MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trọng tâm mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2019 là gì?

21-02-2019 - 14:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng đang lần lượt thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019. Nhiều ngân hàng trong năm nay sẽ bầu HĐQT nhiệm kỳ mới.

Sacombank cho biết ngày 22/2/2019 sẽ chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, dự kiến vào ngày 26/4/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, SHB cũng vừa cho biết dự kiến tổ chức sớm hơn vào ngày 23/4/2019 tại Hà Nội, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 11/3/2019. 

Vietcombank thì thông báo ngày 18/3/2019 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận quyền tham dự cuộc họp, ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/3. Cuộc họp cổ đông lớn nhất năm của nhà băng này sẽ được tổ chức vào ngày 26/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. 

LienVietPostBank có lẽ là ngân hàng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sớm nhất, dự kiến vào ngày 28/3/2019 tại TP. HCM. Ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 28/2/2019. Ngay sau đó 29/3, VIB sẽ tổ chức đại hội cổ đông, cũng tại Tp. Hồ Chí Minh, và thời gian chốt danh sách tham dự là ngày 7/3.

Chưa có thời gian cụ thể, MBBank dự kiến ĐHĐCĐ thường niên năm nay tổ chức từ ngày 20/4-29/4/2019, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 4/3/2019. Saigonbank dự kiến sẽ tổ chức phiên họp vào tháng 4, ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 22/2/2019. 

Eximbank là ngân hàng thông báo về ĐHĐCĐ thường niên sớm nhất. Ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/1 vừa qua và sẽ tổ chức phiên họp vào ngày 26/4 tại Tp.HCM, trùng ngày với Sacombank và Vietcombank.

Hiện chưa có ngân hàng nào công bố tài liệu cho cuộc họp sắp tới, tuy nhiên một số nội dung cũng đã được hé lộ. Trong mùa ĐHĐCĐ năm nay, nhiều ngân hàng sẽ tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới. 

Trong đó, Saigonbank và MBBank sẽ bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ 5 năm 2019-2024. Tại VIB, nhiệm kỳ VII (2016-2019) của HĐQT và BKS của ngân hàng sẽ kết thúc và phiên họp tới đây, ngân hàng sẽ bầu nhiệm kỳ mới 4 năm (2019-2023), dự kiến HĐQT sẽ có 7 thành viên trong đó 6 thành viên thông thường và 1 thành viên độc lập. 

Giới quan sát cho rằng, nội dung tăng vốn điều lệ sẽ vẫn là trọng tâm của cuộc họp ĐHĐCĐ của nhiều ngân hàng trong năm nay, đặc biệt khi thời điểm áp dụng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn đang đến gần. Nhiều kế hoạch tăng vốn trong các năm qua đã không thể thực hiện hoặc mới chỉ thực hiện được một phần, chủ yếu thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cho cán bộ nhân viên.

Chẳng hạn tại LienVietPostBank, ngân hàng muốn tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng trong năm 2018 nhưng chưa thể thực hiện, nội dung này sẽ tiếp tục có trong cuộc họp năm nay. Hay tại Vietcombank, một tờ trình đáng chú ý trong năm nay là phương án tăng vốn điều lệ. Trước thềm kết thúc năm 2018, ngân hàng này đã tăng vốn lên 37.000 tỷ thông qua việc phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho và quỹ GIC của Singapore; tuy nhiên số cổ phiếu này chỉ bằng 31% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán ban đầu. 

Tương tự như kế hoạch tăng vốn, năm 2018 có 9 ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thế nhưng hết năm chỉ có 3 ngân hàng thành công đó là Techcombank, HDBank và TPBank. Những ngân hàng còn lại, một số cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch lên sàn HoSE trong năm nay như NamABank, MSB, OCB, một số khác muốn chuyển sàn sang HoSE như VIB, Liên Việt.

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên