Trong lúc giá gạo tăng do nhiều nước cấm xuất khẩu, một doanh nghiệp Việt ‘trúng’ hợp đồng 127 triệu USD
Hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Malaysia của doanh nghiệp Việt này được triển khai trong năm 2023.
- 13-08-2023“Nhấp nhổm” theo giá gạo
- 13-08-2023Chớp thời cơ tăng giá, Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo
- 12-08-2023Giá gạo Thái Lan, Việt Nam tiếp tục tăng mạnh
- 12-08-2023Giá gạo tăng, giá phân bón ‘nhảy múa’ theo
Theo thông tin từ Tập đoàn Lộc Trời, tập đoàn này và các đối tác liên quan đã chấp thuận việc mua bán, xuất khẩu lúa, gạo đến Indonesia và/hoặc Malaysia được thực hiện trong năm 2023, với giao dịch có giá trị tối đa 127 triệu USD. Tổng giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận được giao đại diện cho công ty ký kết các hồ sơ, tài liệu tham gia đấu thầu (nếu có), chào giá, liên quan đến giao dịch nêu trên.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan, nửa cuối tháng 7 (16-31/7), cả nước xuất khẩu 411.462 tấn gạo, kim ngạch đạt 227,2 triệu USD. So với nửa đầu tháng này, lượng gạo xuất khẩu tăng tới 65% và kim ngạch tăng gần 68%.
Trong tháng 7, cả nước xuất khẩu 660.738 tấn gạo, kim ngạch 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.
Về giá, dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 10/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn, đồng loạt tăng 20 USD/tấn so với phiên hôm trước (9/8). Còn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.
Quý 2/2023: Lộc Trời ghi nhận doanh thu 3.677 tỷ đồng
Trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), doanh thu thuần trong quý của tập đoàn này đạt 3.677 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng lên 3.151 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 41,7% lên 526,2 tỷ đồng.
Trong quý 2, doanh thu hoạt động tài chính của Lộc Trời tăng mạnh hơn 9 lần lên 49 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chênh lệch tỷ giá hối đoái và lãi tiền gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng mạnh gần gấp đôi lên 231 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay tăng mạnh gần 3 lần chiếm 168 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong quý Lộc Trời ghi nhận khoản báo lãi lớn 326 tỷ đồng từ đánh giá lại đầu tư công ty liên kết là CTCP Lương thực Lộc Nhân.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 33,6% lên 128,3 tỷ đồng, phần lớn đến từ dự phòng khoản phải thu khó đòi. Chi phí bán hàng giảm 43,1% xuống còn 135,7 tỷ đồng, do trong quý này, các chi phí về quảng cáo khuyến mãi, xuất khẩu và vận chuyển của công ty đều giảm mạnh.
Với khoản lãi tăng mạnh từ đầu tư công ty liên kết, sau khi khấu trừ các khoản chi phí cùng lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời quý 2 năm nay tăng vọt lên 424,6 tỷ đồng từ khoản lỗ 44,3 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 6.130 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 343,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 59,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Phần lớn doanh thu quý 2 đến từ mảng lương thực - lúa, gạo đạt 4.220 tỷ đồng doanh thu, đứng thứ hai là thuốc bảo vệ thực vật 1.536 tỷ, hạt giống 315 tỷ, bao bì 62 tỷ, mảng xây dựng và các nội dung khác 98 tỷ.
Tính tới ngày 30/6, tổng tài sản của Lộc Trời đạt 9.263 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, tăng mạnh gần 3.000 tỷ đồng so với ngày 1/1/2023, chủ yếu do khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng cao 2,3 lên hơn 5.400 tỷ đồng. Tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn giảm 378 tỷ đồng xuống còn 553 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng 28,5% ở mức gần 2.715 tỷ đồng chủ yếu là thành phẩm dư từ đầu kỳ.
Kết thúc quý 2, nợ phải trả của Lộc Trời cũng tăng 36,6% lên hơn 8.791 tỷ đồng, so với đầu năm 2023. Chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt gần 6.869 tỷ đồng và tiền phải trả người bán ngắn hạn lên 900,1 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng nguồn vốn của Lộc Trời tính đến ngày 30/6 đạt 12.183 tỷ đồng, tăng mạnh 60,5%.
Nhịp sống thị trường