Trục lợi hàng nghìn tỷ đồng từ đất đai
VTV.vn - Nhiều khu "đất vàng" về mặt pháp lý là của Nhà nước nhưng đã được biến báo, nhào nặn, không qua đấu giá rồi được chuyển đổi sở hữu cho những pháp nhân khác.
Trục lợi hàng nghìn tỷ đồng từ đất đai - VTV.VN
Nhiều sai phạm về quản lý sử dụng đất đai
Gần 220 đơn vị thuộc 20 Tập đoàn, Tổng công ty và Công ty Nhà nước đã bị điểm tên trong Báo cáo Tài chính năm 2022 của Kiểm toán nhà nước với nhiều vi phạm khác nhau. Trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề quản lý sử dụng đất đai còn nhiều bất cập và các đơn vị này chưa tận dụng, phát huy hết lợi thế nguồn lực từ đất được giao quản lý và sử dụng với diện tích là rất lớn với nhiều vị trí "vàng", "kim cương" nằm ở trung tâm các tỉnh thành phố.
Một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm, tranh chấp do chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, hoặc thậm chí là bỏ hoang, chậm đưa vào khai thác sử dụng.
Không những thế, nhiều khu "đất vàng" về mặt pháp lý là của Nhà nước nhưng đã được biến báo, nhào nặn, không qua đấu giá rồi được chuyển đổi sở hữu cho những pháp nhân khác, gây ra bức xúc kéo dài trong dư luận.
Thiếu minh bạch trong quản lý đất công
Nguyên nhân của thất thoát, lãng phí, tiêu cực từ đất công tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã không ít lần được chỉ ra là do cơ chế còn chồng chéo, phức tạp, thiếu minh bạch… nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ triệt để.
Trụ sở của Tổng Công ty chè Việt Nam. Đại bản doanh của một công ty từng lẫy lừng một thời giờ được đem ra cho thuê. Dưới là tấm biển hàng phở, trên là công ty chè, tấm biển dễ làm người ta hiểu dưới là hàng phở của dân, còn trên không đó mới là của Tổng Công ty chè Việt Nam. Nhếch nhác, chồng lấn, đất công, đất tư chưa có sự phân định rạch ròi…
Còn tại khu đất 1.500m2 cũng thuộc Tổng công ty chè Việt Nam quản lý. Nhưng hiện nó đang được cho thuê làm bãi gửi xe và rửa xe. Đất vàng, đất bạc được Nhà nước giao cho Tổng Công ty chè để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng đã trở thành bãi gửi xe, rửa xe.
Còn Khu 67 Ngô Thì Nhậm Hà Nội - nơi là đất của nhiều doanh nghiệp Nhà nước trước đây trong đó có một phần diện tích là của Tổng Công ty chè Việt Nam giờ được quây tôn kín mít, để hoang hoá.
Hàng loạt Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước đã bị Kiểm toán Nhà nước chỉ đích danh việc sử dụng đất không hiệu quả, chưa đúng mục đích. Những cái tên như: Tổng công ty Thép, Tổng công ty hoá chất, PVGAS, VNPT, Petrolimex và hàng loạt cái tên khác đã cho thấy đất công, đất đai đang được giao cho các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có nhiều nơi, nhiều chỗ đang bị biến báo, trục lợi.
Tuy nhiên, với cơ chế hiện nay, mỗi doanh nghiệp Nhà nước đang chịu sự quản lý của ít nhất 3 - 4 cơ quan chủ quản như Bộ chủ quản chuyên ngành, Uỷ ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp có đất trên địa bàn.
Nguồn lực đất đai của Nhà nước đã bị lợi dụng và lạm dụng khi sử dụng sai mục đích hoặc bán rẻ hơn so với giá thị trường, gây nên những thất thoát thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là nguồn gốc của những tham nhũng, tiêu cực lớn xảy ra trong thời gian vừa qua.
Trục lợi hàng nghìn tỷ đồng từ đất đai
Trong vài năm trở lại đây, nhiều vụ án kinh tế tham nhũng lớn với thủ đoạn cấu kết tinh vi giữa doanh nghiệp và những quan chức có thẩm quyền trong việc đấu thầu, chỉ định thầu, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… gây thất thoát tài sản nhà nước trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Đây là những hệ quả tất yếu từ tình trạng thiếu những quy định về cơ chế giám sát, bất cập trong công tác đấu thầu, chỉ định thầu và thiếu minh bạch trong việc giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất không sát với thị trường.
Đã 45 năm qua, khu đất vàng tại địa chỉ số 36 Chu Mạnh Trinh, quận 1, TP Hồ Chí Minh của Tổng công ty lương thực miền Nam Vinafood chưa một lần được sửa chữa. Xập xệ, mối mọt, xuống cấp... những căn nhà 30m2 đang là nỗi lo với người dân ở đây. Nguyên nhân mà chủ mảnh đất kim cương này phải chấp nhận hiện trạng là do quy hoạch treo.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2010, sau khi được TP Hồ Chí Minh giao dự án với diện tích gần 6.300m2 theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần, Vinafood 2 lập tức liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại.
Trong thời gian hợp tác, doanh nghiệp này đã 4 lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng trong giai đoạn 2015 - 2016. Cụ thể đó là thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất này để vay hơn 7.000 tỷ đồng từ ngân hàng, thu lợi cá nhân mà không triển khai đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án.
Trước đó, tháng 8/2022, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định thu hồi khu đất. Đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng phương án xử lý khu đất này vẫn chưa thấy đâu.
Còn tại hơn 2.200 m2 đất vàng tại phố Lò Đúc, trung tâm Hà Nội, khu đất này thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội. Thế nhưng nhiều năm nay cả khu đất chỉ toàn cây dại, nhà xưởng bị bỏ hoang, hoen rỉ.
Trở lại với khu đất kim cương tại phố Chu Mạnh Trinh quận 1, TP Hồ Chí Minh, những người dân nơi đây đang mong mỏi phương án giải quyết của thành phố hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là những khoản tiền thất thoát từ những khu đất như vậy liệu sẽ thu về bằng cách nào khi mà hàng nghìn tỷ đồng đã bị trục lợi.
Dù các sai phạm trong quản lý đất đai tại các tập đoàn, Tổng công ty và Công ty Nhà nước… chủ yếu là do yếu tố con người, nhưng để có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu thì cần phải chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, pháp luật chi tiêu mua sắm công và các quy định pháp luật về kinh tế khác có liên quan…
Qua đó mới có thể ngăn chặn được những lỗ hổng mà các đối tượng có thể lợi dụng để trục lợi. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, cũng cần sớm ban hành cơ chế kiểm soát quyền lực của những người đứng đầu, đặc biệt kiểm soát cho được quyền lực của những người có quyền quyết định trong quản lý đất đai công sản, để chấm dứt tình trạng cấu kết với doanh nghiệp "sân sau", doanh nghiệp "thân hữu" tư lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, nhân dân.
VTV.VN