MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trồng nấm trên đất cố đô, thu trên 200 triệu đồng/năm

20-01-2018 - 09:55 AM | Thị trường

Đối với nhiều người, về hưu là khoảng thời gian để nghỉ ngơi sau thời gian dài cống hiến, nhưng bà Vũ Thị Yến ở xóm Dinh, xã Ninh An, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã quyết định mở một trang trại trồng nấm, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Trước đây, bà Yến là giáo viên trường mầm non xã Ninh An. Gần 40 năm gắn bó với nghề, bà luôn được đồng nghiệp và phụ huynh quý mến. Là người năng động, tháo vát nên thời gian trước khi nghỉ hưu, bà suy nghĩ sẽ làm kinh tế.

Trồng nấm trên đất cố đô, thu trên 200 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Bà Yến giới thiệu về trại nấm


Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh của mình, bà Yến cho biết: "Tôi có ý tưởng trồng nấm từ vài năm trước nhưng do công việc ở trường khá bận rộn nên không có thời gian nghiên cứu, học hỏi phương pháp làm. Nhu cầu sử dụng nấm ngày càng cao, giá trị dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Nếu đầu tư kinh doanh một cách nghiêm túc và bài bản sẽ thu được thành quả nhất định".

Tháng 10/2015 sau khi chính thức nhận quyết định nghỉ hưu bà Yến bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Bên cạnh việc tìm hiểu cách SX qua mạng internet, sách báo, bà còn đi tham quan những mô hình ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tham gia lớp học kỹ thuật làm nấm của Trung tâm nấm Hương Nam (Ninh Bình).

Sau khi tích lũy kiến thức cơ bản và xây trang trại, đầu năm 2016, bà mua nguyên liệu về làm nấm. Thời gian trồng thử nghiệm 400 bịch nấm sò theo phương pháp thủ công. Nguyên liệu chủ yếu là bông hạt được mua của nhà máy dệt.

Tuy nhiên, lứa nấm đầu tiên bị thất thu, các bịch đều lụi và hỏng dần. Không mất bình tĩnh trước thất bại, bà Yến nhờ những người có kinh nghiệm đến cùng tìm hiểu mới biết do nguồn nước tưới không sạch nên nấm không thể lên tơ. Vì vậy, điều quan trọng mà bà rút ra trong quá trình trồng nấm, ngoài đảm bảo về ẩm độ thì nước tưới cũng phải sạch và không gian trong lều trại phải thoáng mới đạt năng suất cao.

Làm đến đâu bà lại tích lũy thêm cho bản thân những kinh nghiệm quý báu đến đó. Theo bà, trong quá trình làm nấm, mọi công đoạn đều phải vệ sinh thật sạch sẽ. Trước khi vào lứa nấm mới phải quét dọn trại, vãi vôi bột 3 lần, dải túi ni lông rồi mới treo bịch. Để tránh các loại côn trùng đậu vào bịch nấm, dùng cây xả trộn ớt rồi đun lên xịt chống ruồi, muỗi. Mỗi trại đều được lắp thiết bị đo độ ẩm để theo dõi. Khi trời hanh khô thì lượng nước tưới nhiều hơn bình thường mới đảm bảo bịch nấm lên tơ, phát triển tốt.

Sau hơn 2 năm miệt mài lao động, từ một trại nấm với vài trăm bịch thử nghiệm ban đầu, bà đã phát triển mô hình thành 3 trại trên diện tích 1.000m2 với gần 2 vạn bịch nấm. Với phương châm làm đến đâu sẽ tái đầu tư để nâng cao chất lượng đến đó, từ cuối năm 2016 đến nay, bà liên tục bổ sung công nghệ làm nấm hiện đại bằng cách mua máy trộn nguyên liệu và lò hấp.

Theo bà Yến, mặc dù áp dụng công nghệ cao thì chi phí tốn kém nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và đảm bảo vệ sinh hơn phương pháp làm nấm thủ công. Nếu như trước đây để làm ra một lứa nấm phải mất 3 ngày ủ nguyên liệu thì nay chỉ cần 7 tiếng đưa vào lò hấp là đã có thể đóng bịch. Đặc biệt, đống ủ được chuyển vào lò hấp với nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt hoàn toàn nấm dại và những vi khuẩn có hại nên bịch nấm cũng ít bị hỏng hơn, mang lại năng suất cao hơn.

Với các loại nấm dễ trồng và thông dụng như nấm sò, nấm rơm, trung bình mỗi ngày bà xuất bán từ 10 - 55kg nấm với mức giá 18 - 20 nghìn đồng/kg. Năm qua bà thu được 200 triệu đồng từ nấm.



Theo Phan Cảnh - Vân Anh

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên