MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trúng đậm mùa ốc gạo

19-02-2020 - 10:09 AM | Thị trường

Chỉ sau một buổi, nhiều ngư dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam có thể cào được 70-80 kg ốc gạo mỗi người.

Với giá bán 10.000-15.000 đồng/kg tùy theo kích thước của ốc gạo, nhiều ngư dân kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Trúng đậm mùa ốc gạo - Ảnh 1.

Chỉ sau vài giờ cào, mỗi ngư dân Quảng Nam có thể thu được 70-80 kg ốc gạo

Ốc gạo còn gọi là ốc ruốc, ốc lể; thường sinh sản vào tháng 10, đến đầu tháng 1 năm sau mới đạt kích cỡ to để thu hoạch, đem bán. Mỗi ngày, từ 6 giờ, ngư dân mang theo dụng cụ và tập trung rất đông tại các bãi biển để cào ốc gạo. Cào ốc gạo đơn giản, chỉ chuẩn bị một cái cào bằng tre, lưỡi cào có bọc lưới và thùng nhựa đựng ốc.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, ốc gạo sinh sống dưới lớp cát biển mỏng. Muốn cào ốc phải canh theo con nước, lúc thủy triều xuống hay nước cạn mới có thể cào, thường vào 23-24 giờ, 5-6 giờ. Công việc cào ốc gạo tương đối nhẹ nhàng và chỉ kéo dài 3-4 giờ mỗi ngày nhưng đem lại thu nhập khá nên ngư dân rất phấn khởi.

"Năm nay, ốc gạo xuất hiện nhiều và có giá cao hơn so với mọi năm. Ngư dân chúng tôi tranh thủ làm mùa ốc gạo để kiếm thêm thu nhập" - ông Trần Văn Bình (ngư dân tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ.

Ở các bờ biển dọc Đà Nẵng, năm nay, ốc gạo xuất hiện nhiều hơn, lại được giá nên chỉ cần một buổi ra biển cũng kiếm được tiền triệu.

Ông Nguyễn Thanh Hùng có kinh nghiệm cào ốc gạo 30 năm cho biết cào ốc gạo phải dùng lực, tay cầm cào tre cắm xuống dưới lớp đất cát và đi về phía trước, khi nào thấy nặng thì vớt cào lên, rũ cho sạch cát, còn lại trong lưới là ốc gạo. Những hôm thời tiết thuận lợi, nước biển ấm, trung bình mỗi ngày, ông cào được 5 thùng, mỗi thùng 20 kg, thu về hơn 1 triệu đồng. Nếu có thời gian sàng lọc, phân loại ốc gạo theo kích thước lớn nhỏ thì bán giá cao hơn.

Nhìn thì đơn giản nhưng ngư dân cào ốc gạo luôn đối mặt với sự nguy hiểm bởi những con sóng dữ không hề được báo trước. Không chỉ có thế, công việc này đòi hỏi ngư dân phải có sức khỏe dẻo dai để chống lại cái lạnh của nước biển.

Ốc gạo sau khi cào lên sẽ đem đi phân loại theo kích thước, ngâm với nước biển để lọc sạch cát. Ốc vừa được chuyển lên bờ là các thương lái đến tận nơi thu mua. Một số bán lại cho các tiểu thương tại địa phương, một lượng không nhỏ được đóng thùng đưa vào TP HCM tiêu thụ.

Theo Thanh Tuyền - Lực Trần

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên