình thê thảm của Sharp cho Foxconn, có thể thấy Hitachi đã nỗ lực như thế nào.
Lợi nhuận ròng của Hitachi từ năm 2003 đến 2016 (đơn vị: triệu USD).
Tuy nhiên, không phải Hitachi chưa từng ở trong hoàn cảnh của thua lỗ tồi tệ như các đồng nghiệp Nhật Bản của mình. Năm 2009, sau nhiều năm hoạt động ì ạch, Hitachi lâm vào cảnh thua lỗ kỷ lục với con số lên tới hơn 7 tỷ USD. Dù công cuộc cải cách của tập đoàn này đã bắt đầu từ trước đó , nhưng chỉ từ thời điểm này, nó mới thực sự mang lại những bước ngoặt đối với số mệnh của người khổng lồ Hitachi.
Những tử huyệt trong ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản
Trước thời điểm tiến hành cải cách, các vấn đề mà Hitachi gặp phải cũng là các vấn đề của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản. Dù vẫn có những đột phá về sáng tạo công nghệ, nhưng các tập đoàn điện tử Nhật vẫn luôn xem thị trường trong nước là ưu tiên số một cho các sản phẩm của mình. Điều này cũng có nghĩa là các sản phẩm cũng sẽ được thiết kế để phù hợp hơn với thị trường nội địa.
Cho dù là một thị trường lớn đã quen thuộc với thương hiệu của mình, nhưng quy mô dân số già hóa cũng như tác động tiêu cực từ thập niên mất mát đã làm nhu cầu về đồ điện tử của người tiêu dùng Nhật trở nên khác biệt với phần còn lại của thế giới. Điều này đã tác động không nhỏ đến các sản phẩm điện tử nội địa của Nhật khi chúng không thể cạnh tranh lại về giá và tốc độ thay đổi với các đối thủ mới nổi đến từ Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Không chỉ ưu tiên phát triển sản phẩm cho thị trường nội địa, Hitachi cũng như các hãng điện tử Nhật còn hạn chế thuê các đối tác nước ngoài, có chi phí sản xuất rẻ hơn để gia công các linh kiện hay sản phẩm cho mình. Không những vậy, khái niệm “nhân công trọn đời” và tâm lý muốn hòa hợp giữa cấp trên và nhân viên đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức của lực lượng lao động Nhật Bản càng làm hạn chế sức sáng tạo của nhân viên cũng như trong mỗi sản phẩm của công ty.
Vấn đề của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản càng tồi tệ hơn nữa với bộ máy quản lý cồng kềnh và quan liêu của họ. Điển hình trong số đó là Hitachi. Đã có thời điểm, bộ máy quản lý của cả tập đoàn được phân ra thành 10 lớp khác nhau, và điều đó hạn chế đáng kể khả năng đưa ra các quyết định nhanh chóng với các vấn đề cấp thiết. Khả năng ra quyết định nhanh còn quan trọng hơn khi nhu cầu của thị trường điện tử tiêu dùng luôn thay đổi một cách chóng mặt.
Tuy nhiên, trong khi làm ra các sản phẩm có thiết kế lỗi thời, ít sự sáng tạo và đắt đỏ, vẫn còn một điều làm nên danh tiếng cho Hitachi, đó là họ làm ra những sản phẩm đáng tin cậy nhất mà mọi người có thể tìm được. Và đó cũng là nền tảng cho các cải cách của Hitachi dưới thời tân chủ tịch tập đoàn vào thời điểm đó, ông Hiroaki Nakanishi – người được xem là người hùng trong việc vực dậy công ty có tuổi đời hơn 100 năm này.
Cuộc cải cách toàn diện trong nội bộ Hitachi
Một trong những bước đi đầu tiên trong quá trình cải tổ lại tập đoàn này là rút khỏi mảng sản xuất TV. TV cũng như ngành điện tử tiêu dùng là lĩnh vực kinh doanh thay đổi với tốc độ chóng mặt, không chỉ về công nghệ mà còn cả thiết kế mẫu mã, giá cả và hoạt động tiếp thị, những yếu điểm của Hitachi khi cạnh tranh với các đối thủ từ Hàn Quốc hay Trung Quốc. Hầu hết các bộ phận kinh doanh thiết bị đó của Hitachi đều đang lâm vào cảnh thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp.
Đó cũng là lý do cho cú “shock Hitachi” như cách gọi của giới truyền thông vào thời điểm đó. Công ty cắt giảm đáng kể hoặc đem rao bán các bộ phận sản xuất chip, TV màn hình phẳng, màn hình tinh thể lỏng, thiết bị di động và linh kiện máy tính cá nhân. Đến năm 2012, doanh thu từ mảng điện tử tiêu dùng chỉ còn chiếm 9% tổng doanh thu, giảm gần một nửa so với một thập kỷ trước.
Thay vào đó, trọng tâm của tập đoàn được chuyển sang các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bao gồm các dịch vụ công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống mạng, các nhà máy điện, đường sắt và máy móc công nghiệp, nhà máy lọc nước – những lĩnh vực đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng ổn định hơn là có mẫu mã đẹp. Trong khi bán đi các bộ phận điện tử tiêu dùng, Hitachi lại mạnh tay chi 1,1 tỷ USD thâu tóm Horizon Nuclear Power (HNP), nhà sản xuất các nhà máy điện tử của Anh vào tháng 11 năm 2012.
Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thị trường điện hạt nhân tại Nhật cũng rơi vào tình trạng đóng băng. Trong khi đó, Hitachi tin rằng nhu cầu về năng lượng hạt nhân trên thị trường quốc tế sẽ rất hứa hẹn, và Anh lại là một trong những thị trường chính tại châu Âu. Việc thâu tóm HNP là bước đầu tiên cho thấy dự định tiến ra thị trường thế giới của Hitachi. Thương vụ này là tiền đề cho các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Lithuania và Anh vào các năm 2012 và 2015.
Dự án nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ lò phản ứng nước sôi tiên tiến của GE và Hitachi.
Nhận ra được các điểm yếu về phần mềm và thiết bị IoT so với các đối thủ từ Hàn Quốc hay Mỹ, nhưng không vì thế mà Hitachi bỏ qua các lĩnh vực được coi là tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp mới. Tuy nhiên, do vậy thay vì chỉ tạo nên các thiết bị công nghiệp ổn định và bền bỉ, Hitachi còn chú trọng việc áp dụng các hệ thống phần mềm và IoT vào các sản phẩm của mình.
Điển hình là dự án trị giá 5,7 tỷ Bảng nhằm sản xuất và duy trì đoàn tàu điện chạy từ Paddington tới Bristol tại Anh. Thay vì chỉ bán đứt cho khách hàng những đoàn tàu có khả năng tự chuẩn đoán lỗi, thông qua các cảm biến IoT, hãng còn cung cấp dịch vụ cho thuê dựa trên phần mềm. Bob Plumridge, CTO khu vực EMEA (khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Phi) của Hitachi, cho biết. “Thỏa thuận với các công ty điều hành tàu hỏa nổi bật ở việc những đoàn tàu này vẫn là tài sản của Hitachi. Chúng tôi đang nói về việc xem một con tàu như dịch vụ. Chúng tôi được trả tiền cho sự ổn định của đoàn tàu.”
Ứng dụng các thiết bị IoT vào sản phẩm công nghiệp cũng được các hãng phân tích đánh giá là lĩnh vực tiềm năng nhất, khi chúng sẽ giúp gia tăng doanh thu và cắt giảm chi phí trong sản xuất. Vernon Turner, phó chủ tịch về hệ thống doanh nghiệp và IoT tại IDC cho biết. “Triển vọng lớn nhất cho IoT nằm ở các thị trường doanh nghiệp, công nghiệp và dịch vụ công cộng, những khu vực sẽ được hưởng lợi đáng kể từ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.”
Đoàn tàu Hitachi 801 chạy trên tuyến đường sắt Great Western Main Line của Anh.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Hitachi cũng là một trong những hãng điện tử của Nhật đi đầu trong việc thuê ngoài các linh kiện bộ phận, cũng như vật liệu. Một trong những thay đổi khác hẳn với truyền thống văn hóa kinh doanh tại Nhật.
Tuy nhiên, để tiến ra thị trường thế giới, cái Hitachi cần không chỉ là công nghệ mà còn là con người. Trong một cuộc gặp mặt tại công ty vào năm 2012, ông Nakanishi đã nói với 800 nhân viên như sau: “Chỉ mỗi việc lấy sản phẩm và dịch vụ chúng ta đang bán ở Nhật đem sang bán cho khách hàng nước ngoài thì không đủ. Để thực sự hiểu được họ cần gì, các bạn không thể chỉ ngồi bàn giấy ở Nhật và nghiên cứu số liệu, mà phải đi sang tận nơi, học hỏi ngôn ngữ của họ và tự mình cảm nhận lấy”.
Những biện pháp để thay đổi nhân viên của hãng còn mạnh mẽ hơn những câu khẩu hiệu, năm 2008, số lượng nhân viên của Hitachi giảm 17% xuống chỉ còn 323.500 và 1/3 trong số các nhân viên đó đến từ nước ngoài. Trong vòng 4 năm, bộ phận nhân sự từ chỗ chỉ toàn các nhân viên người Nhật thành một nơi dành cho các nhân viên đến từ 8 quốc gia khác nhau.
Một doanh nhân người Nhật trên đường đến dự lễ mở cửa nhà máy sản xuất tàu hỏa của Hitachi tại Anh.
Không những vậy, Hitachi còn loại bỏ một trong những trụ cột của văn hóa kinh doanh tại Nhật Bản: hệ thống Nenko, hệ thống tính lương dựa trên độ tuổi và thời gian phục vụ của nhân viên hơn là hiệu suất công việc. Levent Arabaci, phó Chủ tịch về Nhân lực tại Hitachi cho biết trong năm 2015: “Bạn gần như phải dành ra 40 năm làm việc để leo lên trở thành một nhà quản lý hoặc một nhà quản lý cấp cao. Loại truyền thống đó không còn hiệu quả ở Nhật Bản nữa.”
Những thay đổi phù hợp với thời cuộc của Hitachi đã giúp hãng thoát khỏi tình cảnh bi đát như các đồng nghiệp người Nhật của mình, nhưng hãng vẫn chưa thể yên tâm. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của hãng vẫn ở mức thấp (quý Tư năm 2016, lợi nhuận Hitachi đạt tỷ suất 3,59%) so với các đối thủ khác trong sân chơi thiết bị công nghiệp khác như General Electric của Mỹ (quý Tư năm 2016, lợi nhuận GE đạt tỷ suất 11,08%) và Siemens của Thụy Điển (quý Tư năm 2016, lợi nhuận Siemens đạt tỷ suất 31,36%).
Mặc dù vậy, việc duy trì được lợi nhuận ổn định trong những năm vừa qua của Hitachi cũng đem lại một hướng đi thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện tại cho những hãng điện tử khác của Nhật. Tiếp sau Hitachi, Panasonic cũng đã thu hẹp hoặc rời bỏ nhiều lĩnh vực trong mảng điện tử tiêu dùng, tập trung vào các sản phẩm cho doanh nghiệp như hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất pin cho xe điện với Tesla, hợp tác với Facebook để bán thiết bị lưu trữ dữ liệu. Với mức lợi nhuận 1,6 tỷ USD trên tổng doanh thu 63 tỷ USD, năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp Panasonic có lãi ròng cho hoạt động của mình.
Nhưng không phải ai cũng có thể thành công trên con đường chuyển đổi này. Toshiba, một trong những người cuối cùng còn có tiếng nói trên thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng thế giới, lại ngã ngựa vì chính hoạt động kinh doanh năng lượng hạt nhân tại Mỹ.
Trí thức trẻ