MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Trùm cuối" của TSMC: Chi trăm tỷ USD, các quốc gia chưa chắc đã tự chủ sản xuất chip được

17-07-2021 - 10:22 AM | Thị trường

Ông Morris Chang - người sáng lập TSMC cho rằng các quốc gia vẫn nên để thị trường vận hành theo cơ chế thương mại tự do, hơn là cố gắng đổ tiền để tự chủ sản xuất chip một cách không hiệu quả.

Người sáng lập Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) Morris Chang cảnh báo những nỗ lực của các chính phủ trên thế giới nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chip nội địa có thể đẩy chi phí lên cao nhưng vẫn không đạt được khả năng tự cung tự cấp.

Phát biểu với tư cách là đặc phái viên của Đài Loan tại cuộc họp online với các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Chang đưa ra bình luận trong bối cảnh Đài Loan giữ vị trí thống trị trong lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn nhưng chịu không ít áp lực vì tình trạng khủng hoảng chip trên toàn cầu. Washington, Bắc Kinh và Tokyo đều đã lên những kế hoạch lớn nhằm tăng khả năng tự lực trong chuỗi cung ứng chip.

"Thương mại tự do trong vài thập kỷ qua đã thúc đẩy đáng kể sự phát triển của công nghệ bán dẫn", Chang nói với các phóng viên vào tối ngày 16/7. "Công nghệ phức tạp hơn đã khiến các chuỗi cung ứng gặp vấn đề. Nếu chúng ta cố gắng quay ngược lại, sự phát triển của công nghệ sẽ chậm lại", ông nói.

Trùm cuối của TSMC: Chi trăm tỷ USD, các quốc gia chưa chắc đã tự chủ sản xuất chip được - Ảnh 1.

Ông Morris Chang - người sáng lập TSCM. Ảnh: Bloomberg.

Mặc dù không nêu tên bất cứ quốc gia cụ thể nào, Chang cho biết các chính phủ có thể vẫn không xây dựng được một chuỗi cung ứng tự cung tự cấp ngay cả khi đã chi hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đề xuất một dự luật trị giá 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chip cũng như nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn trên đất Mỹ. Liên minh châu Âu có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng chip lên ít nhất 20% nguồn cung toàn cầu vào năm 2030.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bổ nhiệm riêng một lãnh đạo để giám sát các nỗ lực của đất nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào TSMC và các công ty chip nước ngoài khác.

Trong khi đó, Chang tiếp tục ủng hộ mô hình sản xuất chip mà công ty của ông đã đi tiên phong – tập trung việc sản xuất chip tại Đài Loan, đặc biệt là các loại chất bán dẫn tiên tiến sử dụng trong smartphone và máy chủ.

Nhưng TSMC cũng đã công bố khá nhiều dự án ở nước ngoài. CÔng ty đang xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Arizona (Mỹ), lên kế hoạch mở rộng nhà máy ở thành phố Nam Kinh, miền đông Trung Quốc, đồng thời nghiên cứu mở một nhà máy công nghệ đặc biệt ở Nhật Bản.

Mặc dù vậy, Chang vẫn nhấn mạnh cách thức cũ vẫn là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu. "Việc có một chuỗi cung ứng chip trong nước, tự cung tự cấp cho một số ứng dụng an ninh quốc gia là cần thiết. Tuy nhiên, đối với nhu cầu lớn trong lĩnh vực tư nhân, tốt nhất là nên duy trì chuỗi cung ứng chip dựa trên hệ thống thương mại tự do", ông nói.

Đức Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên