MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trồng trái cây chưng Tết cho thu nhập cao

17-01-2017 - 14:52 PM | Thị trường

Nắm bắt được nhu cầu người dân về nhiều loại trái cây khác để góp thêm sắc Xuân cho ngày Tết, nhiều năm nay nông dân ngụ xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) đã chuyển sang trồng dưa hấu, dưa lê và đã có thu nhập khá.

Trồng vụ dưa phục vụ Tết năm nay, gia đình ông Đinh Văn Út, ngụ ấp Cây Bàng, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng có gần 2 ha dưa hấu, dưa lê; trong đó, 8.000 m2 dưa hấu trồng loại trái tròn, 5.000 m2 dưa hấu loại trái dài và 5.000 m2 diện tích trồng dưa lê chưng Tết. Theo ông Út, trồng cùng lúc ba loại như vậy để tránh rủi ro về giá và thị trường tiêu thụ, vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Dưa lê có thu nhập cao và ăn chắc, vì mỗi năm ông đều hợp đồng và được bao tiêu sản phẩm từ Công ty ECOFRAM (Công ty cổ phần nông trại sinh thái) nên sản xuất rất an tâm.

Ông Út dự định 25 tháng Chạp (25 Tết) này sẽ xuất bán. Hiện nay, giá dưa hấu trái dài có thương lái đến đặt mua với giá 5.000 đồng/kg; dưa hấu trái tròn để chưng Tết cũng có giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Còn dưa lê chưng Tết thì đã được bao tiêu sản phẩm với giá 13.000 đồng/kg. Theo nhẩm tính của ông Út, với diện tích trên, loại dưa hấu trái dài có thể thu hoạch từ 3 - 3,5 tấn, dưa hấu trái tròn khoảng 4 tấn, dưa lê từ 1,8 - 2 tấn. Như vậy, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Út có tổng thu nhập hơn 50 triệu đồng từ dưa hấu và dưa lê. Từ hiệu quả mang lại từ trồng loại dưa chưng Tết, gia đình ông Út năm nay ăn Tết càng vui tươi, phấn khởi hơn.


Ông Đinh Văn Út bên ruộng dưa lê phục vụ nhu cầu chưng Tết của mình

Ông Đinh Văn Út bên ruộng dưa lê phục vụ nhu cầu chưng Tết của mình

Ông Lâm Quan Ba, cư ngụ ấp Đường Gỗ Lộ, có 1,3 ha đất sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa, năng suất hiệu quả chưa cao, lợi nhuận thấp, kinh tế gia đình khó khăn. Từ khi tiếp thu kế hoạch của UBND huyện Giồng Riềng về vận động xây dựng mô hình sản xuất đa canh tổng hợp, ông đã mạnh dạn sản xuất theo mô hình lúa kết hợp nuôi cá, trồng hoa màu trên bờ bao. Riêng vụ gần Tết, ông Ba chuyển hẳn sang trồng dưa hấu, dưa lê. Với cách làm này, gia đình ông Ba thu được trên 100 triệu đồng/năm; trong đó từ dưa lê, dưa hấu phục vụ chưng Tết gần 30 triệu đồng.

Cũng với mô hình đa canh tổng hợp, ông Ngô Hoàng Sự, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Cây Bàng và là Chủ nhiệm Hợp tác xã Long Tiến đã đầu tư nạo vét kinh mương làm bờ bao khép kín 3,5 ha đất nông nghiệp, trong đó có 2,5 ha trồng lúa hai vụ, 1,5 ha một vụ lúa hai vụ màu. Riêng vụ Tết, ông trồng dưa hấu, dưa lê và ký hợp đồng với công ty ECOFRAM bao tiêu sản phẩm. Tổng thu nhập từ hai vụ lúa và một vụ màu của gia đình ông thu được gần 300 triệu đồng/năm.

Ông Sự bộc bạch: “Làm lúa bây giờ gặp khó đủ thứ. Khi thất mùa thì được giá còn khi được mùa thì mất giá nên nông dân phải tìm hướng đi khác. Nhiều người dân nơi đây quyết tâm bám trồng màu, nhất là vụ gần Tết chuyển sang trồng dưa hấu và dưa lê để phục vụ nhu cầu chưng tết của bà con. Vụ này, thường dưa lê trồng ít bị sâu bệnh mà còn được giá nên bà con rất phấn khởi”. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thạnh, những năm qua, Hội đã vận động hội viên tham gia xây dựng mô hình sản xuất đa canh tổng hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ nông dân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân góp xóa đói giảm nghèo.

Qua đó, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang mô hình trồng màu rất hiệu quả. Điển hình là mô hình trồng dưa hấu, nhất là dưa lê của người dân trên địa bàn để phục vụ nhu cầu chưng tết của nhân dân là mô hình rất hiệu quả. Do đó, Hội Nông dân xã tham mưu với UBND xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới để nông dân tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Đinh Dậu, nông dân địa bàn xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, trồng hơn 45 ha dưa hấu, dưa lê phục vụ nhu cầu cho thị trường tết, với sản lượng khoảng 1.200 tấn.

Theo Lê Sen

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên