MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trump đang dần từ bỏ Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rồi sẽ đi về đâu?

15-03-2017 - 09:44 AM | Tài chính quốc tế

Không phải cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ mới bắt đầu, nó đã âm ỉ hình thành trên mặt trận các ngành công nghệ cao kể từ khi ông Obama còn đương quyền. Nhưng sau khi chính quyền của ông Donald Trump vào Nhà Trắng, cuộc chiến này đã đi theo một hướng khác.

Trong những ngày tháng cuối cùng của chính quyền Obama, một Hội đồng tư vấn Nhà Trắng của ông đã đưa ra báo cáo cảnh báo kế hoạch giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp chất bán dẫn trên thế giới của Trung Quốc.

Không phải chỉ đến lúc ông Donald Trump ngồi vào Nhà Trắng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới bắt đầu diễn ra, mà nó đã âm ỉ hình thành trên mặt trận các ngành công nghệ cao từ khi ông Obama còn đương quyền. Báo cáo của hội đồng tư vấn Nhà Trắng cho biết: “Hãy chiến thắng cuộc đua bằng cách chạy nhanh hơn”.

Lời khuyên đó nghe có vẻ cũng hợp lý, nhưng chính quyền mới lại “không để lọt tai”. Thực tế, chính sách của Donald Trump chính là: Không đua với Trung Quốc. Đó là bởi vì đội ngũ của Trump đã không túm lấy mối đe dọa mà Trung Quốc đang áp đặt lên nền kinh tế Mỹ.

Trung Quốc đã không còn mặn mà với việc sản xuất ra những chiếc áo phông giá rẻ hay lắp ráp TV cho người tiêu dùng Mỹ. Năm 2015, Bắc Kinh đã thông qua một chính sách công nghiệp “Made in China 2025” với mục tiêu chính là nâng cấp năng lực sản xuất cho các sản phẩm công nghệ cao từ robot đến các thiết bị y tế. Chỉ tính riêng chất bán dẫn, Trung Quốc đã bỏ ra 150 tỷ USD để xây dựng một ngành công nghiệp ở quê nhà. Trong một báo cáo hồi tháng 3, Ủy ban thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết chính phủ Trung Quốc đang thuê của châu Âu một loạt thiết bị công nghệ để theo đuổi nỗ lực này.

Cách duy nhất để Mỹ chiến đấu với tham vọng của Trung Quốc là “chạy nhanh hơn”. Nhưng ý tưởng thúc đẩy năng lực cạnh tranh chủ yếu thông qua cắt giảm thuế và chính sách của ông Trump là chưa đủ. Nước Mỹ cần làm nhiều hơn để giúp ngành kinh doanh đạt được những tiến bộ vượt bậc.

Tuy nhiên, ông Trump lại đang làm điều ngược lại. Một lý do mà các công ty Mỹ luôn đi đầu trong sáng tạo và đổi mới đó là vì họ thu hút được nhân tài từ nhiều nơi trên thế giới. Nhưng, lệnh tạm ngưng tiến trình xét duyệt nhanh visa H-1B có thể lấy đi nguồn lực này khỏi các công ty Mỹ. Nếu ông Trump muốn dành lại việc làm cho người Mỹ, ông không cần phải lo lắng bởi tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ có bằng cử nhân hoặc cao hơn – đối tượng lao động tương đương với những người cầm thẻ H-1B – chỉ gần 2,5%.

Chính sách này không chỉ là mối đe dọa đến Silicon Valley, mà còn tất cả các ngành công nghiệp tại Mỹ. Michael McGarry – CEO của PPG Industries Inc – lo rằng lệnh hạn chế visa sẽ ảnh hưởng đến ngành kinh doanh của ông. “Chúng tôi tạo ra được rất nhiều sáng chế bởi sự đa dạng mà chúng tôi có. Chúng tôi cho rằng những tiến sĩ được đào tạo giáo dục trên đất Mỹ nên được ở Mỹ và làm việc cho người Mỹ, chứ không phải để cạnh tranh với bất kỳ ai”.

Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ lợi dụng sai lầm này của nước Mỹ. Robin Li – CEO của Baidu gần đây đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ xóa bỏ quy định visa để thu hút nhân tài giúp phát triển ngành công nghiệp ở Trung Quốc – một hướng đi ngược lại với ông Trump.

Đề án chi ngân sách của ông Trump cũng khá ngược lại với Trung Quốc. Ông Trump muốn thúc đẩy chi tiêu quốc phòng bằng cách cắt giảm nguồn quỹ của các ngành khác, đặc biệt là giáo dục. Ước tính chính quyền của Trump sẽ cắt giảm chi tiêu cho các bộ giáo dục, lao động, y tế và dịch vụ con người khoảng 20 tỷ USD. Nếu Trump muốn chiến đấu với Trung Quốc, đáng lẽ ông nên ưu tiên những ngành đó lên hàng đầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một dấu hiệu khả thi nào.

Ngược lại, Trung Quốc đang mở rộng chi ngân sách cho ngành giáo dục. Trong báo cáo thường niên của mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng số lượng thanh niên vùng nông thôn đi học đại học đã tăng 21% trong năm 2016, trong khi gần 8 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp trong năm nay. Đây là một con số cao nhất từ trước đến nay.

Và trong khi Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng những ngành công nghiệp mới, thì Mỹ vẫn lưu luyến hoài niệm. Trong một bài luận gần đây, giám đốc Ủy ban thương mại Nhà Trắng – Peter Navarro đã nói về sự thụt lùi của ngành nhôm thép và xây dựng Mỹ và ông hầu như cũng không nó gì về sự phát triển của những ngành này trong tương lai. Chủ nghĩa bảo hộ mà ông Trump theo đuổi sẽ làm giảm sức sáng tạo bởi yếu tố cạnh tranh giảm.

Nếu trao cho Trung Quốc quyền lãnh đạo những ngành công nghệ tối tân, Mỹ sẽ mất đi một nền tảng quan trọng bên trong quyền lực toàn cầu. Mặc dù có nhiều yếu tố cản trở Trung Quốc trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo mà nhiều năm qua đã chứng minh, đặt cược vào sự thất bại của Trung Quốc không phải là chiến lược đúng đắn. Mỹ sẽ làm tốt hơn Trung Quốc nếu Trump tập trung nhiều hơn vào những thế mạnh vốn có. Nếu không, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải chạy rất nhanh và rất nhiều để chiến thắng cuộc đua này.

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên