MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trục lợi từ nhà ở xã hội tại Hà Nội: Phát hiện nhiều, xử lý chẳng được bao nhiêu!

06-09-2016 - 11:11 AM | Bất động sản

Hàng loạt các vụ hành vi trục lợi từ nhà xã hội được phát hiện gần đây. Các hành vi này cùng kịch bản, sắp xếp để người thân được suất mua nhà xã hội, mua đi bán lại sau khi đã hoàn thành nhằm hưởng giá chênh.

Tuy nhiên, hàng loạt vụ việc được phát hiện nhưng đến nay việc xử lý hành vi gian lận nhằm hưởng lợi từ nhà xã hội mới chỉ 2 trường hợp. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm chỉ dừng ở mức trả lại tiền, chứ chưa phạt hành chính hoặc thu lại số tiền đã trục lợi từ gian lận mua bán nhà xã hội, nên không đủ sức cảnh báo, răn đe những sai phạm.

Mới đây nhất, sự việc xảy ra tại dự án nhà xã hội số 30 Phạm Văn Đồng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) do Cty CP xây dựng và thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư. Trong vai người mua nhà, một người đàn ông tên Thanh, tự nhận là người “có kinh nghiệm của dự án” khẳng định việc mua lại nhà xã hội là giao dịch ngầm.

“Mua được thì là mua ngầm, mọi giấy tờ, sổ đỏ vẫn là tên chủ cũ” - ông Thanh nói. Tiếp tục, ông Thanh dẫn tới người tên Thúy hiện còn nhiều căn hộ đang rao bán với các giá khoảng 24 - 25 triệu/m2. Tại đây, hầu hết các môi giới đều nhắc đi nhắc lại nguyên tắc, mua bán là giao dịch ngầm, không có công chứng, người mua nhà chỉ được vào ở với tư cách là người thân của chủ cũ, và phải đợi đến 5 năm sau mới được sang tên đổi chủ

Qua khảo sát, hầu hết tình trạng mua bán nhà xã hội dưới dạng giao dịch ngầm xảy ra hầu hết tại dự án nhà xã hội tại Hà Nội. Thậm chí, mới đây, vụ lùm xùm xảy ra tại dự án nhà xã hội Rice City (KĐT Tây nam Linh Đàm) khi bố của Tổng GĐ Cty là chủ đầu tư (Cty CP Bic Việt Nam) vẫn được xét duyệt mua nhà xã hội.

Vụ việc nghiêm trọng đến mức, ngày 14.7.2016, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng gửi Cty CP Bic Việt Nam nêu rõ: “Sở Xây dựng đã nhận được phiếu chuyển số 213 ngày 20.6.2016 của Công an TP Hà Nội về đơn tố cáo bà Lục Thị Mai Trang - Tổng GĐ Cty CP BIC Việt Nam vi phạm các quy định của pháp luật về mua bán nhà ở xã hội (NOXH) Rice City và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về trường hợp mua nhà của ông Lục Minh Kim và một số đối tượng tại dự án trên”.

Để có cơ sở trả lời theo yêu cầu, Sở Xây dựng dự kiến làm việc với Cty CP Bic Việt Nam để làm rõ các nội dung nêu trên. Sở cũng yêu cầu Cty BIC Việt Nam chuẩn bị hồ sơ xin mua nhà ở của 10 trường hợp (theo phiếu chuyển của công an TP Hà Nội), danh sách kèm hồ sơ các đối tượng đủ điều kiện mua nhà tại dự án (trước và sau khi ký hợp đồng, các trường hợp đã đủ điều kiện nhưng không được ký hợp đồng kể cả trường hợp của ông Lục Minh Kim- là bố đẻ của bà Lục Thị Minh Hoàn).

Mỗi khi phát hiện có những hành vi gian lận thì Sở Xây dựng Hà Nội đều vào cuộc. Tuy nhiên, khi kiểm tra phát hiện thì hầu hết các trường hợp đều “đúng quy định, xét duyệt mua nhà đúng quy trình”. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay đã có khoảng 10.000 căn hộ nhà xã hội tại các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên cơ quan chức năng chỉ mới phát hiện và thu hồi được hai trường hợp tại dự án nhà xã hội Ngô Thì Nhậm (Q.Hà Đông, Hà Nội) vi phạm về quy định mua bán.

Nhận định về việc phát hiện dấu hiệu vi phạm nhiều nhưng xử lý chẳng được bao nhiêu, nhiều ý kiến cho rằng với quy định lỏng lẻo hiện nay, trường hợp phát hiện ra sai phạm thì hiện quy định chỉ dừng lại ở phát hiện và thu hồi (trả lại tiền cho người mua nhà ở xã hội) nên không đủ sức răn đe. “Phải có chế tài phạt hành chính, thậm chí thu hồi (không hoàn tiền) để trả lại sự công bằng và quan trọng hơn tạo niềm tin cho chính sách an sinh xã hội”, một Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nói với chúng tôi.

Theo Cao Nguyên

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên