MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong lúc cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm giá, cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn chào sàn và tăng trên 35%

Thanh khoản của BSR cũng nhanh chóng vươn lên dẫn đầu sàn UPCoM với gần 7 triệu cổ phiếu khớp lệnh sau nửa tiếng giao dịch tương đương 213 tỷ đồng.

Ngày giao dịch đầu tiên của tháng 3/2018 cũng là ngày mà hơn 241 cổ phiếu BSR của CÔng ty TNHH MTV Lọc Hóa dầu Bình Sơn chào sàn UpCom. Với giá tham chiếu 22.400 đồng, BSR đã nhanh chóng tăng trần sau vài phút giao dịch, đạt mức giá 31.300 đồng. Tuy sau đó đã hạ nhiệt nhưng cổ phiếu này luôn giữ mức tăng trên 30%. Thanh khoản của BSR cũng nhanh chóng vươn lên dẫn đầu sàn UPCoM với gần 7 triệu cổ phiếu khớp lệnh sau nửa tiếng giao dịch tương đương 213 tỷ đồng.

Tạm tính tại mức giá 30.000 đồng thì lượng cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán có giá trị hơn 7.200 tỷ đồng. Sự mới mẻ của BSR giúp cho không khí giao dịch tại nhóm cổ phiếu dầu khí bớt ảm đạm, bởi sự sụt giảm của giá dầu quốc tế trong phiên tối qua đang ảnh hưởng không tốt đến nhóm này, khiến cho GAS, PVD, PVS, PVT, PVB, PVC… đều đồng loạt giảm giá.

Lọc hóa dầu Bình Sơn tiến hành IPO vào 17/1 vừa qua với số lượng 241,6 triệu cổ phiếu và giá khởi điểm là 14.600 đồng/cp. Đây có thể nói là phiên đấu giá được nhiều người mong đợi nhất trong quý đầu năm với sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tại ngày hôm đó, có đến 4.079 nhà đầu tư tham gia, khối lượng đặt mua gần 652 triệu đơn vị, gấp 2,7 lần lượng cổ phần mang ra chào bán.

Phiên đấu giá thành công, toàn bộ số cổ phần được bán hết với mức giá bình quân 23.043 đồng/cổ phần. Riêng nhà đầu tư nước ngoài trúng 147,8 triệu cổ phiếu.

Sau đó, một NĐT nước ngoài đã lộ diện là Vietnam Opportunity Fund (VOF) – quỹ lớn nhất thuộc quản lý của VinaCapital. Theo thông báo, VOF đã mua khoảng 10% cổ phần của BSR trong đợt chào bán với tổng giá trị khoản đầu tư khoảng 25 triệu USD. Mức giá trúng đấu giá của VOF thấp hơn giá bình quân của thương vụ IPO Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn là 23.000 đồng/cp (1,01USD).

VOF cho rằng, BSR hoạt động trong một thị trường tiềm năng với 33% thị phần khiến đơn vị này trở thành khoản đầu tư tiềm năng nhất theo quan điểm của quỹ VOF.

Theo phương án cổ phần hóa, BSR có vốn điều lệ dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng, tương ứng với 3,1 tỷ cổ phần. Sau IPO, BSR sẽ bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và bán ưu đãi 6,5 triệu cổ phần cho nhân viên. Hiện tại, doanh nghiệp này đang trong quá trình triển khai chào bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược, tiến tới giảm sở hữu của Nhà nước xuống còn 43%.

BSR cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký tham gia quá trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Petrolimex (Việt Nam) và Công ty Indian Oil Corp (Ấn Độ). Ngoài ra, các nhà đầu tư khác như Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporation Public Company Limited (Thái Lan)… cũng đang nghiên cứu để xin được tiếp tục nộp hồ sơ tham gia quá trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược.

Năm 2017, BSR đạt lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ gần 12,2 triệu tấn. Doanh thu ước đạt 80.517 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 10.392 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỷ đồng. Sau 9 năm hoạt động, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất và xuất bán hơn 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862.500 tỷ đồng, tương đương 38 tỷ USD.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên