Khi mọi hoạt động kinh tế đình trệ vì dịch bệnh thì ngành này đang bùng nổ mạnh mẽ ở Trung Quốc
Xin Lijun, giám đốc của JD Health, cho biết lượng người truy cập nền tảng tư vấn y khoa trực tuyến của hãng đã tăng gấp 10 lần kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, lên 2 triệu lượt mỗi tháng.
- 04-03-2020Vì sao Iran có tỷ lệ tử vong vì virus corona nhiều hơn hẳn các nước khác?
- 03-03-2020Chao đảo trước tác động của virus corona, nhưng tại sao đồng USD vẫn là 'hầm trú ẩn' an toàn duy nhất đối với giới đầu tư toàn cầu?
- 03-03-2020Giới siêu giàu đối phó với virus corona như thế nào?
Khi dịch SARS (cũng do 1 loại virus corona gây ra) ập đến năm 2003, người dân Trung Quốc cũng được khuyến cáo nên ở trong nhà. Quãng thời gian đó đã trở thành cơ hội đổi đời cho một số doanh nghiệp. Mạng xã hội và cả thương mại điện tử bắt đầu bùng nổ ở Trung Quốc. Richard Liu, người điều hành 1 chuỗi các cửa hàng đồ điện tử gia dụng, đã quyết định đóng cửa tất cả các cửa hàng vật lý và thành lập JD.com. Hiện giá trị vốn hóa của công ty này đã lên tới 56 tỷ USD.
Năm 2019, virus corona chủng mới gây ra những tác động mạnh mẽ hơn nhiều so với 17 năm trước nhưng cũng đang tạo cơ hội cho 1 ngành khác: telemedicine – chẩn đoán, điều trị bệnh từ xa. Khi mà các bệnh viện quá tải vì Covid-19 và những bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng khác bị từ chối, hàng triệu người Trung Quốc ngồi nhà và cố gắng tìm kiếm lời khuyên, thậm chí các phương pháp điều trị từ các y bác sĩ trên Internet. Và chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích họ làm như vậy.
Xin Lijun, giám đốc của JD Health, cho biết lượng người truy cập nền tảng tư vấn y khoa trực tuyến của hãng đã tăng gấp 10 lần kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, lên 2 triệu lượt mỗi tháng. Khoảng 1,6 triệu là tham gia vào buổi talkshow của 1 chuyên gia đầu ngành về tim mà JD Health tường thuật trực tiếp. Theo Xin, nếu không có dịch bệnh thì sẽ phải mất khoảng 5 năm để người tiêu dùng chuyển đổi thói quen như vậy.
Chen Qiaoshan, chuyên gia của hãng tư vấn Analysys, nhận định thị trường chăm sóc sức khỏe trực tuyến của Trung Quốc có thể đạt quy mô 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29 tỷ USD) trong năm nay. Ở thời điểm trước dịch bệnh bà đưa ra con số dự đoán là 158 tỷ nhân dân tệ.
Thị trường trị bệnh từ xa của Trung Quốc – bao gồm cả khám bệnh, điều trị và bán thuốc – vẫn được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ kể cả trước dịch bệnh. Ping An Good Doctor, ứng dụng y tế do ông lớn bảo hiểm Ping An vận hành, cho biết hồi tháng 9 năm ngoái rằng hơn 300 triệu người đã đăng ký sử dụng ứng dụng, tương đương 1/3 lượng người dùng internet ở Trung Quốc.
Công ty dữ liệu Tianyancha thống kê được ở Trung Quốc hiện có hơn 1.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở việc bán thuốc hoặc trong trường hợp của Ping An là đặt lịch khám với các chuyên gia – những người được các bệnh nhân Trung Quốc tín nhiệm hơn so với bác sĩ đa khoa, dù điều đó đồng nghĩa họ vẫn phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ tại bệnh viện. Nhóm bệnh viện hạng "AAA" danh giá chỉ chiếm 1/10 số lượng các tổ chức y tế công nhưng đón nhận khoảng một nửa số bệnh nhân. Bên cạnh đó nhiều người Trung Quốc vẫn tin vào thuốc đông y, mà theo đó để chẩn đoán bệnh bắt buộc phải bắt mạch và do đó họ không hào hứng với việc được bác sĩ tư vấn chỉ bằng cách gửi video quay triệu chứng bệnh.
Các cơ quan quản lý cũng tỏ ra thận trọng, Ở nhiều nước, kể cả ở Mỹ là thị trường telemedicine lớn nhất thế giới, hầu hết các công ty bảo hiểm sẽ không thanh toán phí khám bệnh trực tuyến. Tương tự đối với hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia. Hầu hết các bác sĩ online chỉ được phép kê đơn và tư vấn khám lại chứ không được chẩn đoán từ ban đầu. Thậm chí 1 dự thảo năm 2017 mang màu sắc tiêu cực khi nói về các bệnh viện trên internet và khuyến nghị nên đóng cửa các bệnh viện này.
Phải đến năm ngoái Trung Quốc mới bắt đầu dỡ bỏ một số rào cản, ví dụ như ngừng cấm các bệnh viện trực tuyến bán thuốc kê đơn. Tuy nhiên, Covid-19 đang góp phần đẩy nhanh quá trình. Khi dịch bệnh đạt đỉnh hồi đầu tháng 2, Bộ Y tế ban hành chỉ thị cho phép các dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến được toàn quyền chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Tỉnh Giang Tô, "trái tim công nghiệp" của Trung Quốc, ban hành chính sách hoàn tiền khám trực tuyến. Thượng Hải và Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên, cũng có động thái tương tự.
Các công ty telemedicine đang cố gắng vận động hành lang và thu hút khách hàng bằng cách cư xử thật tốt. Nhiều công ty, trong đó có JD Health, khám bệnh miễn phí trên tinh thần hỗ trợ đồng bào vượt qua dịch bệnh. Ali Health của Alibaba cũng cung cấp "phòng khám trực tuyến miễn phí" cho người dân Hồ Bắc vì tỉnh này vẫn bị phong tỏa. Chỉ trong 5 ngày khoảng 100.000 bệnh nhân đã được tư vấn sức khỏe từ xa.
Trong khi đó WeDoctor, ứng dụng được hậu thuẫn bởi Tencent, huy động được 20.000 thầy thuốc làm việc online không công. Ping An thành lập cả một "trung tâm chỉ huy chống virus" để phân phát khẩu trang miễn phí trên cả nước. Dingxiang Doctor cung cấp thuốc chống động kinh cho 300 trẻ em ở Hồ Bắc do tình trạng khan hiếm thuốc và thiếu cả đơn vị vận chuyển. Bản đồ theo dõi số ca nhiễm Covid-19 cập nhật theo thời gian thực của công ty ghi nhận 2,5 tỷ lượt truy cập.
Tất nhiên các công ty phải chi số tiền không nhỏ cho những chiến dịch này. Nhưng, như Xin của JD Health chia sẻ, ở thời điểm hiện nay nghĩ về lợi nhuận là không phù hợp. Điều quan trọng là Covid-19 khiến mọi người nghĩ lại về chuyện vội vã tới bệnh viện đông đúc và họ cũng tin tưởng hơn vào các lời tư vấn của các bác sĩ đa khoa làm việc trực tuyến. Dịch bệnh cũng giúp những công ty này mở rộng tệp khách hàng, không chỉ là những bệnh nhân trung niên mắc các bệnh mãn tính mà còn thu hút cả những người trẻ thạo công nghệ muốn tìm kiếm lời khuyên cho bố mẹ ông bà của họ, hay cả những người khỏe mạnh đơn giản là muốn tìm lời trấn an.
Trong số 10 triệu người đã tìm kiếm các dịch vụ y tế trực tuyến trong tháng qua, có lẽ một nửa là những bệnh nhân lần đầu làm như vậy. Ít nhất thì 1/3 sẽ tiếp tục sử dụng các ứng dụng này, theo bà Chen.
Không chỉ các bệnh nhân và những chính trị gia ủng hộ telemedicine. JD Health đang thu hút được thêm nhiều công ty dược tham gia vào nền tảng của mình (một phần nhờ giảm lợi nhuận trên những đơn thuốc ở Hồ Bắc). Các bác sĩ thường xuyên phải làm việc quá sức ở Trung Quốc cũng ưa chuộng ngành mới. Xiao Xingxing đã rời khỏi 1 bệnh viện cao cấp ở Bắc Kinh để làm việc toàn thời gian tại JD Health, và nhiều đồng nghiệp cao tuổi cũng như bạn học của cô đang làm điều tương tự.
Và trong khi virus khiến TTCK toàn cầu đỏ lửa, cổ phiếu của các công ty telemedicine mang đến cơ hội kiếm lời hiếm có cho nhà đầu tư. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Ping An và Ali Health đã tăng lần lượt 34% và 66%.
Tham khảo The Economist