Trúng lớn mùa vải thiều, người dân thắp đèn thu hoạch cả đêm
Những chủ vườn ở “thủ phủ vải thiều” Lục Ngạn (Bắc Giang) năm nay 'trúng lớn'. Cảnh thu hoạch vải nhộn nhịp từ lúc nửa đêm cho đến khi những xe vải nặng trĩu lần lượt lăn bánh đến khu vực thương lái tập kết vào buổi sáng.
- 06-06-2020Mùa vải thiều Bắc Giang, kiếm bạc triệu mỗi ngày từ nghề “cửu vạn”: “Có những đợt tôi thức xuyên mấy ngày đêm bốc vác vải, cũng vì miếng cơm gia đình”
- 05-06-2020Chục nghìn tấn vải thiều bán hết bay dù chưa xuất hiện thương nhân Trung Quốc
- 04-06-2020Vải thiều Bắc Giang vào vụ, dân gồng mình chở hàng tạ vải chòng chành qua chiếc cầu phao “tử thần”: “Ngã lộn xuống sông là chuyện bình thường”
Do các thương lái chỉ thu mua vải buổi sáng (buổi chiều sẽ đóng hàng và vận chuyển đi các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu), các hộ gia đình có nhiều vải thiều sẽ thu hoạch từ đêm. Khi trời chưa kịp sáng, các xe hàng đã chuẩn bị sẵn sàng để đến chợ đầu mối.
Ghi nhận của PV lúc 3h sáng tại thôn Nghĩa (thị trấn Chũ, Lục Ngạn), nhiều chủ vườn không ngớt tay thu hoạch vải trên cây, mặc dù làm đêm nhưng trên mặt ai ai cũng rạng rỡ vì năm nay được mùa.
Người dân Lục Ngạn vui mừng vì vải được mùa.
Có 2 mẫu vườn với hơn 200 gốc vải trên 15 năm tuổi, dự kiến thu hoạch được 4 tấn, chị Nguyễn Thu Hà (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) vui vẻ chia sẻ: "Ở Lục Ngạn khi vải chín rộ, nhà nào cũng phải tranh thủ dậy sớm, có nhà 2h sáng đã dậy rồi. Việc bẻ vải sớm giúp cho vải đẹp hơn, có giá cao hơn, kịp giờ để đi bán vì thương lái họ thường thu mua vải vào buổi sáng, chiều là đóng thùng chuyển đi. Thường vải được bó thành từng chùm khoảng 3kg, nếu vải đẹp năm nay có giá 20-23.000 đồng/kg”.
Chị Nguyễn Thu Hà đi hái vải từ 2h sáng.
Vải vườn nhà chín muộn hơn nên chị Trần Bích Phương tranh thủ đi hái vải thuê cho hàng xóm vào mỗi sáng sớm. Chị Phương cho biết: "Nhà tôi cũng có 100 gốc vải nhưng chín muộn. Đang rảnh rỗi nên tôi đi hái vải thuê kiếm thêm thu nhập mỗi ngày. Mỗi buổi sáng làm thuê được trả công 150.000 đồng. Ban đầu mới làm, do lệch giờ ngủ nên cũng mệt, nhưng lâu lâu rồi quen dần".
Chị Trần Bích Phương có thêm thu nhập từ việc đi hái vải thuê.
Theo các chủ vườn, năm nay dự báo sản lượng vải ở huyện Lục Nam đạt trên 85.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 18.000 - 20.000 tấn. Vải lại ít sâu nên được giá, ai cũng vui mừng.
Vải Lục Ngạn năm nay quả to, ít sâu nên bán được giá cao.
Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, mùa vụ 2020, cơ quan chức năng huyện đã chuẩn bị 3 phương án cho đầu ra của mặt hàng chủ lực này, trong đó đang thực hiện theo phương án 2 với kịch bản: dịch được kiểm soát nhưng chưa hết. Theo đó, sản lượng vải thiều tươi tiêu thụ trong nước khoảng 34.000 tấn, xuất khẩu 36.000 tấn và 15.000 tấn khác phục vụ chế biến nước ép, sấy.
Dù công việc bận rộn từ đêm đến sáng, người dân vẫn rất hồ hởi bởi vải được mùa, được giá.
Trao đổi với PV, ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo tính chủ động, tích cực, thuận lợi, căn cứ vào tình hình địa phương, huyện Lục Ngạn xây dựng phương án cách ly y tế phòng, chống dịch đối với người nước ngoài, thương nhân đến xúc tiến thương mại vải thiều.
Theo đó, tất cả các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam đều được bố trí người và phương tiện đón từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) để đưa về các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện, thực hiện cách ly tập trung đủ 14 ngày theo đúng quy định của Bộ Y tế, không để dịch lây lan trên địa bàn, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc bệnh.
Vải Lục Ngạn năm nay được mùa, người dân bội thu.
Các chủ vườn hăng hái mang vải đi bán.
Song song với việc phòng dịch, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh trong nước vẫn bị ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, bao gồm: xuất khẩu bình thường, xuất khẩu một vài thị trường, và trường hợp xấu nhất là chỉ tiêu thụ nội địa.
"Chúng tôi đã xác định tinh thần nếu như dịch bệnh còn thì sẽ tập trung xúc tiến, tiêu thụ trong nước, phân phối mạnh đến các thành phố lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, các tỉnh miền Tây, các khu công nghiệp… Bên cạnh đó, tổ chức các lò sấy khô, tích trữ, toàn huyện đã chuẩn bị 400 lò với công suất sấy 13.000 đến 15.000 tấn", ông Năm thông tin.
Rất đông chủ vườn mang vải ra thị trấn Chũ bán.
Infonet