Trúng đấu giá cát gấp 200 lần giá khởi điểm: Nhà nước hay doanh nghiệp được lợi?
TP - Thành phố Hà Nội đấu giá 3 mỏ cát (Liên Mạc, Châu Sơn, Tây Đằng - Minh Châu) thu được gần 1.700 tỉ đồng. Mức giá này đã gây “choáng” cho người dân và cả các doanh nghiệp đang kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Giá vật liệu xây dựng sẽ tăng?
Theo tính toán, mỏ cát Liên Mạc, trữ lượng cát được cấp quyền khai thác gần 510.000 m3, giá trúng lên đến 410 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm. Như vậy, giá cát mà người trúng đấu giá bỏ tiền ra mua ở mỏ này sẽ tạm tính khoảng 803,9 nghìn đồng/m3.
Mỏ cát Châu Sơn có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác hơn 700.000m3, giá trúng thầu gần 400 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm. Với kết quả này, giá cát của mỏ là 571,4 nghìn đồng/m3.
Còn mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu có trữ lượng được cấp quyền khai thác gần 5 triệu m3, giá trúng thầu là 884 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm. Như vậy, giá cát của mỏ là 176,8 nghìn đồng/m3.
Ngoài chi phí cơ bản, còn có các chi phí khác như khai thác, vận chuyển, thuế… Như vậy, giá cát ở mỏ Liên Mạc khi đến công trình có thể lên đến hơn 1 triệu đồng/m3.
bất thường?
Ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc một Cty xây dựng tại Hà Nội cho biết, thông thường giá đấu thầu cao thì Nhà nước được lợi. Tuy nhiên, khi tham gia đấu giá hầu hết các doanh nghiệp đều “có bài” để làm sao được lợi nhất.
Nói rõ hơn điều này, ông Chung cho rằng, chẳng doanh nghiệp nào được cấp phép 100m3 mà chỉ khai thác đúng theo giấy phép. Thay vào đó, nếu được cấp phép 100m3, họ phải khai thác lên 200m3-300m3 để giảm giá thành. Doanh nghiệp có thể tăng sản lượng khai thác bằng nhiều cách. Ví như, doanh nghiệp sẽ khai thác 24/24h tại địa điểm được cấp phép. Trong khi đó, dòng chảy ở sông Hồng rất mạnh, lớp cát dưới lòng sông bị hút đi sẽ được dòng chảy bồi lắng rất nhanh và doanh nghiệp có thể trở lại khai thác tại chính điểm đó ngay trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể khai thác vượt chỉ giới được cấp phép, nhất là vào đêm khuya khi cơ quan chức năng ít giám sát nhất. Đó là chưa kể, mỗi xà lan chở cát cũng sẽ được vận chuyển “quá tải” để tăng khối lượng. “Các doanh nghiệp đều có hiểu biết nhất định về tài nguyên khác, nên chắc chắn họ phải có tính toán riêng mới bỏ thầu như vậy”, ông Chung nói.
Ông Nguyễn Văn An, Cty Xây dựng Xuân Mai thì cho rằng, doanh nghiệp trúng thầu giá cao thì giá bán cũng sẽ cao. Điều này, sẽ tác động đến thị trường vật liệu xây dựng theo hướng đẩy giá lên. Người dân sẽ là đối tượng trực tiếp phải gánh chịu mức chi phí tăng này.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu thì giá cát trung bình ở các tỉnh khoảng 110.000 đồng/m3 - 150.000 đồng/m3. Vì vậy, việc Hà Nội đấu giá lên gần 1 triệu đồng/m3 là bất thường, việc này sẽ đẩy giá cát, vật liệu xây dựng lên rất nhanh, tác động lên đơn giá, định mức xây dựng chung cả nước.
Ông Hiệp thông tin: Năm 2022, giá xây dựng đã tăng thêm 15%. Giờ cát "đội" giá đến 4 lần là bất thường. Giá cát tăng cộng với hệ thống đơn giá định mức lạc hậu, thua thiệt đầu tiên là các công trình mà nhà thầu đã nhận thầu. Không điều chỉnh được đơn giá, chắc chắn nhà thầu sẽ bị lỗ.
Theo khảo sát thị trường của PV Tiền Phong, tính đến tháng 11/2023, báo giá tại các bãi cát khu vực Ba Vì, Bắc Từ Liêm, cát đen có giá khoảng 140.000 đồng/m3, cát vàng khoảng 500.000 đồng/m3 (chi phí đã bao gồm thuế VAT và cước bốc xúc lên xe).
Thảo luận về luật Đấu giá tài sản công chiều 8/11, đại biểu Hoàng Văn Liên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dẫn ra ví dụ về việc đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội. “Theo thông tin trên báo chí phản ánh thì mức chênh như vậy là quá cao, cho thấy việc xác định giá khởi điểm chưa chính xác, phù hợp với thị trường. Cần rà soát lại quy định, chế tài đấu giá của chúng ta đã đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người có tài sản, chống trục lợi hay chưa?”, đại biểu Liên nêu. Cụ thể, góp ý cho dự thảo luật, đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng cần rà soát lại các quy định về giá khởi điểm.
Tiền Phong